Nơi trái tim trao đi

20/12/2023 17:00 GMT+7

Ngày còn nhỏ, sống nơi quê xa, Sài Gòn trong tâm trí tôi là miền đất của những điều không hay. Mỗi khi tôi thấy ai đó trong xóm phải vào Sài Gòn chữa bệnh, thì tôi cũng biết điều đó đã là chuyện sinh tử, tôi sợ người thân mình cũng 'phải vào Sài Gòn'.


Rồi tháng ngày khi ấy, tôi nghe nhiều lời lẽ khác về Sài Gòn. Đó là nơi mà nhà nào chỉ biết nhà đó, không có xóm giềng. Đó cũng là nơi mà bất cứ ai cũng dễ dàng bị lừa lọc, bị kẻ xấu tìm đến. Sài Gòn trong tôi khi ấy là mảnh đất của e dè và sợ hãi.

Nơi trái tim trao đi - Ảnh 2.

Tháng ngày trọ học ở Sài Gòn đã dần dần xóa nhòa đi hình ảnh Sài Gòn đầy "sợ sệt" trong tâm tưởng của tôi khi xưa...

Ngọc Dương

Ngày vào Sài Gòn nhập học, tôi trong vai gã trai quê luôn cảnh giác, luôn phập phồng với mọi thứ xung quanh mình. Tôi nhớ lúc mình đang lang thang ở đường Vũ Tùng - sau lưng chợ Bà Chiểu - để tìm nhà trọ, thì một chú xe ôm nào đó nhìn tôi rồi sẵn giọng: "Sinh viên phải hôn, tìm nhà trọ thì qua bên kia kìa, ở bên này học hành được chết liền". Nhìn qua hướng tay người đó chỉ, tôi chỉ thấy một hẻm sâu. Tôi cảnh giác và quyết tìm phòng trọ… ngược hướng chỉ cho chắc ăn.

Căn phòng trọ đầu tiên của tôi giá rẻ hơn mức tôi tưởng, khi tôi chưa kịp tán thưởng quyết định của mình thì sự thật đã tìm đến sau 1 tuần trọ, tôi không học hành gì được, cả ngủ cũng không yên vì nhà trọ này ngay hông chợ, nhà trệt buôn bán gà và kiêm giết mổ bất cứ thứ gì khách mang đến, nên từ 2 giờ sáng đến 23 giờ đêm luôn ồn ào, tanh tưởi. Tôi ân hận khi không nghe lời chú xe ôm.

Tháng ngày trọ học ở Sài Gòn đã dần dần xóa nhòa đi hình ảnh Sài Gòn đầy "sợ sệt" trong tâm tưởng của tôi khi xưa, bởi vô vàn những điều tử tế mà nhiều người đã dành cho mình. Tôi nhớ những bữa cơm mà tôi có được thời sinh viên khốn khó đến từ nhiều "nguồn", như cơm tình thương bên hông Bệnh viện Ung Bứu, cơm ngày mồng 1 và 15 âm lịch hằng tháng mà hàng xóm tìm cho. Rồi lúc nhiều người hối hả gặp tôi thì chỉ bảo nơi làm việc khi biết tôi muốn đi làm thêm.

Tôi nhớ lần ấy khi tôi chạy xe ôm để kiếm thêm trang trải, tôi chở một cô về Phú Nhuận với giá 15.000 đồng, khi đến nơi, tôi thấy cô cầm trên tay 3 cắc 5.000 đồng, nhưng cô ngần ngừ rồi cất lại, cô lục tìm tờ 20 nghìn cho tôi và giải thích: "Con khỏi thối, cô sợ con giữ tiền cắc dễ mất, bay luôn cuốc xe tội nghiệp".

Tôi không thể kể hết những gì mà mình đã nhận được từ vô số con người hào sảng trên mảnh đất Sài Gòn này, và tôi chẳng biết mình sẽ ra sao, nếu không có được những điều tử tế từ những con người xa lạ ấy suốt hơn 20 năm qua khi sống cùng họ. Lúc sống cùng thì thấy bình thường, nhưng khi đi xa, thì tôi lại nhớ khí chất Sài Gòn, nhớ đất và người nơi này, cùng muôn vàn nghĩa cử mà tôi chắc chắn họ không cần được nhắc đến. Kể từ đó, tôi biết mình đã yêu Sài Gòn cũng như đây mọi nghĩa cử hào hiệp rất riêng ở nơi đây.

Nơi trái tim trao đi - Ảnh 3.

Tôi hạnh phúc khi biết mình đã được "khí chất Sài Gòn" nảy mầm từ sâu thẳm nơi trái tim

Thiên Anh

Khi tôi nói với bố mẹ về suy nghĩ hiến tạng của mình, bố tôi trầm ngâm, mẹ tôi thì rấm rứt vì bà sợ cảnh "chết rồi còn mổ xẻ"…, cả hai không biết từ đâu tôi lại có quyết định này, riêng tôi thì biết. Sài Gòn đã hồn nhiên gieo cho tôi vô vàn rưng rưng của lối sống nghĩa tình, còn tôi chỉ muốn để lại tấm lòng của mình trên mảnh đất luôn nảy mầm những lối sống đẹp. "Sống không đàng hoàng mới lo, chết thì ai biết được mà lo", đó là câu nói tôi học được ở Sài Gòn này.

Khi tôi ra tiệm photocopy gần nhà để chụp hình, photo mẫu đơn hiến tạng, chú Bảy - chủ tiệm - cầm mẫu đơn của tôi (sau khi photo xong) đọc, rồi ông vui vẻ "ưu tiên" chụp hình thẻ cho tôi trước. Mọi việc xong xuôi, chú Bảy vỗ vai tôi "được đó con trai", chú không lấy tiền tôi, chú chậc lưỡi "cứu ai cũng được, sống vậy mới vui phải hôn con".

Bố mẹ tôi đã hiểu quyết định của tôi đến từ đâu, và họ đã bình tâm, vui vẻ trở lại. Riêng tôi thì mỗi ngày vẫn lạc trôi cùng cơm áo giữ lòng Sài Gòn như bao người. Mỗi khi nhớ lại lời mẹ than "mổ xẻ" khi xưa, tôi mỉm cười, chậc lưỡi, kệ, có mổ xẻ thì họ mới thấy được trái tim mình dành cho nơi này: "Cứu ai cũng được, sống đẹp mới vui". Tôi hạnh phúc khi biết mình đã được "khí chất Sài Gòn" nảy mầm từ sâu thẳm nơi trái tim, một lối sống trọng tử tế, hào hiệp của đất và người nơi này.

Nơi trái tim trao đi - Ảnh 4.

 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.