Ngày 22.2, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo về 9 ca mắc Covid-19 mới, là các bệnh nhân (BN) Covid-19 thứ 2386 - 2392 tại Việt Nam, ghi nhận tại Hải Dương (6 ca) và Hải Phòng (3 ca). Trong số các BN kể trên, 6 BN tại Hải Dương là các trường hợp F1, đã được cách ly trước đó. Với 3 BN tại Hải Phòng, thông tin dịch tễ đang được tiếp tục điều tra bổ sung.
Hải Phòng giãn cách xã hội nhiều nơi
Sau khi phát sinh thêm 3 ca nhiễm Covid-19 mới trong ngày 22.2, UBND TP.Hải Phòng đã thiết lập các vùng cách ly tại xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, H.Thủy Nguyên; Bệnh viện GTVT, P.Hùng Vương, Q.Hồng Bàng; lô 112 khu công nhân Dư Hàng, phố chợ Cột Đèn, đường Dư Hàng, P.Dư Hàng, Q.Lê Chân từ 22.2 - 8.3.
TP.HCM cách ly tại nhà người đến từ một điểm ở Hải PhòngNgày 22.2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết với ca bệnh được phát hiện tại xóm 4, thôn Lôi Động, xã Hoàng Động, H.Thủy Nguyên (Hải Phòng), HCDC đã đưa vào diện giám sát cách ly tại nhà 14 ngày đối với những người ở địa điểm này nếu đến TP.HCM. Như vậy, hiện TP.HCM đang giám sát cách ly tại nhà 14 ngày đối với người đến từ một số điểm ở 4 tỉnh: Hà Nội, Quảng Ninh, Gia Lai, Hải Phòng.
Duy Tính
|
Hà Nội, Quảng Ninh cân nhắc nới lỏng một số hoạt động
Tuy vậy, một số tỉnh thành đã cân nhắc nới lỏng một số hoạt động. Cụ thể chiều qua, tại phiên họp của BCĐ phòng, chống dịch Covid-19 TP.Hà Nội, lãnh đạo Sở Y tế đã tính đến việc nới lỏng các biện pháp phòng dịch, do đã 7 ngày Hà Nội không có ca mắc mới và hơn 41.000/51.000 mẫu xét nghiệm người ở vùng dịch về (chủ yếu là Hải Dương) cho kết quả âm tính.
Ngoài ra, Hà Nội cũng đã xét nghiệm 18 địa điểm có liên quan đến ca mắc Covid-19 với tổng số 17.528 mẫu; 12.302 người làm việc tại sân bay Nội Bài, tất cả cũng đã âm tính. “Từ 27.1 đến nay, chúng ta đã làm 80.000 - 90.000 mẫu xét nghiệm, một số lượng rất lớn. Từ 16.2 đến nay, đã 7 ngày Hà Nội không ghi nhận ca mắc mới ở cộng đồng”, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh thông tin và cho biết thêm Hà Nội sẽ theo dõi tình hình dịch đến hết tuần này, trong tuần tới “có thể thay đổi về mặt giãn cách xã hội”, học sinh có thể quay trở lại trường, các lễ hội có thể hoạt động... Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cũng bày tỏ “hy vọng hết tuần này có thể có bước triển khai tiếp theo là nới rộng hoạt động kinh doanh và học tập trên địa bàn TP”.
Nhưng lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội đều nhấn mạnh, Hà Nội vẫn còn nguy cơ và đề nghị nếu bệnh viện nào có khả năng thì chủ động xét nghiệm cho cán bộ y tế ở những vị trí làm việc có nguy cơ cao (đặc biệt sau khi Hải Phòng xét nghiệm sàng lọc phát hiện 1 cán bộ y tế nhiễm bệnh); các doanh nghiệp chủ động kinh phí xét nghiệm sàng lọc để giảm thiểu nguy cơ cho mình, vì ngân sách TP có thể không đảm đương nổi. Về vắc xin cho người dân thủ đô, ông Hạnh cho biết Hà Nội đã đề xuất lên Bộ Y tế con số 15 triệu liều để tiêm cho khoảng 95% người từ 18 tuổi trở lên cư trú trên địa bàn (mỗi người 2 liều).
Kết luận cuộc họp, ông Chử Xuân Dũng, Phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, đồng ý với nhận định của ngành y tế, cho rằng nếu tuần này Hà Nội không xuất hiện thêm ca dương tính và không có biến cố nào đặc biệt, thì các sở, ngành có thể đánh giá nguy cơ để đề xuất cho các cơ sở quay trở lại hoạt động.
Trong khi đó, cùng ngày, thông tin từ tỉnh Quảng Ninh cho biết bắt đầu từ 1.3 học sinh, sinh viên tại địa phương này sẽ trở lại trường để tiếp tục học tập. Tuy nhiên, học sinh đến trường phải tuân thủ biện pháp 5K, phải đeo khẩu trang khi ở trên lớp. Quảng Ninh chưa cho phép mở lại một số dịch vụ có tập trung đông người, như: vũ trường, bar, karaoke… Tuy nhiên, đối với một số địa phương chưa có F0 thì bí thư, chủ tịch địa phương đó tự quyết định và chịu trách nhiệm về việc mở lại các dịch vụ này để đảm bảo mục tiêu vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Bình luận (0)