Diện tích lúa đang trong giai đoạn trổ bông, làm hạt bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông chủ yếu thuộc các huyện Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Can Lộc, Nghi Xuân, Hương Khê... Hai địa phương chịu thiệt hại nặng nhất là huyện Đức Thọ với gần 2.000 ha và huyện Thạch Hà hơn 1.000 ha. Theo Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, hơn 1.000/8.000 ha lúa nhiễm bệnh sẽ không cho thu hoạch.
Ông Nghiêm Sỹ Đông, Trưởng phòng NN-PTNT H.Đức Thọ cho biết, hiện nay, nhìn từ xa, nhiều cánh đồng vẫn xanh màu lá lúa, nhưng khi lại gần sẽ thấy các bông lúa khô trắng, các hạt bị lép. Đứng giữa ruộng lúa Thiên Ưu 8 đang trong thời kỳ làm hạt nhưng khô gần hết bông, ông Nguyễn Văn Bình (ngụ tại xã Đức Hòa, H.Đức Thọ) cho biết, gia đình ông đầu tư gieo cấy 10 sào lúa. “Trước khi cấy lúa, chúng tôi đã làm đất, vệ sinh đồng ruộng theo hướng dẫn của Phòng Nông nghiệp huyện cũng như tuân thủ lịch xuống giống. 2 tháng đầu, lúa phát triển tốt nhưng vào thời kỳ trổ bông lại bị bệnh đạo ôn cổ bông tàn phá. Do chậm phát hiện bệnh nên dù tôi đã phun thuốc đặc trị để cứu lúa nhưng vẫn không hiệu quả. Mất trắng hết rồi chú ơi”, ông Bình nói.
tin liên quan
Cảnh báo dịch hại trên cây lúa, cây ăn tráiTheo Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam, trong vụ lúa hè thu năm nay, có hơn 74.450 ha lúa bị nhiễm rầy (tăng 18.433 ha so với cùng kỳ năm 2010); lúa nhiễm bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá 11.129 ha; bệnh đạo ôn 67.672 ha (tăng 28.651 ha); bị ốc bươu vàng cắn phá 36.423 ha.
Theo ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hà Tĩnh, bệnh đạo ôn cổ bông gây hại trên diện tích rộng, mức độ gây hại lớn như vụ xuân năm nay là chưa từng xảy ra ở địa phương. Vụ xuân năm 2017, tại Hà Tĩnh, số ngày nắng rất thấp, những cơn mưa rào lại ít xuất hiện đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông phát triển âm ỉ. Đúng vào thời kỳ lúa trổ bông, 2 đợt không khí lạnh liên tiếp tràn về, nền nhiệt giảm đột ngột. “Thời tiết thay đổi thất thường khiến bệnh đạo ôn bùng phát. Dù người dân đã áp dụng các phương pháp phòng trừ nhưng không kịp nữa”, ông Thanh nói.
Ông Thanh cho biết, bệnh đạo ôn cổ bông thường xảy ra trước và trong thời kỳ lúa trổ bông. Hiện các diện tích lúa trên địa bàn đã qua thời kỳ trổ bông nên dịch bệnh không còn lây lan. Các địa phương đang thống kê mức độ thiệt hại cụ thể để có phương án hỗ trợ người dân. “Chúng tôi đã lấy mẫu bệnh phẩm gửi ra Học viện Nông Nghiệp (Hà Nội) để giám định gen nấm gây bệnh, đồng thời đề nghị Công ty CP giống cây trồng T.Ư có phương án hỗ trợ các loại giống khác cho người dân gieo cấy vụ lúa hè thu sắp tới”, ông Thanh nói.
Bình luận (0)