Nốt ruồi trên lưng - ​Truyện ngắn của An Thư

01/03/2020 06:44 GMT+7

Nhàn có thói quen đếm đi đếm lại những nốt ruồi trên lưng Khả. Cứ đêm nào ngủ cùng chồng là Nhàn đếm, như một thói quen, hay một nghi lễ, Nhàn cũng không biết nữa.

Cái giường rộng thênh, đã phủ đầy chiếu chăn mà vẫn trống trải. Trên giường chỉ có Nhàn và Khả, thêm con gấu bông đã cũ, màu hồng nhạt. Khi Nhàn về, con gấu nằm chỏng lỏn trên giường cưới, mở to đôi mắt nhìn Nhàn, nửa ngây ngô, nửa cười cợt như muốn nói: “Này, tôi mới là chủ nhân của chiếc giường này chứ không phải Nhàn đâu”.
Chỉ dăm bữa nửa tháng sau ngày cưới, Khả bắt đầu quay lưng lại phía Nhàn suốt đêm. Có những hôm sau khi gần gũi chồng, Nhàn ước, Khả sẽ vòng tay ôm vợ ngủ. Cánh tay Khả rắn chắc, nâu sậm màu đồng, vầng ngực cứng như gỗ mà cũng mềm mại thịt da; ngủ vùi trong đó chắc sẽ bình yên. Nhưng Nhàn mơ hão. Chưa để vợ mặc xong chiếc áo, Khả đã lại quay đi, ôm con gấu vào lòng, bỏ đôi tay Nhàn buông thõng trên chiếc cúc đang cài dở, thảng thốt và hụt hẫng.
“Quen rồi. Có người đụng chạm vào mình, không ngon giấc được”. Khả nói chỏng chơ, có ý như giải thích, dù Nhàn không hỏi. Đôi lần, Nhàn đứng trước gương, nắn bóp cánh tay, phần bụng và vòng eo của mình, rồi lại sờ lên lớp lông đã không còn mới của con gấu bông, tự hỏi, da thịt mình ấm áp thế này, mềm mại thế này, sao anh ấy lại chọn ôm con gấu dở hơi kia nhỉ? Con gấu có khuôn miệng cười nham nhở, trân trối nhìn Nhàn, như chế giễu.
Những đêm đầu chồng quay lưng đi, Nhàn trằn trọc không sao ngủ được. “Một, hai, ba, bốn”..., bảy cái nốt ruồi trên lưng Khả được Nhàn nhớ như in từng dáng hình và vị trí. Trên bả vai là cái nốt ruồi tròn xoe, đen đậm, to bằng nửa hạt đỗ xanh. Phía dưới chừng mười cen-ti-mét là nốt ruồi hình ô voan, nhỏ hơn một chút. Xê xuống gần eo, phía bên phải lưng, là nốt ruồi dễ nhận diện nhất, vì ở giữa có một sợi lông đen mà Nhàn không bao giờ dám nhổ; gần giữa xương sống là chiếc nốt ruồi son bé xíu, phải ghé mắt thật gần mới có thể phát hiện ra... Từng chiếc, từng chiếc được Nhàn ghi nhớ, cứ như thể nó đã ghim vào não Nhàn, định vị chắc chắn ở trong ấy.
Những đêm cả gió, bảy chiếc nốt ruồi trên tấm lưng rộng của Khả làm bạn với Nhàn, trong lúc đợi cơn buồn ngủ còn mải chơi đâu đó chưa kịp đến. Lũ gió cứ thoải mái vờn vã nhau trên mái ngói cũ mèm, vô tâm không biết lòng Nhàn cũng đầy những gió. Những cơn gió lòng ban đầu vần vũ, sau rồi cứ lặng dần lặng dần. Sáu năm cưới nhau, gió trong lòng Nhàn chưa tắt hẳn, chỉ còn âm ỉ với những xót xa riêng Nhàn biết.
Ngày Nhàn theo Khả về nhà chồng, cái bụng đã lùm lùm dưới chiếc váy cưới trắng tinh thuê trên thị trấn. Nhàn còn trẻ lắm, mới mười chín tuổi. Lúc đưa dâu qua ngõ, rời căn nhà gắn bó suốt gần hai mươi năm, mà Nhàn cười híp mí, quên mất mẹ đẻ đang khóc nấc lên vì lưu luyến con gái; quên cái nháy mắt ý tứ của bà cô ruột, nhắc “lúc rời nhà thì gắng làm mặt buồn một tí, ai đời con gái đi lấy chồng mà hơn hớn thế kia”; quên mất cả nụ cười cảm thông của mẹ chồng, và đôi mắt đăm chiêu của Khả… Nhàn lấy chồng, phải bước vào nhà bằng lối cửa sau, vì cái thai mới cấn cũng đã đầy ba tháng.
Được cái, mẹ chồng Nhàn tuy ít chữ nhưng hiền hậu. “Ôi dào, có phúc mới được cả trâu lẫn nghé. Trong xóm này bao cặp lấy nhau xong thuốc thang mãi mà không đẻ được kia kìa”. Bà cười giòn nói thật to câu ấy, mỗi khi có ai buông lời trêu chọc con dâu bà “ăn cơm trước kẻng”.
Nốt ruồi trên lưng - Truyện ngắn của An Thư1

Minh họa: Tuấn Anh

Mẹ chồng có nụ cười giòn giã vậy, mà căn nhà ngói năm gian của vợ chồng Nhàn thì không thể nào ấm lên cho được. Hai mươi tuổi, đẻ xong mấy tháng, Nhàn lên đồi dỡ sắn, gò lưng cùng mẹ chồng nạo sắn phơi khô, ngâm sắn lát tươi làm tinh bột bán cho mấy đại lý trên phố huyện. Nhàn rất yêu khoảng sân rộng vào mùa nạo sắn. Từng vạt sắn trắng tinh, phả lên mũi Nhàn mùi hương nồng ngọt, hay làm Nhàn nhớ ngày thơ bé vô lo. Những mùa dỡ sắn làm đôi tay Nhàn chai sần đi, làm chiếc lưng mảnh mai của Nhàn như muốn cong gập xuống. Tóc Nhàn bớt mượt, còn làn da thì cứ sạm dần…
Hồi con Tí ra đời, giống cha như lột, không thấy Khả vui. “Chắc tại con gái nên anh ấy buồn”, Nhàn tự an ủi mình. Thằng Tèo nối gót chị sau hai năm. Nhìn con giống tinh nghịch của thằng bé vổng cao trên chiếc giường trạm xá, Nhàn khấp khởi mừng; thế mà vẫn không làm ánh mắt Khả ấm hơn. Khả đi làm thợ xây, dăm bữa mới tạt về nhà. Để rồi, trong những đêm bên vợ, Khả chỉ chú tâm bấm điện thoại tí ta tí tách. Có đôi lần, Nhàn tự hỏi phía trong màn hình điện thoại kia, những dòng tin được Khả gửi đi đâu, liệu có phải cho người phụ nữ - chủ nhân của con gấu bông màu hồng xấc láo trên giường ngủ của hai vợ chồng?
Như một sự cố gắng gây chú ý với chồng, Nhàn bẻ tay cho khớp kêu lục cục, than “sắn củ mùa này nặng quá” (than vậy chứ sắn mùa nào mà không nặng). Rồi bằng giọng nũng nịu nhất, Nhàn kêu mệt, kêu đau, những mong chồng sẽ quay lưng lại, nhìn Nhàn bằng ánh mắt xót xa, rồi với tay lấy chai rượu địa liền dưới chân giường day lên những khớp xương của Nhàn. Nhưng mà không, Khả vẫn nằm quay lưng lại, đôi mắt mở to nhìn vào màn hình điện thoại. Có một bầu trời riêng trong mắt Khả, mà Nhàn biết mình không được phép xớ rớ bước chân vào. Nhàn tự đổ rượu ra tay, tự bóp lên khớp xương mỏi mệt, mà thấy những giọt lạnh tanh trào lên trên đôi mắt mình.
“Lưng anh có bảy cái nốt ruồi cơ đấy” - có lần Nhàn nói với Khả trong bữa cơm. Đang gắp con cá khô lên bát, Khả nhìn thoáng qua Nhàn chưa tới một giây, rồi lạnh lùng bảo: “Nhiều chuyện quá. Việc cỏn con mà cũng để ý”. Nhàn định nói thêm, mà rồi khi nhìn thấy ánh mắt cúp xuống mâm cơm đạm bạc, không có vẻ gì là muốn tiếp tục câu chuyện của chồng, Nhàn lại thôi, im lặng.
“Đàn ông thằng nào chẳng có tật xấu. Xấu nhiều hay xấu ít mà thôi”. Mấy chị em bạn dì trong xóm thường rỉ rả với Nhàn câu ấy. Mẹ đẻ hay mẹ chồng Nhàn cũng bảo Nhàn như vậy. Mà đàn ông trong cái xóm này, được mấy người tốt với vợ đâu. Thì, chồng của chị Thơ đầu xóm hay uống rượu đó. Bình thường hiền như đất, nhưng cứ uống say là anh ta đập phá. Nay bộ ấm chén, mai cái phích đựng nước, ngày kia chồng bát đĩa. Có hôm, sau chầu rượu quắc cần câu cùng đám bạn, anh ta cầm chày giã cua phang thẳng vào màn hình ti vi, chỉ bởi “thằng điên trong ti vi đang chửi tao kìa”. Cơ khổ, những cơn say của chồng chị Thơ cứ diễn ra triền miên, nên mãi mà đồ đạc trong nhà chị không đầy lên được. Hay chồng của cái Phương nhà bên gốc gạo đó, gái gú không chừa nổi một lối quay về, mà lại còn có tính hay ghen gió. Hắn đi mất mặt sớm hôm, nhưng hễ nhác thấy vợ đứng nói chuyện với người đàn ông nào trong xóm là sáng hôm sau, khoảng da trên mặt cô vợ lại chỗ xanh chỗ tím...
Ừ, đàn ông trong xóm, cãi nhau tát vợ vài cái, uống rượu lỡ say vài độ, hay lười chảy thây suốt ngày hết ăn lại nằm, nằm xong dậy tìm chỗ đá gà đá vịt chơi… Những điều ấy là sự thường, vậy thì lỗi của Khả thấm vào đâu?
“Thằng Khả chăm chỉ làm ăn, lại còn không rượu chè, gái gú, còn đòi chi bay?”. Mấy bà cụ hay khen Khả bằng cách hỏi ngược lại Nhàn câu ấy. Nhàn im lặng, cười buồn. Chẳng lẽ bảo Nhàn giận chồng, vì chồng chẳng khi nào quay mặt lại phía Nhàn lúc ngủ, chẳng chịu bóp lưng cho vợ khi vợ cảm thấy đau mệt trong người; lại còn im lặng mỗi khi vợ khơi chuyện tán gẫu…
Hay là Nhàn sẽ kể rằng mình đang ghen với con gấu bông nho nhỏ màu hồng nhạt trên chiếc giường của hai vợ chồng? Có lần Nhàn cất nó vào rương quần áo, Khả về không thấy, đã muốn lật tung khắp nhà lên để tìm. Cái đận, con Tí còn bé lỡ tay làm long một mắt của con gấu cũng là đận đầu tiên Nhàn thảng thốt thấy Khả đánh con. Con gấu sau đó được đặt lên nóc tủ, chỉ đêm nào về nhà, Khả mới mang xuống ôm để ngủ. Sẽ chẳng ra sao, nếu Nhàn nhận mình ghen tuông với con gấu, cho dù là có ghen thật đi chăng nữa.
“Đàn ông lớn rồi, ai còn chơi gấu bông nữa kìa”. Có lần Nhàn giả đò cợt nhả chồng, những mong sẽ gặp được nụ cười của Khả. Mà chưa kịp ước, Nhàn đã bắt gặp ánh mắt lạnh tanh. Nụ cười của Nhàn tắt ngấm, như đốm lửa chưa kịp bùng lên đã bị cơn mưa phũ phàng dập cho không còn chút khói.
Từ thuở lấy chồng, những mùa mưa nắng đi qua cuộc đời Nhàn thản nhiên đến mức lạnh lùng. Ngày mẹ chồng qua đời, Nhàn biết những ấm áp cuối cùng đã rời khỏi căn nhà ngói năm gian. Nhiều khi, đứng giữa đồi sắn lá xanh bạt ngàn cao ngang ngực, Nhàn thấy mình lạc lối…
“Con định bỏ anh Khả”. Câu nói vừa kịp thốt ra trên môi Nhàn, bà mẹ đẻ đã giãy lên như đỉa phải vôi. “Thằng Khả còn chưa đủ tốt hay sao? Nó có lỗi gì mà mày bỏ nó!”. Lỗi gì à? Chính Nhàn cũng không biết nữa. Biết làm sao để định hình lỗi của một người chồng?
Ở cái xóm này, một người đàn bà bị chồng đánh, thì những người đàn bà khác sẽ hỏi “Có làm sao thì nó mới đánh cho chứ? Ai dưng không nó đánh làm gì?”. Hay khi xớn xác nghe tin ai đó bị giật chồng, người ta lại lắc đầu “Cũng khổ, tại còn vợ đó đã xấu, lại còn không khéo ăn khéo ở, bảo sao chồng nó chán”. Vậy thì Nhàn làm sao có thể giải thích cho mẹ về những nỗi đau nhẹ hều của mình?
Bà mẹ đẻ của Nhàn mắng con té tát vài câu, rồi đuổi về. Người đàn bà thuần phác giản đơn ấy chỉ nghĩ con gái bà làm mình làm mẩy chút thôi, rồi nó sẽ lại nhẫn nại như bà từng dạy, chứ đời nào dám bỏ chồng. Nhàn im lặng bế thằng Tèo, dắt con Tí trở về căn nhà năm gian của Khả. Đường về có nhiều nắng trên mấy rặng cau...
“Lưng anh có bảy chiếc nốt ruồi. Em vẫn hy vọng những chiếc nốt ruồi sẽ mọc thêm, hoặc biến mất đi, để còn có cái mà đếm, mà nhẩn nha ngắm nhìn khi anh đã ngủ. Nhưng bao năm rồi, vẫn chỉ có ngần ấy chiếc thôi…”. Tất cả những ý nghĩ kìm nén được Nhàn ghi lại trong tờ giấy mỏng, đặt lên giường, dưới con gấu bông.
Nhàn kéo va li, tay dắt hai đứa trẻ. Đầu Nhàn ngoái lại nhìn căn nhà thêm lần nữa. Tuần sau, Khả sẽ về. Nếu chiếc giường chỉ còn con gấu bông màu hồng nhạt, Khả có nghĩ đến Nhàn không?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.