Được mùa, rớt giá
Quả nhót là thứ quà quê quen thuộc, chẳng còn xa lạ với người Hà Nội. Cứ vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, khi thời tiết bắt đầu nắng ấm là những người nông dân trồng nhót tại các huyện ngoại thành Hà Nội như Hoài Đức, Phúc Thọ lại hối hả ra vườn thu hoạch.
Năm nay, do thời tiết nồm, ấm nên vụ nhót bắt đầu sớm hơn, chỉ khoảng nửa tháng nữa là kết thúc. Ghi nhận của Thanh Niên tại xã Dương Liễu (H.Hoài Đức) - một trong những vựa nhót của H.Hoài Đức những ngày này, nhót chín đỏ rực khắp vườn, các chủ vườn tất bật thu hái để tránh rơi rụng.
Những người nông dân tại đây cho biết, nhót là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ chăm sóc. Cây nhót trồng 3 năm là cho quả, chất lượng quả lớn nhỏ, chua ngọt phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nếu nhót chín gặp mưa sẽ nhanh thối. Cây đủ nước, đủ phân, sạch sâu bệnh thì quả sẽ to, ngọt hơn. Thời gian nhót chín kéo dài khoảng 30 - 45 ngày. Khi vào vụ, trái sẽ chín rất nhanh nên người dân phải thu hoạch hàng ngày.
Trước đây, cây nhót rất ít được các hộ trồng tập trung mà chỉ trồng xen trong vườn, bờ rào... nhưng những năm gần đây, loại quả này được khá nhiều người ưa thích. Giá bán khá cao nên nhiều hộ trồng chăm chút hơn. Nếu được mùa, người nông dân có thể thu về hàng trăm triệu đồng từ quả nhót. Tuy nhiên, năm nay giá nhót bán buôn tại vườn giảm khá mạnh so với năm ngoái, dao động từ 10.000 - 25.000 đồng/kg tùy loại.
Ông Nguyễn Tiến Đương (59 tuổi, trú xã Dương Liễu) chia sẻ, năm nay gia đình ông trồng khoảng hơn 40 gốc nhót. Hiện, tất cả các gốc đều đã đến lúc thu hoạch nhưng số lượng bán ra khá khiêm tốn do ít thương lái đến mua. "Nhót nhà tôi năm nay được mùa, quả to, đẹp và rất ngọt. Chúng tôi đã thu hoạch bán cho thương lái khoảng gần 10 ngày nay; tuy nhiên giá thu mua giảm nhiều so với năm ngoái", ông Đương nói.
Theo ông Đương, nhót thu mua tại vườn loại đẹp nhất (loại 1) có giá khoảng 25.000 đồng/kg, loại 2 dao động từ 10.000 - 20.000 đồng/kg. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, ông Đương bán nhót với giá 30.000 - 50.000 đồng/kg.
Tương tự hộ nhà ông Đương, hộ nhà bà Nguyễn Thị Liên (trú xã Dương Liễu) cũng đang "đau đầu" vì giá nhót giảm. Năm nay, hộ nhà bà Liên trồng 30 gốc nhót. Cùng thời điểm này năm ngoái, mỗi gốc giúp bà thu về gần 3 triệu đồng, nhưng năm nay theo ước tính mỗi gốc chỉ thu về gần 1 triệu đồng.
Thương lái lo ế ẩm
Vì sao giá nhót lại giảm mạnh? Trả lời câu hỏi này, bà Liên cho rằng, năm nay cùng thời điểm nhót chín, những quả dâu tây được bán ở Hà Nội ồ ạt với giá rẻ, người dân có nhiều lựa chọn. Quả nhót kén khách hơn nên sức mua của người dân giảm mạnh, thương lái khi thu mua tại vườn cũng không dám mua nhiều.
Trong khi đó, theo bà Phi Thị Lê (trú xã Hiệp Thuận, H.Phúc Thọ), thời tiết gần đây nắng nóng khiến quả nhót chín nhiều cũng là nguyên nhân dẫn tới giá giảm. "Mỗi năm cứ vào thời gian này, tôi sẽ đi hái nhót từ 6 giờ đến 11 giờ thì nghỉ để gia đình xếp nhót vào thùng bán. Những ngày này thời tiết nóng nên nhót chín nhanh hơn, để kịp thời thu hoạch chúng tôi phải nhờ trợ giúp của hàng xóm, người thân. Những năm trước, mỗi ngày chúng tôi thu hoạch khoảng vài tạ nhót, nhưng năm giá cả thấp, khó bán nên mỗi ngày tôi chỉ hái khoảng hơn 1 tạ thôi", bà Lê nói.
Mặc dù giá bán không cao nhưng bà Lê cho biết những người hái nhót vẫn phải rất cẩn thận, bởi nếu làm mạnh tay, quả nhót hỏng sẽ không bán được.
Tại xã Dương Liễu, thời điểm này nhiều thương lái cũng tỏ ra khá ngán ngẩm. Chị Trần Thị Lê, một thương lái chuyên buôn nhót, cho hay: "Năm nay ế lắm, nhót hay quả gì đều bán chậm. Tôi thu mua của người nông dân với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg nhưng rất lo lắng xem hàng có bán được không".
Không chỉ thương lái, thời điểm này những tiểu thương bán nhót cũng nhận định việc buôn bán khó khăn. Theo khảo sát, tại nhiều tuyến phố của Hà Nội, nhót được các tiểu thương bán với giá 70.000 - 100.000 đồng/kg tùy loại. "Thời điểm này đang vào chính vụ nhót nhưng người mua hàng ít hơn năm ngoái. Tuần trước, tôi bán khá đắt hàng nhưng giờ ế lắm. Khách mua với số lượng rất ít nên chúng tôi cũng phải hạ giá đôi chút", một tiểu thương nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Tâm, Chủ tịch UBND xã Hiệp Thuận: "Nhót được người dân địa phương trồng nhiều nhưng không có đầu ra là do không có doanh nghiệp thu mua; chủ yếu người dân tự tiêu thụ nên giá cả bấp bênh. Trước kia, nhót được trồng ít, nhưng vài năm trở lại đây thấy có hiệu quả về kinh tế, nhiều hộ dân bắt đầu cải tạo đất để trồng. Sản lượng tăng trong khi không có đầu ra dẫn tới giá mỗi năm đều bị giảm".
Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Bá Hưng, Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, cho biết nông sản hiện nay dựa vào giá cả thị trường nên người nông dân rất khó khăn. Câu chuyện được mùa, mất giá hay được giá, mất mùa xảy ra thường xuyên. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ khoanh vùng, khuyến cáo bà con áp dụng khoa học kỹ thuật và tham gia những lớp tập huấn về khuyến nông để nâng cao chất lượng cho quả nhót", ông Hưng nói.
Bình luận (0)