Nhưng với những gì đang diễn ra cho thấy không còn nghi ngờ gì nữa, người Việt Nam có thể được xếp vào top các dân tộc thích ca hát nhất hành tinh. Tôi đã có dịp đi du lịch Nhật Bản vài lần và nhận thấy họ - cho dù là nơi sản sinh ra karaoke - cũng không hát nhiều như người Việt chúng ta.
Kiểu nào người Việt cũng hát được, từ đám cưới, sinh nhật, đầy tháng, thôi nôi, họp lớp, tốt nghiệp, tất niên, tân niên, thất tình, gặp lại người xưa…cho đến đám ma. Nói chung “kính thưa các loại lý do”, người Việt đều có tiết mục ca nhạc đính kèm, như một phần không thể thiếu nhằm bổ sung cho cuộc sống này thêm phần thi vị lẫn… sự ồn ào.
Cái ồn ào của “sự nghiệp ca hát” không phải ở các quán karaoke (do đã được cách âm) mà trước hết, từ những người hát rong. Với dàn loa di động, những người bán hàng rong, đa số trong lứa tuổi thanh niên, mượn lời ca thay lời rao. Mà lời rao muốn ai cũng nghe được thì phải mở loa hết volume. Phải thừa nhận đa số những người hát rong kiểu này có chất giọng nghe không đến nỗi nào, thậm chí có người hát khá hay. Hay đến độ có người còn xuất hiện cả trên đài truyền hình, trong những chương trình thi thố ca hát. Nếu ồn một chút mà nghe hát hay, thì thôi cũng chấp nhận được, thông cảm cho sự mưu sinh của người ta. Nhưng nếu bạn hát dở ẹc thì đó chẳng khác gì…ác mộng.
Muốn hát hay, điều căn bản là phải "dzô" đúng "tông", đúng nhịp rồi mới tính tới các yếu tố luyến láy, nhả chữ, biểu cảm, nhập tâm vào ca từ của nhạc phẩm. Ca sĩ chuyên nghiệp đều hội đủ những yếu tố này. Nhưng vì hầu hết chúng ta đều là ca sĩ nghiệp dư, thậm chí có người hát nghe chẳng phải nghiệp dư mà giống như…nghiệp chướng, nên hệ lụy khó lường.
Chẳng nói đâu xa, trong dịp tết con gà 2017 vừa rồi, tôi về quê ngoại ở H.Cần Đước, tỉnh Long An. Không khí tết ở quê rất thích, nhất là sự sôi động của các đám tiệc nông thôn. Tiệc tùng mà thiếu ca hát thì niềm vui chưa trọn vẹn, do đó bà con sẵn sàng chi 3 - 4 triệu đồng thuê dàn nhạc đến chơi đâu chừng 5, 6 tiếng đồng hồ. Nói là dàn nhạc chứ thực ra chỉ có organ cùng mấy cái loa thùng cỡ bự. Có những đám tiệc hát đến 3 giờ sáng hôm sau mới dứt, tết mà! Bên trái nhà ngoại có hàng xóm mở tiệc, bên phải cũng có, sau lưng cũng có, phía trước xa xa là hội chợ với tiết mục hấp dẫn mỗi đêm là chơi lô tô. May mà nhà ở vùng nông thôn không sát rạt như Sài Gòn, chứ nếu không thì…
Ngoại trừ “xướng ngôn viên” của chương trình xổ số lô tô trong hội chợ nghe có vần, có điệu, còn lại những đám tiệc vừa kể, đa phần “ca sĩ” hát nghe thấy ớn. Ớn ở chỗ có nhiều người hát ngay câu đầu đã trật tông, câu thứ hai chuyển sang tông khác, câu thứ ba một tông khác nữa, qua câu thứ tư thì…rớt nhịp, kể từ đây nhạc đi đằng nhạc, lời đi đằng lời, chẳng ăn nhậu gì với nhau. Nghe mà thấy thương cho mấy anh làm nghề nhạc công, chắc phải gồng mình, căng đầu ra mới theo kịp “ca sĩ nghiệp chướng”, đuối luôn.
Khác với những ca sĩ đường phố không dám nhậu trong lúc mưu sinh, những “rống sĩ” của các buổi tiệc tùng quê ngoại tôi ai hát nghe cũng lè nhè, đậm chất…bia bọt, càng về khuya giọng hát càng nhão, nghe mà nản cả lòng. Nhưng biết thế nào được, tết mà!
Về lại Sài Gòn, tưởng yên thân, ai dè tiếp tục bị “tra tấn” một cách không thương tiếc. Số là gia đình tôi ở chung cư. Mà chung cư thì các bạn biết rồi đó, nó tích tụ âm thanh rất tốt. Chỉ cần hai vợ chồng cãi lộn thôi, nhà hàng xóm nghe thấy hết ráo. Do vậy, nếu có nhà nào đó tổ chức hát karaoke thì coi như…lãnh đủ. Gia đình tôi không có dàn karaoke và cũng chẳng có ý định hát hò gì cả, sống ở chung cư mà. Tuy nhiên, hàng xóm không nghĩ vậy. Hôm đó có 4 đám tiệc vừa nhậu vừa hát: nhà bên phải, nhà bên trái, nhà sau lưng, nhà ở tầng trên. Hình như vì muốn chơi trội, nhà nào cũng mở hết volume. Nếu cả 4 nhà đều hát bolero hoặc nhạc tiền chiến thì còn đỡ, đằng này 4 nhà chơi 4 loại nhạc khác nhau: nhà hát nhạc đỏ, nhà chơi nhạc vàng, nhà hát nhạc trẻ thời thượng, nhà chơi rock, giống như “cuộc chiến giữa các dòng nhạc” vậy. Thử hình dung, nằm giữa “4 trường phái âm nhạc” mở hết công suất ấy trong chung cư, tâm trạng của bạn sẽ thế nào? Tôi đã thử đóng kín hết tất cả cửa nẻo của nhà mình nhưng không ăn thua. Nhà nào lịch sự thì nghỉ sớm, còn nếu tiệc kéo dài đến tận đêm khuya thì coi như mình khỏi ngủ luôn. Đâu phải chỉ một tiệc rồi chấm dứt, có nhà ngày nào cũng hát, hát không ngơi nghỉ. Trong hoàn cảnh ấy, muốn yên ổn ngủ nghê thì chỉ có nước kéo nhau ra…khách sạn, bỏ nhà “đi hoang” luôn.
Đành rằng ca hát là để vui, giúp sống khỏe, yêu đời, nhưng nếu chúng ta biết tiết chế đôi chút, “vì mọi người”, cố gắng hát đúng tông, đúng nhịp, mới thấy cuộc sống này mến yêu vô cùng. Chứ còn nghe hàng xóm hát hò mà mình bị "xì trét" nặng thì không tổn thọ mới lạ. Thử hỏi cuộc sống đáng yêu này có cần thiết phải “tra tấn”, “hành hạ” nhau như vậy không?
Bình luận (0)