Nốt lặng giữa Sài Gòn

24/09/2023 09:30 GMT+7

"Con đã hạ cánh an toàn chưa? Sài Gòn có chút gì để nhớ không con?".

Nhận được tin nhắn của bác - người bạn vong niên qua Facebook, mà tôi xúc động. Chuyến đi đầu tiên tới Sài Gòn - TP.HCM đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng chẳng thể phai mờ.

Tôi may mắn được đặt chân tới đây vào một ngày đầu thu tháng 8. Thành phố hôm nay thật dịu hiền. Tôi quyết định vòng quanh các phố để ngắm thành phố theo những góc khác nhau. Những tòa nhà chọc trời. Những con phố người qua mắc cửi. Ồn ã. Náo nhiệt. Còi. Xe. Và không biết bao nhiêu là người. Ai cũng bận rộn, hối hả như thể chỉ lạc loài một tôi giữa phố đông.

Hào khí miền Đông: Nốt lặng giữa Sài Gòn - Ảnh 1.

Cảnh người xem biểu diễn tại lăng Ông

Dương Bách

Nắng rực lên. Tôi đưa tay chấm mồ hôi trên má, thở dài. Ừ thì Sài Gòn hoa lệ cũng chỉ như bao thành phố khác.

Tôi đang tính quay về khách sạn, chạy trốn cái nắng, thì giật mình khi nhìn thấy dòng chữ "hát bội" ở phía lăng Ông. Tôi tò mò dừng lại, ghé xem, thầm nghĩ: "Thời đại 4.0, giữa thành phố cuồn cuộn chảy này mà vẫn còn hát bội ư?".

Bất giác, tôi nhớ về ngày xưa. Ngày đầu tiên trong đời, cha dẫn lũ con nheo nhóc chúng tôi sang nhà bác giàu có nhất làng, xem nhờ vô tuyến đen trắng. Hôm ấy có tiết mục sân khấu Phụng Nghi Đình. Lúc bấy chừng 5, 6 tuổi, tôi chưa đủ nhận thức về ý nghĩa của vở tuồng, nhưng tôi đã xem vô cùng chăm chú, và không ít lần trái tim non nớt của tôi run lên theo nhịp trống, lời ca…

Đoàn nghệ thuật hôm nay không đông lắm, nhưng xem chừng họ rất bận rộn. Người chỉnh trang sân khấu, người bài trí đạo cụ, sắp ghế ngồi cho khán giả, và diễn viên thì đã rất sẵn sàng. Đa phần họ không còn trẻ. Nhìn khuôn mặt nhễ nhại của họ khi trời bắt đầu bừng bừng nắng mà sắt se lòng. Họ đơn giản chỉ là đang mưu sinh, hay đang dày công níu giữ nét cũ xưa rồi đây có thể không còn vết dấu?

Những diễn viên đi vào, rồi lại đi ra. Mắt cụp xuống rượi buồn.

9 giờ, ghế khán giả vẫn trống hoang, tôi nhìn sang hai bên, chỉ có mấy ông già bà lão ngồi bên ghế đá, thở dài: "Vắng quá, liệu họ có hủy diễn không ông?".

Họ nhìn lên sân khấu đầy ái ngại, như thể nhìn những mùa thu đi qua cuộc đời mình. Người bác già bạc phơ mái tóc ngậm ngùi: "Hát bội, cũng như chúng ta, chẳng mấy mà hư vô giữa thế gian này…".

Bất giác tôi ứa lệ, nhớ về những háo hức tuổi thơ khi rồng rắn cùng anh em, hàng xóm đi xem tuồng chật kín sân đình. Những vở San hậu, Trưng nữ vương, Nghêu sò ốc hến…thuở ấy từng đưa chúng tôi tới một thế giới diệu kỳ mà chúng tôi chưa từng biết. Những bài học luân lý, những rung động vì nghệ thuật, những trong veo tuổi nhỏ… và tình yêu Tổ quốc được âm thầm khơi lên từ những buổi tối xem diễn tuồng như thế đó. Biết bao đứa trẻ chúng tôi muốn được bay lên.

Dòng người vẫn chảy. Nườm nượp, hối hả. Dường như chỉ có chúng tôi đang bơ vơ, lạc lõng với những cũ càng.

Một lát, thêm một, hai người trung tuổi như tôi; rồi năm, sáu người…Hàng ghế khán giả đã dày thêm. Tôi nhìn lên sân khấu, diễn viên đóng vai Lã Bố, Điêu Thuyền ánh mắt đã long lanh trở lại. Những động tác mạnh mẽ, hừng hực khí thế, những lời ca ngân nga, những tiếng trống giục lòng.

Hình như đó là tiếng trống vọng về từ mấy mươi năm của thế hệ chúng tôi. Âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, những người anh hùng xả thân vì đại nghĩa ngùn ngụt thức dậy.

Không, hình như đó là tiếng vọng của lịch sử hào hùng thời ông cha mở cõi. Mấy trăm năm xưa, ai đã từng khai phá đất phương Nam, ai gieo tiếng trống đầu tiên tới mảnh đất này để tuồng cổ mang tên "hát bội"?

Tôi đưa mắt kiếm tìm. Có đôi bạn trẻ dừng lại, kéo ghế ngồi xem. Họ rì rầm trò chuyện, thi thoảng mở điện thoại hí hoáy nhắn tin, rồi giơ lên chụp chụp.

Có cậu bé kéo tay mẹ ngồi lại khi hai mẹ con vô tình lướt phố qua. Vì khuôn mặt diễn viên hóa trang độc lạ, vì trang phục rực rỡ sắc màu, hay vì lời ca tiếng trống hùng tráng đã níu chân?

Vở tuồng vừa hết, những diễn viên cúi đầu chào khán giả, trong tiếng vỗ tay nồng nhiệt. Đoàn nghệ thuật không vội vàng, họ vừa trò chuyện, vừa thu dọn dưới trời chang chang nắng lửa. Tôi nán lại một chút, rồi ra về trong cảm xúc bâng khuâng khó tả.

Đúng rồi, tôi đã gặp một Sài Gòn khác, giữa Sài Gòn. Tôi cũng đã gặp lại tôi của gần 40 năm trước, và tôi như nghe thấy cả tiếng cha ông dội về từ lịch sử.

Máy bay vút lên, tôi ngoái lại nhìn sông Sài Gòn, nhìn lại thành phố lần nữa trước khi nó vụt xa sau những áng mây trắng xóa.

Phải rồi, tôi sẽ nhắn tin cho bác, rằng con đã rơi mình vào một thế giới đặc biệt - một nốt lặng giữa Sài thành. Rằng, có những thứ tưởng đã mất đi, nhưng không phải. Nó vẫn bền bỉ ở đây, âm thầm giữa dòng xoáy cuộc đời. Rằng, con tin vào thế hệ trẻ. Tin ở Sài Gòn. Và, con tin vào hát bội. Tin vào tiếng vọng ông cha thời mở đất phương Nam… 

Hào khí miền Đông: Nốt lặng giữa Sài Gòn - Ảnh 2.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.