Tự chủ thật sự cho bệnh viện công

Duy Tính
Duy Tính
15/10/2022 05:48 GMT+7

Từ tháng 1.2021 - 8.2022 đã có hơn 2.500 nhân viên y tế (NVYT) công lập tại TP.HCM nghỉ việc hoặc chuyển sang các cơ sở y tế tư nhân.

Tính riêng từ đầu năm 2022 đến nay có 891 nhân viên y tế (NVYT) nghỉ việc. Trong đó, đáng lo ngại là số điều dưỡng nghỉ việc tăng, dẫn đến tỷ lệ điều dưỡng/bác sĩ (BS) tại một số bệnh viện (BV) đang có xu hướng giảm dần.

Một khảo sát nhanh tỷ lệ điều dưỡng/BS tại các BV công lập thuộc Sở Y tế hiện nay là 1,86/1 (theo quy định là 3/1). Trong đó, có đến hơn 50% tổng số khoa lâm sàng của các BV có tỷ lệ điều dưỡng/BS dưới 2/1. Thực trạng nghỉ việc của NVYT công lập có chiều hướng gia tăng và nhận định của Sở Y tế TP.HCM là chưa dừng lại. Nguyên nhân chính là do nhiều BV hết tiền chi thu nhập tăng thêm và các chế độ chính sách khác cho NVYT.

Bệnh nhân đi khám chữa bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM)

Duy Tính

Hiện nay, hầu hết các BV công tại TP.HCM được giao tự chủ chi thường xuyên, nhưng giá thu viện phí và con người thì BV không có quyền quyết định. Bên cạnh đó còn có nhiều bất cập trong trích quỹ phát triển BV, xã hội hóa một số dịch vụ (căn tin, bãi xe...) trong BV công... khiến BV hầu như bị “bóp nghẹt” trong các quy định, khó có thêm nguồn thu để chi.

Nên khi đại dịch Covid-19 ập đến, nó như lấy hết nội lực tích lũy bấy lâu của các BV và đến “hậu Covid-19” thì các BV, cơ sở y tế đã gần như không trụ nổi vì… hết tiền.

Đặt vấn đề, nếu như các BV công được thu đúng, thu đủ giá viện phí, được tự chủ - tức được quyền quyết định phát triển BV (nhưng theo đúng pháp luật) thì có gặp cớ sự như hôm nay?

Để tự chủ thật sự cho BV, phải nhìn nhận quá khứ tự chủ và thực trạng hiện tại của các BV.

Trong cuộc khảo sát gần đây của Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM với Sở Y tế và 25 BV công lập trên địa bàn, đoàn cho biết sẽ kiến nghị Chính phủ đánh giá lại tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, trong đó có đơn vị y tế “hậu Covid-19” để có nhìn nhận đúng và có hướng tháo gỡ. Tự chủ nửa vời, công tư lẫn lộn vừa đánh mất sự công bằng trong khám chữa bệnh, vừa khiến các BV công phát triển lệch lạc theo hướng thương mại hóa, có nguy cơ dẫn đến vi phạm pháp luật...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.