Không biết từ khi nào, trái sim kết nên từ những thân cây mọc hoang dại lại trở thành món quà quý của rất nhiều người miền xuôi có dịp lên vùng cao A Lưới thăm thú. Phụ nữ thì nhắn mua ít sim về cho con nhỏ ăn chơi, đàn ông thì thích dùng trái sim để ngâm rượu. Thứ rượu vừa có vị ngọt lại chan chát ấy không chỉ lạ miệng mà còn được cho là rất bổ dưỡng đối với phái mạnh. Ấy thế mới có chuyện những người bán hàng online rao bán cả trái sim chín lên mạng. Ở A Lưới mỗi dịp hè về, có phiên chợ sáng bán nông sản và trong những chiếc gùi xinh xinh của người Pa Kôh, Tà Ôi, Pa Hi… không thể thiếu thứ trái cây đặc hữu này. Sim trở thành đặc sản của mảnh đất biên giới Việt - Lào.
tin liên quan
Nông sản A Lưới về siêu thịTừng là người được tham quan nhiều mô hình trồng cây đặc hữu, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H.A Lưới, cho hay người dân ở một số địa phương đã sử dụng trái sim chín để chế biến thành những món ẩm thực. Cũng vì địa bàn huyện có diện tích sim tự nhiên lớn, phù hợp với thói quen canh tác người bản địa nhưng lại chưa giúp ích gì cho đời sống người dân, ông Hùng đã chỉ đạo ngành chức năng huyện tiến hành bảo tồn, khoanh nuôi các vườn sim tại chỗ. Hiện đã có 60 ha sim được bảo vệ. “Chúng tôi đi thực tế tại Phú Quốc thấy việc ủ sim chín, lên men thành rượu vang không phải là khó. Trong khi đó, huyện nhà có diện tích cây sim rộng. Sim A Lưới được nhiều người ưa chuộng vì trái đều, to, căng mọng… hơn nơi khác mà lại không nâng được giá trị”, ông Hùng nói.
|
Ngay sau đó, ông Hùng đã cho ngành chức năng nghiên cứu và đang xúc tiến thành lập hợp tác xã thu mua sim để ủ rượu. Từ thứ rượu chỉ để uống chơi, Chủ tịch UBND H.A Lưới muốn xây dựng thành thương hiệu rượu vang sim có thể cạnh tranh trên thị trường. Cuối vụ sim vào tháng 8 vừa qua, 2 cơ sở chế biến rượu tại TT.A Lưới đã thu mua hàng tấn sim làm nguyên liệu.
|
Ông bảo, sim không chỉ là trái cây dại mà có tác dụng chữa các bệnh thông thường nên khi “ra lò” sẽ có sức cạnh tranh với các loại rượu khác.
“Chúng tôi sẽ bàn sâu và hướng đến việc xây dựng cho được thương hiệu rượu vang sim A Lưới. Sau đó, huyện sẽ đăng ký nhãn hiệu với Cục Sở hữu trí tuệ. Làm sao để ai đến địa phương cũng muốn mang về một chai rượu vang làm quà như món đặc sản”, ông Hùng nói.
Để có nguồn nguyên liệu cung cấp cho các lò ủ rượu, H.A Lưới đang khuyến khích người dân bảo tồn diện tích sim tại chỗ. Khi các vườn sim phát triển, sẽ cho nhân giống để người dân trồng sim thương phẩm.
Ở những nơi phát triển du lịch sinh thái, chẳng hạn tại xã Hồng Hạ có khu du lịch suối Parle, homestay Hồng Hạ có thể thu hút lượng lớn du khách vào mùa hè, người dân địa phương đã chủ động trồng và quy hoạch rất nhiều diện tích sim.
“Ý tưởng về một lễ hội hoa sim mang tính đặc trưng bản xứ sắp hình thành. Chúng tôi đặt câu hỏi ở Nghệ An trồng hoa hướng dương, hoa dã quỳ Đà Lạt, lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang... khách đến nườm nượp. Vậy một khi đã trồng sim để làm rượu, sao không phát triển nó thành một rừng hoa sim tím biếc, bung nở bạt ngàn. Vào mỗi dịp hè, vườn sim A Lưới sẽ vẫy gọi du khách”, ông Hùng nói.
Bình luận (0)