Những ngày qua, sau khi Ballet Kiều công diễn (20.6), hàng loạt diễn viên múa của đoàn vũ kịch - Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) cùng chia sẻ trên trang Facebook cá nhân nội dung khá bức xúc: Đến bao giờ đoàn múa mới có được sàn tập đúng nghĩa?
Những ai xem trực tiếp Ballet Kiều hoặc qua hình ảnh được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội sẽ thấy sự phức tạp của cảnh trí, đạo cụ mà diễn viên cũng như ê kíp phải tập luyện để khi biểu diễn, mọi kết hợp phải uyển chuyển và không được xảy ra bất kỳ sự cố nào. Tuy nhiên, theo chia sẻ của NSƯT Trần Hoàng Yến: “Nhưng phòng tập không phải của tụi mình, thì việc tập luyện thật xa xỉ…”.
Hơn 20 năm qua, chuyện “nhà hát không nhà” như HBSO không còn lạ với giới làm nghề. Trong khi để thăng hoa trên sân khấu, với loại hình nghệ thuật đặc thù của vũ kịch, nghệ sĩ gần như ăn ngủ, “lăn lộn” trên sàn tập hằng tháng. Vậy mà qua bao thế hệ diễn viên, đoàn vũ kịch HBSO dường như luôn trong trạng thái chờ đợi và đi tìm địa điểm để thuê tập tạm bợ. Nhà hát có 3 đoàn chuyên môn (giao hưởng, nhạc kịch, vũ kịch), nếu có chương trình thì phải nhường nhau tập ở rạp Thanh Vân (cũng là kho nhạc cụ của dàn nhạc), hoặc đoàn múa phải đi tìm chỗ thuê tập tạm.
“Tôi công tác ở HBSO được 6 năm thì đã di chuyển 6 - 7 lần sàn tập, từ Trường múa TP.HCM, hội trường Liên hiệp Các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, hội trường Thư viện Khoa học tổng hợp, rạp Hào Huê, rồi quay lại Trường múa và hiện đang cùng các đoàn chuyên môn của HBSO chia sẻ giờ tập tại rạp Thanh Vân”, nghệ sĩ Sùng A Lùng bày tỏ.
Cách đây khoảng 2 tháng, đoàn vũ kịch vừa hân hoan với thông tin được bàn giao - cho mượn một nhà hát cũ để cải tạo làm chỗ tập luyện thì phút chót được thông báo tạm hoãn để xem xét lại nhu cầu diễn viên múa cần thiết có sàn tập riêng hay không. Rồi khi diễn viên lẫn tập thể HBSO đang phấn khởi với tín hiệu về nhu cầu người xem Ballet Kiều, về những lần tái diễn thì cũng là lúc họ biết địa điểm ấy không được bàn giao nữa…
Lâu nay, HBSO là một trong những đơn vị biểu diễn nghệ thuật tạo được tiếng vang với khán giả trong và ngoài nước, đặc biệt qua Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu - một thương hiệu văn hóa của TP.HCM. Vậy nên, như nghệ sĩ Sùng A Lùng chạnh lòng: “Một sàn tập đủ tiêu chuẩn để các nghệ sĩ có thể yên tâm dồn công sức, tuổi trẻ, sáng tạo, cống hiến có phải là yêu cầu quá đáng?”.
Bình luận (0)