“Lý do vì sao bị can Dương Chí Dũng lại trốn thoát được? Bộ trưởng cho biết Bộ đã thực hiện những giải pháp gì để sớm bắt được đối tượng này và các giải pháp để có thể ngăn chặn những trường hợp tương tự?”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng chất vấn.
|
Ông Hùng cũng đồng thời đề nghị Bộ trưởng Đinh La Thăng giải trình việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải trong khi đang thanh tra Vinalines.
“Có thể nói những biện pháp để truy bắt, truy nã đối với ông Dương Chí Dũng triển khai rất khẩn trương. Về vụ việc này chúng tôi cũng đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra làm rõ nguyên nhân ông Dương Chí Dũng bỏ trốn xem có lộ, lọt thông tin hay không? Nếu có thì phải điều tra xử lý theo pháp luật. Đồng thời chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan cảnh sát điều tra kiểm điểm rút kinh nghiệm nghiêm túc về các biện pháp công tác nghiệp vụ, mặc dù theo quy định của pháp luật, trước khi khởi tố bị can có lệnh bắt và khám xét đối với ông Dương Chí Dũng thì chưa được áp dụng các biện pháp ngăn chặn theo quy định của pháp luật”, Bộ trưởng Trần Đại Quang nói.
Từ vụ việc này, Tư lệnh ngành công an kiến nghị QH và các cơ quan có chức năng sau này khi nghiên cứu và sửa đổi luật Tố tụng hình sự và luật Phòng chống tham nhũng, cho phép cơ quan điều tra được áp dụng một số biện pháp ngăn chặn cần thiết và được tiến hành điều tra bí mật đối với những cá nhân đã có những chứng cứ, có những dấu hiệu phạm tội tham nhũng để tránh những tình trạng có những đối tượng tìm cách bỏ trốn.
Bộ trưởng Đinh La Thăng nhận khuyết điểm
Cũng trả lời vấn đề này, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng tái khẳng định việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng là đúng quy trình, đúng thẩm quyền, đã có sự bàn bạc tập thể, sự thống nhất tuyệt đối của Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT...
Tuy nhiên, trước thực tế ông Dũng bị khởi tố về hành vi vi phạm từ năm 2007, Bộ trưởng Thăng lần đầu thừa nhận trước QH “trách nhiệm để xảy ra việc bổ nhiệm ông Dũng là trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ GTVT”. “Với tư cách là Bí thư Ban Cán sự (Đảng bộ GTVT - PV), là Bộ trưởng Bộ GTVT, tôi xin nhận trách nhiệm về việc này, đó là chưa thực sự sâu sát việc đánh giá, quản lý cán bộ, còn nóng vội, chưa cân nhắc thận trọng trong bối cảnh, thời điểm bổ nhiệm, công tác giám sát, kiểm tra cán bộ trước đây cũng làm không tốt”, Bộ trưởng nói.
|
Cũng theo Bộ trưởng Thăng, khi ông Dũng mắc khuyết điểm từ năm 2007, nếu làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, công tác nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm cũng có thể phát hiện ra ông Dũng vi phạm khuyết điểm. Bộ trưởng Thăng “xin được nghiêm túc nhận khuyết điểm sâu sắc về việc này” và cho biết Bộ đang thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng kiểm điểm trong tập thể Ban Cán sự Đảng Bộ GTVT, kiểm điểm từng trách nhiệm của Bộ trưởng cũng như cá nhân, các đơn vị có liên quan để báo cáo Thủ tướng trong thời gian ngắn nhất.
Chống tiêu cực không thể "một sớm, một chiều"
Trước chất vấn của ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên), Đỗ Văn Đương (TP.HCM), Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) về hành vi tiêu cực, mãi lộ trong lực lượng CSGT, trách nhiệm để lọt nhiều vụ án tham nhũng của cơ quan điều tra..., Bộ trưởng Trần Đại Quang giải bày: do môi trường công tác của lực lượng CSGT dễ nảy sinh tiêu cực và vi phạm cho nên từ lâu nay, đặc biệt là trong thời gian gần đây, Đảng ủy cơ quan trung ương và Bộ Công an đặc biệt coi trọng công tác phòng, chống tiêu cực, vi phạm trong lực lượng CSGT để xây dựng lực lượng CSGT thực sự trong sạch, vững mạnh.
Kết quả là công tác đấu tranh phòng, chống tiêu cực vi phạm trong lực lượng CSGT đã có chuyển biến rất tích cực. “Hàng trăm cán bộ, CSGT đã không nhận hối lộ, nộp lại hàng trăm triệu đồng, có rất nhiều những tấm gương dũng cảm hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Trong những năm gần đây đã có 11 đồng chí hy sinh và hơn 200 đồng chí bị thương trong khi làm nhiệm vụ”, Bộ trưởng dẫn chứng.
Với những trường hợp CSGT vi phạm, Bộ trưởng cho biết đã chỉ đạo xử lý một cách nghiêm minh. “Chúng tôi đã đình chỉ công tác, khởi tố và đưa ra truy tố trước pháp luật, đồng thời xem xét trách nhiệm của những người trực tiếp quản lý, kể cả trưởng phòng, phó giám đốc, giám đốc có liên quan nếu như công tác quản lý làm không tốt, để cho cán bộ, chiến sĩ tiêu cực”, ông nhấn mạnh. Tuy nhiên, Bộ trưởng Công an nói: không thể một sớm, một chiều có thể giải quyết một cách cơ bản hay chấm dứt được tình trạng CSGT tiêu cực vi phạm. Cho nên, ngành công an đang tiếp tục chỉ đạo triển khai đề án để phòng ngừa tiêu cực trong CSGT.
Lo tội phạm trẻ hóa
Lo lắng trước tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa, việc sử dụng hung khí để giết người vì những lý do “lãng xẹt” xảy ra khá phổ biến trong lứa tuổi vị thành niên, ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chất vấn Bộ trưởng Trần Đại Quang: “Bộ trưởng có giải pháp nào hữu hiệu hay kiến nghị Chính phủ, QH sửa chữa hay bổ sung điều gì để kiềm chế các loại tội phạm nói chung, nói riêng là tội phạm vị thành niên để đem lại sự bình yên trong cuộc sống?”. Đây cũng là vấn đề nhiều ĐB khác đặt ra với Bộ trưởng công an tại phiên chất vấn.
|
“Ngoài những nguyên nhân tác động do khó khăn về kinh tế - xã hội, do tác động về sự xuống cấp đạo đức trong xã hội nói chung thì một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em vị thành niên phạm tội nhiều chính vì sự buông lỏng quản lý giáo dục của gia đình, của nhà trường và nói rộng hơn là của xã hội chúng ta”, Bộ trưởng Trần Đại Quang trả lời.
Dẫn thêm thực trạng đồng thời cũng là căn nguyên dẫn tới tội phạm trẻ gia tăng, như sân chơi dành cho trẻ em ít; trẻ bị tác động bởi văn hóa phẩm phản động, đồi trụy, những trò chơi trên mạng, trò chơi bạo lực nhập từ nước ngoài vào..., Bộ trưởng nhấn mạnh: để phòng ngừa đấu tranh với loại hình tội phạm này, lực lượng công an sẽ tăng cường công tác nắm tình hình, phát hiện kịp thời và có biện pháp xử lý phù hợp, kể cả đối với số đã bắt giữ, đưa vào những trường giáo dưỡng cũng sẽ giáo dục cho các em mau chóng là những người lương thiện.
Trong suốt hơn 2 tiếng trả lời chất vấn trước QH, Bộ trưởng Trần Đại Quang giải đáp rành rẽ các câu hỏi ĐBQH đặt ra, như nhận xét của Chủ tịch QH khi kết thúc phiên chất vấn: “Đồng chí Bộ trưởng đã trả lời một cách cầu thị và rõ ràng các đánh giá tình hình cũng như các giải pháp đưa ra để giải quyết vấn đề”.
Công an không phải là lực lượng cưỡng chế, thu hồi đất Trả lời một số đại biểu về việc sử dụng lực lượng quá mức cần thiết trong các vụ cưỡng chế thu hồi đất, giải phóng mặt bằng vừa qua, Bộ trưởng Trần Đại Quang, nói: "Lực lượng công an chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự trong các đợt cưỡng chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, lực lượng công an không phải là lực lượng cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai. Vừa qua có một số vụ việc xảy ra có nhiều cử tri cho rằng lực lượng công an tham gia cưỡng chế giải phóng mặt bằng, thu hồi đất đai, chúng tôi xin đính chính là không phải”. Nguyệt Minh |
>> Bộ trưởng Công an kiến nghị áp dụng biện pháp bí mật chống tham nhũng
>> Bộ trưởng GTVT nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất
>> Hai bộ trả lời việc bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải
>> Lỗ hổng tập đoàn, tổng công ty: Kiểm soát, giám sát còn nể nang nhau
>> Bộ GTVT khẳng định bổ nhiệm ông Dũng là đúng
>> Bộ Nội vụ nói gì về quy trình bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng?
>> Thủ tướng yêu cầu báo cáo việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
>> Làm sáng tỏ việc bổ nhiệm ông Dương Chí Dũng
>> Vụ tham nhũng lớn tại Vinalines: Bị can bỏ trốn sau khi nhận tội
>> Chưa xác định được Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài
>> Bị can Dương Chí Dũng từng bị triệu tập trước khi bỏ trốn
>> Việc bổ nhiệm cán bộ chưa công khai, minh bạch
>> Chưa phát lệnh truy nã quốc tế nguyên Cục trưởng Cục Hàng hải
>> Bổ nhiệm cần đúng quy trình
>> Sai phạm vẫn được bổ nhiệm làm cục trưởng
>> Khởi tố Cục trưởng Cục Hàng hải
>> Bắt nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines
Bảo Cầm
Bình luận (0)