Nông sản 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu: Con tôm cũng khổ vì thời tiết

22/11/2024 06:07 GMT+7

Trong khi sầu riêng, cà phê, hồ tiêu mất mùa còn trúng giá thì ngược lại người nuôi tôm mất cả hai khiến tình trạng thua lỗ kéo dài dẫn đến "treo ao", bỏ nghề hàng loạt. Đến thời điểm cuối năm 2024, giá tôm tăng trở lại thì doanh nghiệp chế biến không gom được hàng để xuất khẩu.

"10 người nuôi tôm chỉ còn lại 1 - 2"

Tỉnh Sóc Trăng là một trong những vùng nuôi và chế biến tôm xuất khẩu lớn nhất cả nước. Ông Dương Văn Sen, ngụ xã Hòa Tú 1 (H.Mỹ Xuyên), người có nhiều năm gắn bó với nghề nuôi tôm, cho biết: "Tôi có một ao tôm thẻ, khoảng nửa tháng nữa sẽ đến ngày thu hoạch. Thời điểm này may mắn giá tôm tăng cao gần gấp đôi năm ngoái; loại 100 con/kg giá từ 105.000 - 107.000 đồng/kg, cỡ 70 con/kg giá 130.000 đồng/kg. Hy vọng tới thời điểm đó giá vẫn còn tốt như hiện tại để có thể trả hết nợ vì thua lỗ từ những vụ trước và được ăn một cái tết trọn vẹn".

Nông sản 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu: Con tôm cũng khổ vì thời tiết- Ảnh 1.

Thời tiết biến đổi thất thường khiến ngành nuôi tôm gặp rủi ro lớn, nhiều người đành “treo ao” bỏ nghề

ẢNH: CÔNG HÂN

Ông Sen kể, sau khi dịch Covid-19 kết thúc thì nghề nuôi tôm gặp rất nhiều khó khăn. Vì xuất khẩu chậm nên giá tôm giảm liên tục, có thời điểm 70.000 - 80.000 đồng/kg mà tới lứa, gọi thương lái không thèm mua. Đặc biệt trong năm 2023 và đầu năm 2024, lại thêm tình trạng nắng nóng kéo dài khiến nhiệt độ, độ mặn ao nuôi tăng khiến tôm chậm lớn, người nuôi tôm hao hụt lớn và thua lỗ. Nhiều người đã cầm cố sổ đỏ vào ngân hàng và không còn vốn đầu tư nên đành "treo ao". 

Trước đây có 10 người nuôi thì nay có đến 7 - 8 người phải tạm ngưng vì thua lỗ và không có đầu ra. Còn trong những tháng vừa rồi, mưa nhiều nên môi trường nước liên tục bị xáo trộn, mất cân bằng, đặc biệt là độ pH, nên dễ phát sinh dịch bệnh. Vùng này, nhiều người nuôi tôm theo mô hình ao đất truyền thống nên năng suất thấp và tôm không có kích cỡ lớn; ngược lại rủi ro về thời tiết và dịch bệnh rất cao. Do vậy, nguồn cung tôm hiện nay rất hạn chế, khiến giá tăng mạnh.

Cách đó không xa, dưới những trụ điện gió nổi tiếng của tỉnh Bạc Liêu, ông Lê Đình Khanh, một hộ nuôi tôm công nghệ cao ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP.Bạc Liêu), thừa nhận: Người nuôi tôm đã gánh lỗ khoảng 2 năm, nay tôm mới có giá trở lại. Loại 30 con/kg hiện có giá tới 200.000 đồng/kg, trong khi cách đây 1 tháng chỉ mới 120.000 - 130.000 đồng/kg. Giá tôm tăng cao do bây giờ không còn mấy người nuôi nữa vì thua lỗ kéo dài. Ngày trước 10 người nuôi thì chỉ có 1 - 2 hộ trúng. Vài năm gần đây thời tiết bất lợi nên 20 người nuôi mới có 1 - 2 người có lãi. Ngoài yếu tố con giống kém chất lượng thì môi trường nuôi và thời tiết khắc nghiệt tác động đáng kể đến nghề nuôi tôm. "Có thể tự tin nói rằng tôi là một trong những người nuôi tôm có tiếng ở khu vực này. Tuy nhiên nuôi 10 vụ thì có 7 vụ trúng cũng là may mắn lắm rồi", ông Khanh nói.

Ông Khanh giải thích, những năm gần đây thời tiết biến đổi bất thường khiến môi trường nuôi tôm gặp nhiều bất lợi. Cụ thể từ tháng 5 đến tháng 9 vừa rồi vùng này mưa rất nhiều, có ngày mưa đến 2 - 3 đợt và rất to. Mưa như vậy khiến môi trường nước liên tục thay đổi các yếu tố lý hóa, nhiệt độ… Mưa nhiều cũng khiến độ mặn trong nước giảm, khi đó vỏ tôm mỏng hơn và sức đề kháng của con tôm cũng giảm, bệnh tật dễ phát sinh. Ngay cả việc dùng thuốc, vitamin bổ sung cho tôm cũng phải dùng các loại cao cấp nhất với giá 300.000 - 400.000 đồng/hộp chứ không dám dùng những loại giá rẻ. Do vậy thời tiết càng bất lợi thì rủi ro càng cao và chi phí đầu tư cũng tăng lên rất nhiều.

Ngành tôm lo thiếu nguồn cung

Bà Lâm Thúy Ái, Chủ tịch HĐTV Công ty Mebipha (Mebi Group), giải thích: Tôm là nhóm động vật biến nhiệt, nhiệt độ cơ thể của chúng phụ thuộc vào nhiệt độ môi trường sống. Nhiệt độ nước quá cao hoặc quá thấp đều không thuận lợi cho đời sống của tôm. Khi nhiệt độ nước trong ao là 35 độ C thì tỷ lệ sống của tôm sú là 100%, nhưng nhiệt độ tăng lên 37,5 độ C tôm chỉ còn sống 60%, nhiệt độ lên tới 40 độ C thì tỷ lệ tôm sống chỉ còn 40%. Đối với tôm thẻ chân trắng cũng vậy, nhiệt độ nước thích hợp nhất là 25 - 32 độ C. Nếu vượt ngưỡng chịu đựng này, tùy mức độ có thể khiến tôm chết hàng loạt. Gần đây do thời gian nắng trong ngày kéo dài hơn bình thường dẫn đến nhiệt độ nước ở các ao nuôi tôm cũng tăng cao, làm cho tôm yếu hơn, dễ bị bệnh và chết.

Nông sản 'ngấm đòn' biến đổi khí hậu: Con tôm cũng khổ vì thời tiết- Ảnh 2.

Thời tiết biến đổi thất thường khiến ngành nuôi tôm gặp rủi ro lớn, nhiều người đành “treo ao” bỏ nghề

ẢNH: CÔNG HÂN

"Để khắc phục và hạn chế được những biến đổi từ thời tiết, nuôi tôm nghịch vụ phải đầu tư thêm chế phẩm sinh học và giải pháp cân bằng nhiệt độ khiến chi phí tăng cao, ước tính mức tăng thêm từ 30 - 40%. Nếu thuận lợi thì người nuôi tôm có thể có lãi nhưng không cao, còn nếu có những sự cố bất thường khác thì chắc chắn đối diện nguy cơ thua lỗ", bà Ái chia sẻ.

Là người gắn bó lâu đời với ngành tôm từ khâu nuôi đến chế biến xuất khẩu, ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP), Chủ tịch HĐQT Công ty Fimex VN ở Sóc Trăng, nói: Trái đất vẫn đang nóng lên dẫn đến sự thất thường của thời tiết diễn ra khắp nơi và quanh năm. Biểu hiện như mưa dồn dập, nắng nóng gay gắt, lạnh thất thường, bão có cường độ mạnh nhiều hơn… 

Con tôm là đối tượng rất mẫn cảm với mỗi biến đổi của thời tiết. Nhiệt độ có biên độ dao động lớn là cửa ải mà con tôm phải vượt qua đầu tiên. Nếu nhiệt độ thấp quá, vi rút sẽ có môi trường thuận lợi phát triển và nếu nhiệt độ cao quá lại là cơ hội cho vi khuẩn phát triển, trong đó có vi khuẩn gây hại cho tôm nuôi. Mưa dầm khiến môi trường nước nuôi tôm biến động như độ mặn, pH, độ kiềm đều giảm; sức chống chọi của tôm giảm theo. Và nếu bão về, sự tác hại trên ao tôm là tổng hợp tất cả các yếu tố bất lợi.

Ông Lực nhớ lại, năm 2014 La Nina xuất hiện, vào ban đêm ở miền Tây thời điểm tháng 4 mà nhiệt độ như… Đà Lạt. Năm đó vi rút đốm trắng phát tán mạnh, lây lan khắp nơi khiến tôm chết hết ao này tới ao khác. Số tôm còn lại trong ao cũng không thể thu hoạch, vì thu hoạch sẽ là thúc đẩy vi rút lây lan thêm; chỉ còn cách đánh hóa chất tiêu diệt hết cả ao. Đợi đủ thời gian khoảng 2 tuần sau, mới xử lý ao lại nuôi tiếp. Năm nay dự báo La Nina sẽ về nhưng đến thời điểm này vẫn chưa xảy ra, đó cũng là một sự bất thường của thời tiết.

"Không chỉ đối với thủy sản nuôi mà các nghiên cứu cho thấy thời tiết thất thường cũng khiến các đàn thủy hải sản tự nhiên cũng thay đổi thói quen sinh sống và phân bổ không như trước. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến việc đánh bắt, có thể dẫn đến việc có thêm nhiều tàu nằm bờ. Các ngành kinh tế khác cũng đều bị tác động", ông Hồ Quốc Lực nhìn nhận.

Xuất khẩu tôm bật tăng trong các tháng cuối năm

VASEP cho biết, lũy kế 10 tháng của năm 2024, xuất khẩu tôm đạt 3,2 tỉ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc trong tháng 10 đạt 91 triệu USD, tăng đến 44%. Tính chung 10 tháng qua, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 676 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, trong 10 tháng năm 2024, thị trường Mỹ đạt 646 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ. Dù đối mặt nhiều thách thức nhưng với đà tăng trưởng hiện nay, ngành tôm vẫn có thể đạt được kế hoạch 4 tỉ USD trong năm 2024.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.