Theo bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), luật Giao thông đường bộ năm 2008 đã quy định cấm điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Quy định này đã áp dụng ổn định đối với người điều khiển ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trong 10 năm, trước khi luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được ban hành. Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia đã kế thừa quy định này, mở rộng thêm đối với người điều khiển xe máy và các phương tiện giao thông khác.
Thực hư chuyện "nồng độ cồn thấp là cồn tự nhiên, không vi phạm khi lái xe"
Theo bà Trang, tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đang ở mức cao, có xu hướng gia tăng nhanh. Những ảnh hưởng bất lợi của sử dụng rượu, bia đối với sức khỏe, kinh tế - xã hội cũng đang ngày càng gia tăng. Đặc biệt, rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15 - 49.
Hiện, các văn bản quy phạm pháp luật không có quy định về cồn tự nhiên trong cơ thể.
Bà Trang phân tích, tại khoản 5 điều 2 của luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có quy định cấm "điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn".
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng đã quy định, xử phạt đối với các hành vi liên quan đến điều khiển phương tiện khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
Do đó, điều khiển phương tiện giao thông khi có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở là vi phạm quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP.
Về ngưỡng nồng độ cồn, tại Quyết định số 320/QĐ-BYT ngày 23.1.2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, có quy định về định lượng ethanol (định lượng nồng độ cồn) trong máu tại mục 60 của quyết định này.
Theo đó, tại điểm IV "nhận định kết quả" có ghi: trị số thường: dưới 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml).
Ethanol từ 10,9 - 21,7 mmol/lít: biểu hiện đỏ mặt, nôn mửa, phản xạ chậm chạp, giảm nhạy bén; 21,7 mmol/lít: biểu hiện ức chế thần kinh T.Ư; nồng độ 86,8 mmol/lít: có thể gây nguy hại cho tính mạng.
Nội dung trên tại Quyết định số 320/QĐ-BYT là sự phân loại các mức/ngưỡng nồng độ cồn tương ứng với mức độ biểu hiện ảnh hưởng sức khỏe, tính mạng theo chuyên môn y tế.
Theo đó, mức dưới 10,9 mmol/lít biểu thị kết quả có nồng độ cồn trong máu nhưng ở mức nhỏ hơn 10,9 mmol/lít (tương đương 50 mg/100 ml máu). Điều này không đồng nghĩa với cách hiểu, cho phép trong máu có cồn dưới 0,5 mg/ml hay coi đó là cồn tự nhiên trong cơ thể như một số người có thể hiểu chưa đúng.
"Do đó, trường hợp lái xe có trị số nồng độ cồn trong máu dưới 10,9 mmol/lít là đã có nồng độ cồn trong máu; áp dụng theo quy định tại luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định số 100/2019/NĐ-CP để xem xét, giải quyết theo quy định", lãnh đạo Vụ Pháp chế khẳng định.
Bình luận (0)