Nông dân miền Trung lo thắt ruột vì lịch gieo sạ lúa mùa đảo lộn

09/02/2017 11:30 GMT+7

Từ sau Tết, hàng trăm hộ dân ở tỉnh Bình Định như đứng ngồi trên đống lửa vì lúa vụ đông xuân vừa gieo sạ đã bị ngập trong lũ nhiều ngày qua.

Sáng 9.2, lũ đã rút nhưng nhiều cánh đồng ở H.Tuy Phước (Bình Định) vẫn ngập trong nước. Ở những nơi lũ đã rút, lúa ngã mọp trong bùn đất, bị úng, chết rất nhiều. Nông dân đang vắt sức ra đồng cứu lúa.
Đứng trên bờ nhìn 3 sào lúa (1.500 m2) còn ngập trong nước, bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi, ở thôn Kim Tây, xã Phước Hòa, H.Tuy Phước) lo thắt ruột. Cuối năm 2016, mưa lũ triền miên, gia đình bà Hiền đã gieo sạ vụ đông xuân 3 lần nhưng đều bị hư hỏng. Đến tận đầu năm 2017, bà Hiền tiếp tục gieo sạ lần thứ 4, lúa vừa lên cây thì mưa lũ lại đến.
Lúa đông xuân ở H.Tuy Phước bị chết, hư hỏng do mưa lũ sau tết ẢNH: HOÀNG TRỌNG

Mùng 1 Tết mưa lớn, nước ngập hết đồng. Mấy ngày sau đó mưa giảm, nước rút dần nên ai cũng mừng, rủ nhau ra đồng tháo nước, tìm cách cứu lúa non. Ai ngờ từ mùng 5 (ngày 1.2) đến mùng 7 Tết lại có mưa to, ruộng lại ngập. Tui ra thăm đồng liên tục, chờ nước rút để xem có còn cứu lúa được hay không. Giờ mà lúa hư nữa thì khổ. Trễ quá rồi, gieo sạ lại sao được?”, bà Hiền nói.

Nhiều nông dân lo ngại gieo sạ lại sẽ bị muộn so với thời vụ, không xuống giống cùng lúc sẽ khó kiểm soát tình hình sâu bệnh, nguy cơ mất mùa rất cao. Hơn nữa, giáp vụ năm nay kéo dài, nhiều hộ dân có nguy cơ thiếu lúa ăn.
Thống kê ban đầu của Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, đợt mưa lớn từ ngày 1 - 3.2, toàn tỉnh có 1.692 ha lúa đã gieo sạ bị ngập úng, trong đó diện tích có thể phục hồi 1.057 ha, diện tích gieo sạ lại 470 ha, không gieo sạ được là 165 ha.
Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định đã yêu cầu chính quyền các địa phương trong tỉnh và các đơn vị quản lý công trình thủy lợi mở cửa các đập dâng trên sông, các cống trên đê Đông (đê biển) để tiêu thoát nước, cứu lúa vụ đông xuân đang bị ngập lũ. Thủy điện An Khê cũng được đề nghị ngừng phát điện để giảm úng ngập cho hạ lưu.
“Do mưa kéo dài bất thường, ở vùng trũng phải chịu ngập nhưng hiện lúa đông xuân gieo sạ lâu ngày rồi nên không bị hư hỏng nhiều. Ngoài việc mở cổng các tràn, cống, tỉnh Bình Định chưa có các trạm bơm tiêu thoát nước nên đành chịu, không thể chủ động trong việc tiêu thoát nước để sớm chấm dứt tình trạng ngập úng lúa đông xuân hiện nay”, ông Nguyễn Hữu Vui, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bình Định, cho biết.
Nhiều diện tích phải gieo sạ lần thứ 4
Tại Phú Yên, mưa kéo dài từ ngày 1 đến 3.2 khiến các vùng trũng ở các huyện Đông Hòa và Tuy An bị ngập nặng. Ông Võ Ngọc Hòa, Chủ tịch UBND H.Đông Hòa, cho biết có hơn 650 ha lúa vụ đông xuân mới gieo sạ đã bị ngập úng nặng, trong đó nhiều diện tích đã gieo sạ lần thứ 4.
“Hiện đã trễ so với lịch thời vụ gieo sạ nên UBND huyện đã họp khẩn các xã, liên hệ với các địa phương bạn mua giống ngắn ngày để hỗ trợ cho người dân kịp thời gieo sạ, bởi cuối vụ đông xuân dễ xảy ra tình trạng thiếu nước”, ông Hòa nói.
Trong khi đó, ông Bùi Văn Thành, Chủ tịch UBND H.Tuy An, cho biết mưa kéo dài và hồ thủy lợi Đồng Tròn xả lũ điều tiết nên khiến vùng hạ lưu sông Kỳ Lộ bị ngập. Toàn H.Tuy An có khoảng 900 ha lúa vụ đông xuân bị ngập, trong đó có khoảng 250 ha phải gieo sạ lại.
Ông Thành nói: “Chưa có năm nào tình trạng ngập lụt kéo dài, ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông xuân như năm nay. Huyện cũng đang nỗ lực tìm giống để hỗ trợ người dân gieo sạ khi nước rút”.
Đức Huy
Thừa Thiên - Huế phải gieo sạ lại gần 2.000 ha lúa ngập úng
Ngày 8.2, ông Hồ Vang, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên-Huế, cho biết toàn tỉnh có gần 2.000 ha lúa đông xuân đã gieo sạ bị thiệt hại nghiêm trọng do hậu quả của các đợt mưa rét gây ngập úng kéo dài hơn 1 tháng trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Hiện tại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ứng giống tại Công ty giống cây trồng - vật nuôi tỉnh để cung ứng kịp thời cho nông dân gieo sạ lại.
Hiện đã có hơn 1.600 ha được gieo sạ lại; khoảng 300 ha còn lại sẽ tiếp tục xuống giống, hoàn thành trước ngày 10.2. Sở NN-PTNT cũng đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ nông dân bị thiệt hại trên 70% diện tích lúa sau gieo sạ với mức 2 triệu đồng/ha, tuy nhiên đến nay UBND tỉnh chưa có quyết định chính thức.
Lực lượng vũ trang giúp dân gia cố đê điều, cứu lúa ngập úng
Tin, ảnh: Bùi Ngọc Long
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.