'Hiệu ứng domino' bỏ cọc đất tạo tiền lệ xấu

Nguyễn Phúc
Nguyễn Phúc
07/10/2022 07:38 GMT+7

Khoảng 2 tháng vừa qua, tại Quảng Trị bỗng phổ biến việc những người trúng đấu giá đất bỗng dưng 'lặn mất tăm' buộc chính quyền phải ra nhiều quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá trước đó.

Nhiều người cho rằng “cơn lốc” bỏ cọc đất đang tạo nên hiệu ứng domino ở Quảng Trị.

Cụ thể, trong tháng 9.2022, tại H.Vĩnh Linh hủy kết quả trúng đấu giá 12 lô đất tổng trị giá hơn 30 tỉ đồng; H.Cam Lộ hủy 11 lô, trị giá 18 tỉ đồng và H.Gio Linh hủy 41 lô, hơn 62,3 tỉ đồng.

Sau cơn sốt đất ảo của 1 năm trước, hiện nay thị trường bất động sản ở toàn tỉnh Quảng Trị trở nên im ắng

THANH LỘC

Gần nhất, hôm 4.10, UBND H.Hải Lăng cũng phải ra quyết định hủy bỏ công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với 9 lô đất tại Khu đô thị khóm 6 (TT.Diên Sanh - tổng diện tích 1.751 m2, tổng số tiền trúng đấu giá là hơn 13,4 tỉ đồng), trưng thu số tiền hơn 1,4 tỉ đồng mà người trúng đấu giá đã nộp trước đó, vào ngân sách nhà nước.

Hệ lụy đáng bàn nhất trong câu chuyện này là tạo nên một tiền lệ xấu trong hoạt động kinh doanh bất động sản, mà người chịu thiệt chính là các nhà đầu tư kinh doanh theo tư duy đám đông, ồ ạt. Chưa hết, có người cho rằng, việc đấu giá đất cao ở một khu vực không thực sự có tiềm năng là chiêu của các “trùm đất” hòng đẩy giá đất ở quanh đó lên cao và những nhà đầu tư “cò con” sẽ sập bẫy.

Thật khó để đặt ra vấn đề trách nhiệm với các cơ quan quản lý nhà nước trong các tình huống bỏ cọc. Nhưng có thể thấy rằng nếu công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tốt lên thì sẽ càng có ít “nạn nhân” của mua bán đất theo đám đông, để rồi mất luôn tiền cọc.

Và quan trọng nhất, vai trò chủ thể trong câu chuyện này chính là người đi mua đất. Ngoài chuẩn bị… tiền, họ cần phải có sự hiểu biết, tỉnh táo nhất định, tránh bị cuốn theo những cơn sốt ảo, những cái giá ảo của đất đai rồi lâm vào cảnh “trắng tay”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.