Nóng rực cuộc đua vắc xin Covid-19

Bảo Vinh
Bảo Vinh
13/08/2020 07:32 GMT+7

Cuộc đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19 đang nóng hơn bao giờ hết sau khi Nga tuyên bố là nước đầu tiên cấp phép sản xuất vắc xin này.

Nga tuyên bố về đích trước

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11.8 thông báo Bộ Y tế nước này đã chính thức cấp phép cho loại vắc xin ngừa bệnh Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Vắc xin được đặt tên “Sputnik V” do Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya ở Moscow phối hợp cùng Bộ Quốc phòng Nga phát triển.
Bác sĩ Sergei Tsarenko, Phó trưởng khoa Gây mê - hồi sức thuộc Bệnh viện 52 Moscow cho biết vắc xin Sputnik V dùng loại vi rút vô hại để đưa một đoạn gien của vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 vào cơ thể người nhằm kích thích miễn dịch. Mũi tiêm nhắc lại sẽ được thực hiện sau đó 3 tuần để tăng cường khả năng miễn dịch.

Tổng thống Duterte tin tưởng, sẵn sàng tiêm vắc-xin Covid-19 Sputnik V của Nga

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết những người tham gia thử nghiệm lâm sàng phát triển lượng kháng thể cao sau 2 mũi tiêm và không ai có biến chứng nghiêm trọng. Thời gian miễn dịch của người được tiêm chủng là 2 năm. Sputnik V sẽ được cho lưu hành từ ngày 1.1.2021, còn việc tiêm chủng hạn chế sẽ bắt đầu đối với các nhân viên y tế trong tháng 8 này.
Nhiều lãnh đạo y tế và chuyên gia về vắc xin của phương Tây đã đưa ra phản ứng dè dặt về công dụng và độ an toàn của vắc xin Sputnik V vì cho rằng vắc xin này còn chưa được thử nghiệm lâm sàng trên quy mô lớn và dữ liệu khoa học về việc thử nghiệm cũng không được công bố. Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar nói việc phát triển vắc xin “không phải là cuộc đua để về nhất” mà đòi hỏi sự hiệu quả và an toàn theo đúng tiêu chuẩn. Ông Azar cho biết Mỹ đã tài trợ cho 6 loại vắc xin và 2 trong số đó đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, theo CNN. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ quy định chỉ cấp phép cho vắc xin đạt 50% độ hiệu quả.
Giáo sư nghiên cứu miễn dịch và bệnh truyền nhiễm Eleanor Riley thuộc ĐH Edinburgh (Scotland) cũng cảnh báo có sự khác biệt lớn giữa việc thử nghiệm trên quy mô lớn với việc cho lưu hành vắc xin ra công chúng, khi việc đánh giá những tác động sau khi tiêm chủng không được thực hiện kỹ càng và thường xuyên. Tuy vậy, một số nước như Israel, Kazakhstan, Philippines hay Brazil được cho là đang có những tiếp xúc để thử nghiệm hoặc mua vắc xin của Nga.

Những ứng viên tiềm năng khác ở đâu?

Thông báo đầy bất ngờ của Nga đã làm gia tăng kịch tính cho cuộc đua phát triển vắc xin ngừa Covid-19. Theo thống kê của WHO, tính đến ngày 31.7, có tổng cộng 165 loại vắc xin ngừa Covid-19 đang được nghiên cứu, trong đó 139 loại trong giai đoạn tiền thử nghiệm lâm sàng, tức mới chỉ nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và trên động vật. Số còn lại đang được thử nghiệm trên người, trong đó một số ứng viên đã bước sang giai đoạn 3 với số lượng người tham gia là hàng ngàn, thậm chí hàng vạn người. Các nhà khoa học sẽ theo dõi tính hiệu quả, độ an toàn và những tác dụng phụ của vắc xin trước khi đăng ký cấp phép.

Mỹ "bơm" hàng tỉ đô la vào cuộc đua vắc-xin Covid-19

Trước thông báo của Nga, mới chỉ có một loại vắc xin được cấp phép tiêm chủng hạn chế là vắc xin do Hãng CanSino Biologics phối hợp với quân đội Trung Quốc phát triển. Trong khi đó, một trong những loại vắc xin nổi bật và được WHO đánh giá là ứng viên tiềm năng nhất là AZD1222 của AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) phát triển cùng Đại học Oxford (Anh). Vắc xin này đang được thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại một số nước như Brazil, Nam Phi và sẽ có kết quả vào khoảng tháng 11, theo AFP.
Một ứng viên khác là vắc xin của Hãng SinoVac (Trung Quốc) đang được thử nghiệm trên gần 9.000 người tại Brazil. Các thử nghiệm trước đó cho thấy vắc xin giúp tạo ra kháng thể trên 90% người tình nguyện và không gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Vắc xin của hai hãng BioNTech (Đức) và Pfizer (Mỹ) phát triển cũng đã bước vào giai đoạn thử nghiệm thứ 3 trên 30.000 người tình nguyện từ tháng 7 tại các nước Argentina, Brazil, Đức và Mỹ.

Cuộc đua vắc-xin Covid-19 toàn cầu: Thân ai nấy lo?

Hãng Moderna (Mỹ) dự kiến thử nghiệm vắc xin của hãng này trên 30.000 người và kết quả ban đầu sẽ sớm được công bố vào tháng 11. Hãng Sinopharm (Trung Quốc) đang thử nghiệm 2 loại vắc xin trên 15.000 người tại UAE từ giữa tháng 7. Ngoài ra, Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch và Đại học Melbourne (Úc) đang thử nghiệm giai đoạn 3 tại Úc và Hà Lan loại vắc xin từng được chế tạo để ngừa bệnh lao phổi. Giới nghiên cứu hy vọng vắc xin này có thể được dùng làm phương án “chữa cháy” cho các nhân viên y tế trong thời gian tìm ra vắc xin tốt hơn.

Việt Nam đang tìm cả nguồn nhập khẩu

Vắc xin Covid-19 'made in Việt Nam' dự kiến thử nghiệm cuối năm 2020

VABIOTECH cũng là đơn vị nhập khẩu vắc xin, do đó, chúng tôi cũng đã có các ‘‘mối’’ tìm nguồn nhập khẩu vắc xin Covid-19, có tiếp cận với các đơn vị thương mại trên thế giới để làm sao có nhanh nhất vắc xin đó ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nhiều chính phủ cũng đã liên hệ mua vắc xin với giá cao, số lượng lớn, đặt hàng ngay từ khi vắc xin chưa được thương mại hóa, đó cũng là áp lực với các nước mà tài chính không mạnh, đơn hàng nhỏ.
Không chỉ nghiên cứu sản xuất, là nhà nhập khẩu, chúng tôi cũng cố gắng tìm nguồn vắc xin Covid-19 càng sớm càng tốt cho Việt Nam. Hiện tại, các nhà sản xuất nước ngoài cũng vẫn trả lời chúng ta là ‘‘chờ đợi’’, vì họ cũng đáp ứng trước tiên cho nhu cầu trong nước, và sau đó là các đơn hàng lớn. Do đó, chúng ta vẫn cùng lúc cả hai tay: nghiên cứu sản xuất để chủ động và tìm kiếm nguồn vắc xin thương mại, với mong muốn có được vắc xin Covid-19 sớm nhất cho người Việt.
TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty VABIOTECH

Chạy đua đặt mua trước

AFP ngày 12.8 dẫn số liệu chính thức cho thấy có ít nhất 5,7 tỉ liều vắc xin ngừa Covid-19 đã được đặt mua trước trên toàn cầu. Tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 khởi động chương trình nhằm hỗ trợ phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin cho toàn bộ người dân Mỹ vào tháng 1.2021. Chính quyền Mỹ đã chi ít nhất 10,9 tỉ USD cho các nhà phát triển để sở hữu ít nhất 800 triệu liều vắc xin.
Nhà khoa học nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 tại Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya ở Moscow Ảnh: Reuters

Nhà khoa học nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 tại Viện Nghiên cứu dịch tễ và vi sinh học Gamaleya ở Moscow

Ảnh: Reuters

Trong khi đó, giới chức Nga cho biết đã có 20 nước từ Mỹ Latin, Trung Đông và châu Á đặt mua 1 tỉ liều vắc xin Sputnik V. Giới chức Nga khẳng định với sự hỗ trợ của đối tác nước ngoài, nước này có thể sản xuất đến 500 triệu liều vắc xin mỗi năm.
Tại châu Âu, hai nhà phát triển AstraZeneca và Sanofi đã cam kết cung cấp cho Ủy ban Châu Âu tổng cộng 700 triệu liều vắc xin. Anh đang đàm phán đặt trước 250 triệu liều từ 4 công ty trong khi Nhật Bản đã chốt được 490 triệu liều từ 3 công ty.
Là một trong những nước có số người nhiễm bệnh nhiều nhất, Brazil đã hợp tác với các nhà phát triển để thử nghiệm vắc xin và đặt được 220 triệu liều từ AstraZeneca cùng SinoVac.
Liên minh Đổi mới trong chuẩn bị phòng dịch (CEPI, trụ sở ở Na Uy) và Liên minh Vắc xin toàn cầu (GAVI, trụ sở Thụy Sĩ) đã đặt trước 300 triệu liều vắc xin của AstraZeneca để cung cấp cho nhiều nước đang phát triển. Hãng sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới SII (Ấn Độ) đã ký thỏa thuận với Novavax (Mỹ) và AstraZeneca để sản xuất 1 tỉ liều vắc xin cho Ấn Độ và 1 tỉ liều cho các nước thu nhập trung bình - thấp.

Bao nhiêu người sẽ được tiêm chủng trong năm 2021?

Theo khảo sát được công bố mới đây của CEPI, ước tính có khoảng 4 tỉ liều vắc xin Covid-19 được sản xuất từ tháng 10.2020 đến cuối năm 2021.
Con số này được đưa ra dựa trên giả định toàn bộ quy trình phát triển và sản xuất vắc xin không bị gián đoạn trong thời gian tới.
Trong khi đó, số người cần được tiêm chủng để chấm dứt đại dịch được ước tính là 70% dân số toàn cầu, tương đương 5,5 tỉ người. Hơn nữa, nếu như loại vắc xin được cấp phép cần đến 2 mũi tiêm, đồng nghĩa sẽ cần có 11 tỉ liều. Đó là chưa tính khả năng tác dụng miễn dịch của vắc xin có thể không kéo dài và cần tiêm nhắc lại thường xuyên.
Những số liệu này cho thấy số người được tiêm chủng trong một năm tới có thể chưa bằng một nửa so với mức cần thiết để đạt miễn dịch toàn cầu, theo trang Newsroom. Dù vậy, CEPI lưu ý rằng các nhà sản xuất gần đây đang gia tăng khả năng sản xuất vắc xin nên con số thực tế có thể cao hơn. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.