Nông sản Việt ‘cháy hàng’ bên bờ vịnh Hạ Long

Lã Nghĩa Hiếu
Lã Nghĩa Hiếu
18/01/2020 09:07 GMT+7

Các loại nông sản của các địa phương trên cả nước đang bán đắt như tôm tươi ở Hạ Long (Quảng Ninh). Đáng chú ý, thịt lợn luôn cháy hàng , còn rượu bia thì ế ẩm.

Rượu, bia ế ẩm

Được tổ chức tại Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh (phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh), Hội chợ nông sản (OCOP) Xuân 2020 tỉnh Quảng Ninh diễn ra từ ngày 15 - 21.1.

Các loại rượu ế ẩm Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Năm nay, Hội chợ OCOP Quảng Ninh có trên 180 gian hàng. Trong đó, 102 gian hàng giới thiệu 363 sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP của các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh; 70 gian hàng trưng bày, giới thiệu hơn 400 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, đặc trưng tiêu biểu của 34 tỉnh, thành phố trong cả nước; 17 gian hàng trưng bày sản phẩm của các tổ chức kinh tế, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài.
Tại hội chợ, không chỉ có các sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh mà còn có đủ các mặt hàng thượng hạng, đã tạo uy tín trên thị trường của các tỉnh thành như nem chua Thanh Hóa, thịt lợn và thịt trâu gác bếp Lào Cai, cam canh Hòa Bình, nhút Nghệ An…

Người dân tất bật sắm tết ở Hội chợ OCOP Quảng Ninh

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên trong ngày 17.1, khác với mọi năm, người dân năm nay khá thờ ơ với các mặt hàng rượu dân tộc. Trong khi đó, thịt lợn Móng Cái, trà hoa vàng Ba Chẽ cứ bày ra là hết.
Vừa mua hết 3 triệu tiền hàng, chị Nguyễn Minh Thư (35 tuổi, du khách đến từ quận Ngô Quyền, Hải Phòng) cho biết: “Năm nay, gia đình tôi không mua rượu về tiếp khách nữa mà thay bằng trà, cà phê. Bởi từ khi có Nghị định 100 có hiệu lực, với mức xử phạt nồng độ cồn rất cao thì mọi người ngại và không dám uống như trước vì còn phải lái xe”.
Không chỉ bà Thư mà việc nói không với rượu, bia trong dịp tết này dường như được lan tỏa sâu rộng. Người dân khá thơ ơ với mặt hàng này.
Ông Phùng Ngọc Hải (65 tuổi, phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long) cho biết: “Mấy năm trước đến Hội chợ OCOP là tôi cũng phải mua hơn chục lít rượu ba kích Ba Chẽ về đãi khách, nhưng tết này thì thôi. Từ khi có Nghị định 100 cấm lái xe uống rượu bia nên tôi cũng không ép mọi người. Uống trà cũng vui mà, đâu cứ phải rượu mới vui”.
Quả nhiên không khí mua sắm rượu dịp Tết tại các gian hàng năm nay khá trầm lắng. Đại diện các chủ hàng chuyên bán rượu dân tộc thì than trời vì ế ẩm.
Anh Lê Hoàng Trung, đại diện gian hàng nông sản Hà Giang, cho biết: “2 năm trước, mỗi ngày tôi bán được gần 100 lít rượu ở Hội chợ OCOP Quảng Ninh, với doanh thu khoảng 50 triệu đồng thì nay chưa được một nửa, thậm chí khách còn không đến hỏi mua”.

Lợn Móng Cái đắt mấy cũng hết

Từ khi khai mạc hội chợ hôm 15.1, gian hàng của thành phố Móng Cái năm nay chưa lúc nào thưa khách. Tại đây chỉ bán một sản phẩm nhưng thường không có đủ để bán, đó là thịt lợn Móng Cái. Thậm chí, để có phần lòng, dạ dày, thịt mông ưa thích, khách hàng còn phải đặt trước 1 ngày.

Thịt lợn Móng Cái cứ bày ra là bán hết

Ảnh Lã Nghĩa Hiếu

 
Sở dĩ lợn Móng Cái được nhiều tìm mua là bởi thịt thơm ngọt, giòn, nên ăn không có vị ngậy. Do bị tác động mạnh của dịch tả châu Phi, thành phố Móng Cái vẫn chưa được tái đàn nên thịt lợn Móng Cái đang khan hiếm và tăng giá mạnh. Nếu như cùng dịp này năm 2019, thịt lợn Móng Cái có giá 90.000 đồng/kg thì nay đã lên tới 200.000 đồng/kg.
Bà Lê Thị Thuý Dung, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển nông, lâm, ngư Quảng Ninh, cho hay: “Trung bình mỗi ngày chúng tôi bán tại hội chợ khoảng 4 con lợn, với trọng lượng gần 300 kg. Thịt lợn cứ bày ra là có người đến mua. Mỗi ngày chúng tôi đều phải chuyển lợn từ Móng Cái về Hạ Long nhưng cũng không có đủ để bán”.
Ngoài lợn Móng Cái thì năm nay gà Tiên Yên bán khá chạy. Người dân bắt đầu đi chọn mua từ sớm để cúng ông Công, ông Táo.
Giới thiệu về loại gà ngon nức tiếng Quảng Ninh, ông Lục Văn Long, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Tiên Yên, cho biết: “Gà Tiên Yên luộc nên con nào da cũng vàng ươm như thoa nghệ, thịt lại chắc và thơm”.
Trong khi đó khu vực bày bán nông sản ở các tỉnh thành như Hà Giang, Lào Cai, Thanh Hóa thì lúc nào cũng nườm nượp người đến mua. Chè shan tuyết, mộc nhĩ, lạp xưởng mang đậm hương vị núi rừng Tây Bắc được nhiều bà nội chợ  mua về.
Theo ông Long, chỉ trong vòng 3 ngày mở bán, gian hàng của huyện Tiên Yên đã bán được gần 300 con gà, doanh thu gần 200 triệu đồng.
Theo Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh, qua 3 ngày khai mạc, hội chợ thu hút khoảng 4 vạn lượt khách với doanh thu gần 5 tỉ đồng. “Tết này đâu cần phải mời nhau bia rượu, người dân có thể mang trà hoa vàng, chè đường hoa Hải Hà (Quảng Ninh), hay trà tam giác mạch Hà Giang để đãi khách. Hoặc nhâm nhi hương thơm ca phê ban mê Tây nguyên. Cứ đến hội chợ OCOP Quảng Ninh là có đủ cả”, ông Long chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.