Lửa thử vàng Blackpink
Nhạc sĩ Quốc Trung nhắc tới đêm nhạc của Blackpink tại Hà Nội hồi 2023 trong hội thảo tham vấn chiến lược "Đề án Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa VN đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia VN và Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 9.7). Theo đó, những chính sách cụ thể để phát triển công nghiệp văn hóa đang vắng bóng tại VN, và cả thành phố sáng tạo Hà Nội. "Minh chứng rõ nhất sau Blackpink thì các đơn vị ở Hà Nội có thể thấy nhiều kinh nghiệm, dự án lớn như vậy cần chuẩn bị như thế nào. Nhưng nó lại như một nỗi kinh sợ của cơ quan quản lý, lấy nó làm tấm gương xấu", nhạc sĩ Quốc Trung nói.
Còn nhớ, vào thời điểm tháng 7.2023, Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc VCPMC đã gửi văn bản tới UBND TP.Hà Nội và Sở VH-TT Hà Nội về việc đề nghị thu hồi giấy phép đêm diễn của Blackpink. Đề nghị này được đưa ra với lý do Công ty TNHH Âm nhạc IME (đơn vị tổ chức đêm diễn) vi phạm nghiêm trọng bản quyền tác giả... Khi giấy phép dường như bị "đóng băng" như vậy, khán giả vẫn có mặt hàng dài ở sân vận động Mỹ Đình để nhận vòng tay tham dự. Phải tới chiều 28.7 (hai đêm diễn 29 - 30.7), cam kết hoàn tất nghĩa vụ trả tiền bản quyền mới được thiết lập, theo đó IME phải hoàn tất nghĩa vụ trả tiền trước 12 giờ trưa ngày 29.7.
Cũng nhắc tới 2 đêm diễn này của Blackpink, chuyên gia truyền thông văn hóa Lê Quốc Vinh (Công ty Le Bros) cho biết bản thân cũng tình cờ tham gia vào việc liên quan đến 2 đêm diễn. Ông đánh giá: "Có nhiều lý do cho việc không có cơ sở pháp lý, pháp chế chặt chẽ để quản lý chương trình như vậy. Việc cấp phép cũng được thực hiện nhưng chỉ được 50% so với dự kiến của nhà sản xuất".
Đêm diễn của Blackpink tại Hà Nội mang đến cơ hội thực hành sản xuất chương trình có quy mô lớn, cũng biến Hà Nội thành một điểm đến âm nhạc thời điểm đó. Song nó cũng cho thấy "sức khỏe yếu" của công nghiệp tổ chức biểu diễn trong nước, sự lúng túng của quản lý nhà nước trước những sự kiện quá lớn. Nói cách khác, trước "lửa" Blackpink, chúng ta thấy quản trị sự kiện biểu diễn lớn của chúng ta còn non, chưa phải là "vàng".
Không chỉ vậy, ông Lê Quốc Vinh còn đưa ra một cảnh báo cho việc hoạch định chính sách. Đó là làm sao để thúc đẩy các ngành công nghiệp sản xuất nội dung trong nước trước sự phát triển như vũ bão của các app nội dung nước ngoài, mà sát chúng ta nhất là Trung Quốc. "Ở Trung Quốc có hơn 100 app phim ngắn đang thống lĩnh thị trường nội dung. Nó phát triển sang châu Âu rồi và tại VN cũng có. Các nhà sản xuất phim của chúng ta cũng đang tổ chức tuyển nhân sự để sản xuất các phim kiểu này. Nó cần có vị trí trong công nghiệp văn hóa", ông Vinh nói. Cũng theo ông Vinh, ngành xuất bản cũng đang phá vỡ truyền thống bằng các postcard, âm nhạc đang có sự xuất hiện của AI, và câu chuyện sáng tạo đang cần được điều chỉnh.
Thúc đẩy và phân chia nguồn lực
Ông Quốc Trung còn đặt vấn đề làm sao để các thành phần sáng tạo văn hóa khác nhau được tiếp cận nguồn lực như nhau. "Các đội ngũ sáng tạo mạnh không chỉ trong nhà nước mà nằm ngoài rất nhiều. Chính sách để cả hai lực lượng có thể thụ hưởng thì chưa có, vì thế chưa có cạnh tranh giữa đội ngũ sáng tạo trong và ngoài nhà nước. Chính điều đó mới mang lại thị trường, tạo sản phẩm đáp ứng nhu cầu…", ông Quốc Trung nói. Hiện tại, theo ông Trung, đội ngũ sáng tạo ngoài nhà nước đang không có chính sách cụ thể để hỗ trợ và cần phải có chính sách xóa đi ranh giới trong nhà nước - ngoài nhà nước này.
TS Trịnh Lê Anh (Trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG Hà Nội) đề xuất hỗ trợ cho doanh nghiệp cam kết và đăng ký phát triển du lịch văn hóa. "Nếu chỉ nói hỗ trợ doanh nghiệp du lịch thì quá chung chung. Du lịch đang phát triển du lịch xổi, nếu bán tour đi thăm các di tích nhà Lý, thăm đình đẹp nhất VN là Đình Bảng thì họ không muốn phát triển vì không bán được. Nhưng bán combo đi Safari Phú Quốc lại rất nhanh. Vấn đề là doanh nghiệp nào kiên định làm du lịch văn hóa mới làm tour như tour thăm nhà Lý. Có doanh nghiệp thiết kế bao nhiêu sản phẩm du lịch trải nghiệm trà, nhưng họ chẳng được ưu đãi gì. Tôi đề xuất phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp kiên định làm du lịch văn hóa", ông Lê Anh nói.
TS Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VH-TT-DL), cho rằng ở Hàn Quốc có nhiều bài học thành công khi phát triển văn hóa. "Thay vì chúng ta hỗ trợ cho bên cung thì họ hỗ trợ cho cầu, tức là khán giả và hưởng thụ văn hóa. Có nhiều quỹ cho văn hóa nghệ thuật. Họ đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng ra toàn cầu, chiến lược này thể hiện được tầm nhìn sâu rộng, tạo được sức mạnh của các hiệp hội, đẩy mạnh cộng đồng doanh nhân, gắn kết người sáng tạo", bà Hòa chỉ ra.
Bình luận (0)