'Nói thẳng để Bộ trưởng Y tế biết đang tiếp nhận gia tài thế nào'

Mai Hà
Mai Hà
22/10/2022 11:48 GMT+7

Phản ánh bệnh viện thiếu thuốc, thiết bị y tế... bệnh nhân đau đớn tự đi mua, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) mong muốn tân Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp nhận và sớm giải quyết dứt điểm thực trạng này.

Sáng 22.10, tiếp tục ngày làm việc thứ 3, kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho biết, trước tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc hàng loạt, thiếu thuốc, trang thiết bị y tế, Chính phủ “nói giải quyết nhưng giải quyết thế nào thì chưa thấy nói”, trong khi hệ thống y tế đang có vấn đề rất nghiêm trọng.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, phát biểu tại thảo luận tổ sáng nay 22.10

gia hân

Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Gần 40.000 viên chức, công chức thôi việc sau 2 năm; chủ yếu trong lĩnh vực y tế và giáo dục

“Vào viện thiếu từ băng gạc, bệnh nhân đau đớn tự đi mua"

“Mỗi người dân, bạn bè của tôi nói đi vào viện bây giờ thiếu thuốc, thiếu từ băng gạc, bệnh nhân chịu đau đớn tự đi mua, bảo hiểm y tế không thanh toán được. Như vậy, chúng ta tước đi quyền lợi bảo hiểm y tế của người dân”, bà Lan dẫn chứng.

Theo đại biểu này, ngành y tế có 3 chân kiềng là y tế cơ sở, y tế điều trị và cung ứng dược, trang thiết bị vật tư y tế. Nếu trước chỉ y tế cơ sở yếu, thì hiện nay cả 3 chân kiềng này đều yếu.

“Nói thẳng để Bộ trưởng mới thấy là chị đang tiếp nhận gia tài thế nào. Vấn đề này tồn tại nhiều năm do cơ chế của chúng ta, nên phải có nhìn nhận, phân tích về bảo hiểm y tế, cơ chế xã hội hoá y tế...”, đại biểu Lan thẳng thắn bày tỏ.

Xem nhanh 20h ngày 22.10: Giá xăng Việt Nam ‘thấp nhất thế giới’ | Than khổ vì con đi học sớm

Vị đại biểu đoàn TP.HCM cũng nêu vấn đề: cứ kêu gào thiếu thuốc, từ Thủ tướng đến Bộ trưởng chỉ đạo xử lý, nhưng gốc rễ vấn đề ở đâu? Về đãi ngộ nhân viên y tế đến giờ đã tăng được đồng nào chưa?

“Nói y tế không phục vụ công lập thì ra bệnh viện tư, nhưng tư là phục vụ người có tiền, còn bệnh viện công phục vụ đại đa số người dân. Bác sĩ giỏi mà ra khỏi bệnh viện công thì người dân thiệt thòi”, bà Lan nói.

"Bệnh nhân nghèo vào viện công, bác sĩ giỏi ra viện tư"

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, nêu “từ lúc có ý kiến nói lên việc thiếu thuốc, trang thiết bị y tế đến nay đã hơn 8 tháng”. Chính phủ, các bộ, ngành họp rất nhiều, lắng nghe nhiều lần nhưng tới nay chưa có thay đổi nào về chính sách.

“Các bệnh viện đang loay hoay không biết mua sắm thế nào cho đúng. Hiện giờ nhân viên y tế thời gian làm chuyên môn giảm đi rất nhiều mà tập trung vào mua sắm, đấu thầu thế nào”, ông Thức nói.

Cũng theo lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy, không chỉ là thiếu thuốc mà tới đây là thiếu trang thiết bị y tế như các máy cao cấp xạ trị, CT. Đây là các loại máy gần như độc quyền, chỉ một hãng, một nhà phân phối. Ví dụ, máy CT của hãng A, bóng đèn 3 - 4 tháng phải thay, nhưng nếu làm hồ sơ thầu ghi mua của hãng A thì vi phạm vì là chỉ định thầu.

“Đấu thầu phải tham khảo 3 gói giá nhưng chỉ một hãng độc quyền thì lấy đâu ra 3 giá. Nên bây giờ các máy cao cấp ở các bệnh viện hư không tài nào sửa được. Sắp tết rồi, anh em Bệnh viện Chợ Rẫy máy CT hư mà như ngồi trên lửa vì không biết làm sao mua để thay được”, ông Thức nêu và cho rằng, bao nhiêu khó khăn đổ hết lên đầu bệnh nhân nghèo. Lý do, người có tiền thì ra bệnh viện tư, nhưng giá dịch vụ tư cao hơn bệnh viện công.

“Người có tiền không phải lo lắng, nhưng còn người nghèo thì quyền lợi nằm ở đâu”, đại biểu Thức nêu và mong sớm có cơ chế để các bệnh viện mua sắm, sửa chữa thiết bị.

Bên cạnh đó, theo ông Thức, có ý kiến nói bác sĩ công chuyển ra bệnh viện tư thì vẫn là phục vụ, nhưng bản chất khác nhau. Bệnh viện tư mời bác sĩ từ viện công ra thì chắc chắn là người giỏi, tinh hoa giới y khoa lại dịch chuyển ra bệnh viện tư.

“Cuối cùng người nghèo vào bệnh viện công trong khi bác sĩ giỏi, tinh hoa đã ra khu vực tư. Người giàu sẽ có cơ hội tiếp cận bác sĩ giỏi nhiều hơn. Đây đâu phải sự công bằng trong chăm sóc y tế, tạo ra sự bất bình đẳng trong chăm sóc sức khoẻ nhân dân”, ông Thức nói.

Đại biểu Thức cũng đề nghị trong giai đoạn vô cùng cấp bách này, Thường vụ Quốc hội ra nghị quyết giải quyết tức thì vấn đề của ngành y tế trong thời gian chờ sửa đổi luật khác.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.