Được sự đồng ý của tác giả, Thanh Niên xin giới thiệu nội dung bài viết.
Lòng mình trĩu nặng, đã định im lặng tiếc thương cho họ, những con người vắn số và vẫn thầm nguyện cầu điều tồi tệ không là sự thật: không ai trong số đó là người Việt - đồng bào mình, là con của một bà mẹ nghèo ở một miền quê nào đó. Là một người ở Anh đủ lâu, với những điều mắt thấy tai nghe, những năm tháng làm phiên dịch cho cảnh sát và Bộ Nội vụ (Home Office) Anh, mình rất biết họ là ai - những “người rơm” kém may mắn. Mình quyết định kể ra những gì mình biết, hy vọng sẽ không có thêm nỗi đau nào tương tự sẽ diễn ra nữa...
|
“Người rơm” là một từ cay đắng! Nó chất chứa cả máu - nước mắt và vô vàn những gian khó, tủi hổ mà cộng đồng người Việt ở Anh dùng để nhắc tới những người nhập cư bất hợp pháp. Vì sao lại là “rơm”? Vì một khi bước vào con đường này, bạn chấp nhận sinh mệnh của mình sẽ chỉ còn như rơm - như rạ, những thứ vô giá trị. Những cuốn hộ chiếu bị vứt bỏ hoặc đốt đi ngay khi “đường dây” đưa họ tới một nước châu Âu nào đó qua con đường du lịch; nhằm chối bỏ quốc tịch, chính thức bước vào giai đoạn “sống không ai biết - chết không ai hay”.
Liên minh Châu Âu (EU) có điều luật về tị nạn, nếu bạn bị phát hiện nhập cư trái phép và bị từ chối tị nạn, sẽ bị trục xuất về đất nước trước đó bạn đã đi qua. Nếu là người không quốc tịch (không còn hộ chiếu), sự việc bại lộ, họ sẽ bị trục xuất về một nước châu Âu nào đó và như thế có nghĩa là còn cơ hội... trốn tiếp. Đó là lý do, khi mở chiếc container tử thần kia ra, cảnh sát Anh sẽ dựa vào tóc đen da vàng mà tạm thời nhận định các nạn nhân là người Trung Quốc chứ hiếm có mẩu giấy tờ nào dính dáng đến nơi mà nạn nhân thực sự xuất phát.
|
Hầu hết các con đường sẽ đều dẫn họ đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais (Pháp) - đầu bên này đường hầm xuyên eo biển Manche, nối liền Anh với châu Âu. Từ đây, đoạn cam go nhất của hành trình sinh tử bắt đầu. Người nhập cư từ khắp nơi tập kết ở đây, sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán trong rừng để chờ cơ hội vào Anh. Khi màn đêm buông xuống, từng tốp người lẻn vào các bãi xe hàng tìm các chuyến xe sẽ sang Anh, rạch bạt chui vào nằm im lẫn giữa hàng hóa; hoặc cắt kẹp chì chui vào những container.
Nếu là đường dây VIP, tài xế biết sự có mặt của bạn trên xe của họ, còn đường dây thường, thì thường là lên lén lút. May mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế VIP sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân để cho những vị khách quá giang xuống. Còn nếu không qua rào cản máy tầm nhiệt hoặc bị chó nghiệp vụ ngửi thấy, thì đi về, hôm sau ra nhảy xe tiếp. Container đông lạnh là lựa chọn được ưa thích vì có khả năng cao thoát được máy quét tầm nhiệt nếu như thuộc đường dây VIP.
Nếu đủ may mắn để sống sót, con đường chờ đợi họ cũng sẽ không phải là đã hết chông gai. Để tự nguyện trở thành “một nạn nhân của đường dây buôn người”, họ thường phải chi nhiều tiền lộ phí. Họ chỉ có một lựa chọn: kiếm tiền bằng mọi giá, mọi cách để trả nợ và nuôi tiếp ước mơ đổi đời. Nhiều người trong số họ đã vĩnh viễn không thể trở về quê hương, dù là trong những chiếc hòm sắt, nhưng là “rơm” - nên họ, những người nằm lại nơi đất khách, cũng không nằm trong bất kỳ một cuộc thống kê chính thức nào. Không oán trách, không phán xét, sâu thẳm trong tim mình chỉ thấy một nỗi buồn sâu sắc trước số phận của những “người rơm” - bị mắc kẹt giữa hai thế giới: những khoản nợ xen lẫn những hy vọng đổi đời - những chờ mong khắc khoải của gia đình và thế giới của những hiểm nguy, gian khó nơi xứ người mà phần lớn họ nuốt nước mắt giấu riêng cho mình.
Chúng ta hãy ngưng phán xét, ngưng trách móc, ngưng nói đến những điều lớn lao, những nguyên nhân vĩ mô, ngưng dạy bảo những người đã khuất sao không làm thế này thế kia. Hãy dành một chút im lặng để cảm thông với những gia đình đang ở tận đáy của sự đau thương! Dù là người Việt - người Trung Quốc hay ai chăng nữa, họ được quyền yên nghỉ sau quá nhiều những đau đớn - hoảng loạn lúc cuối đời. Mong cho họ được bình yên, ở một thế giới khác.
Bình luận (0)