Một khúc sông sâu - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng

29/09/2019 12:35 GMT+7

- Con không phải đi cùng đâu, cứ để ba tự về. Ông già đứng ở ban công nói với khi Nam đang loay hoay đánh xe ra khỏi ga ra.

Đành rằng là ông sẽ tự lo được. Sảnh chờ sân bay lúc nào các hãng taxi cũng phục sẵn chân khách. Master Card của ông lúc nào cũng rủng rỉnh tiền. Chỉ cần bước lên xe, quẹt thẻ là ông tới cổng nhà. Nhưng để ba lọ mọ một mình từ Sài Gòn về quê Nam không an tâm. Nhất là chuyến về quê lần này ông cứ nằng nặc đòi đi một mình. O Lý yếu lắm rồi, sẽ đi nay mai. Ba về thăm o lần này biết đâu là lần cuối. Vả lại các con còn có công việc... Chúng con thu xếp được. Nam nói vội. Nhưng ông gạt phắt. Ba còn có việc của ba nữa. Nam cố gắng để không thêm lời. Ông đã quyết rồi. Ý chí của anh bộ đội ngày nào chảy trong huyết quản ông, lúc nào cũng đầy ăm ắp. Nam lặng để ba đi.
Từ ngày mẹ vào chơi, nhịp sinh hoạt của ba có phần đảo lộn. Buổi sáng thay vì ăn ở nhà, ba lên phố từ sớm. Bạn bè ba đợi sẵn, sẽ ăn sáng, cà phê rồi nói chuyện thơ phú đến sém trưa mới về. Buổi chiều ba đóng phòng đọc sách báo hoặc lướt phây tám chuyện cùng bạn bè. Căn nhà rộng rinh. Ba một tầng. Mẹ một tầng. Hai ông bà già nghễnh ngãng từ lâu đã chẳng còn muốn nói chuyện cùng nhau. Vì sao? Đó là cả một câu chuyện dài. Mỗi lần các con tỏ ý muốn biết chuyện, ông đều trả lời thế. Tuổi già không cần rành rọt đúng sai nữa. Sự lặng lẽ kiệm lời của ông là một đáp án. Các con biết thế nên tạo điều kiện để người Nam kẻ Bắc. Đợt này không khí lạnh tăng cường, bất đắc dĩ anh phải đưa mẹ vào.
- Ba mày bảo sao Nam? - Mẹ hồi hộp hỏi lẫn với lo lắng.
- Ba bảo không khí ngoài đó đang không tốt cho sức khỏe nên hối chúng con rước mẹ vào.
- Thật hả? Là ba mày xui ha Nam?
Cả cái kịch bản dài vậy Nam còn nghĩ ra được huống chi thêm một vài câu khấp khởi nữa để mẹ tin. Nhưng còn ba? Nam vẫn bị ám ảnh bởi ánh mắt vô cảm của ba rớt hụt ở chân cầu thang.
- Bà mới vô đó hả?
Chẳng đợi câu trả lời từ phía bà. Ông về phòng nằm. Con thằn lằn chặc lưỡi. Con kiến hết bò dọc thì bò ngang. Ông vẫn nằm yên bất động. Nam làm sao biết được ba đang nghĩ gì. Sau những bữa cơm chung, ba về phòng khép cửa. Chỉ sự im lặng là tuyệt đối. Trong đêm yên tĩnh, Nam nghe tầng trên ba ho, tầng dưới mẹ trở mình. Nên lần này mẹ vào, Nam tới lui phòng ba mấy lần rồi rón rén gõ cửa. Ba, mai mẹ vào. Ngoài đó đang rét. Là Nam muốn thông báo trước để ba chủ động sắp đặt tâm lý.
Ông già cất kính, ngó nghiêng đâu đó một chặp rồi ngước bình thản về phía Nam. Vầy cũng tốt, con.
Ba mày muốn lánh mặt mẹ. Mẹ không nói thì Nam cũng biết. Chỉ có điều ba không thể phản đối. Đó còn là tính cách ba. Dẫu có sóng cuộn trong lòng thì gương mặt ba cũng giữ được bằng lặng. Đã chung với nhau bốn đứa con, đứa nào cũng thành đạt cả. Tuổi già cần gì hơn thế đâu. Đôi lúc tặc lưỡi Nam nghĩ thế. Nhưng người già có lý của người già. Những buồn phiền tuổi trẻ còn đeo đẳng ông mãi. Cứ trái gió trở trời là đau, còn xót hơn cả vết đau do những mảnh đạn để lại. Phận làm con, Nam sao thấu để chia sẻ. Cách tốt nhất Nam làm được là dành cho ba không gian riêng. Biết đâu ba muốn tự mình đối diện với cơn đau theo cách của riêng mình.
- Con có hiểu gì không Nam?
Đã bao lần môi ông mấp máy. Mắt ông ngân ngấn nước. Nhưng rồi những câu hỏi lặp lại ấy đều bỏ ngỏ đó. Nam nghe lần đầu thấy bình thường. Đơn giản chỉ là một câu hỏi. Hồi đó tóc ba còn xanh. Ánh mắt sáng, rắn rỏi. Vậy mà câu hỏi được phát ra nhẹ bẫng. Nam gấp sách, chờ đợi một tâm sự. Ông đã nghĩ rất nhiều để chọn cái thời điểm bắt đầu câu chuyện. Chỉ non tháng nữa thôi Nam ra nước ngoài. Cuộc sống mới ở xứ người chờ đợi Nam. Nam học đại học ở đó, sẽ làm tiến sĩ ở đó. Có thể sẽ làm việc, sẽ định cư, sẽ xây dựng gia đình ở đó luôn. Ai mà biết trước được điều gì. Không nói với Nam lúc này thì sẽ là khi nào. Nhưng rồi câu hỏi cũng chỉ dừng lại ở đó. Ông cất tiếng thở dài nhanh, gọn như cách ông vẫn tháo súng lắp súng hay giấu những tải đạn. Với người đàn ông đã vào sinh ra tử ở chiến trường bao năm thì việc giấu chút cảm xúc riêng tư không phải là quá khó. Ông vỗ vai Nam. “Lên đường mạnh giỏi, con trai. Nhớ biên thư về cho ba”.
Lần thứ hai, thứ ba... Nỗi ấm ức vẫn cứ vướng ở cuống họng. Nghẹn bứ. Ông tới lui phòng Nam. Rồi cũng chỉ nói được đôi câu dặn dò. Thôi khuya rồi, ngủ đi con. Mai làm tiếp.
Đầu Nam đã hai màu tóc. Thi thoảng vẫn bị câu hỏi của ba găm vào tức ngực. Nam làm sao hiểu được khi ba không nói gì. Câu chuyện của ba dài đến mức nào. Nam làm sao để biết. Nhưng chắc chắn đó là một câu chuyện buồn. Đôi lúc trong ngày cả gió, ông than tức ngực. Nam cuống cuồng đưa ba nhập viện. Ông bác sĩ đã quen đến từng nhịp tim của ba. Không có gì bất thường đâu. Là bệnh tuổi già. Nam vẫn chưa bớt lo lắng. Bác sĩ, thi thoảng ba vẫn kêu tức ngực, khó thở. Ông bác sĩ lắc đầu. “Tôi chịu trách nhiệm về sức khỏe của ba anh”. Nhưng Nam vẫn không tin lắm vào thứ bệnh có tên là tuổi già. Nên mỗi bận về quê, Nam kiếm chú Tư, lân la câu chuyện. Chú Tư bảo. Ngày xưa... À, mà thôi. Bom đạn chiến trường đã không quật được ba mày. Bây giờ không gì làm ông đau nữa đâu. Nam nghe được hay không chú không để ý.
- Hay chú biết gì đó trong câu chuyện dài của ba, chú Tư...
Nam bấu áo chú. Nét bằng lặng, kiệm lời của ba có cả ở chú như cắt như đặt.
- Cứ để ba cháu tự giải tỏa.
Đó không phải là câu trả lời Nam muốn nghe.
- Chú, chú thương cháu cũng là thương ba. Chú kể cháu nghe. Biết đâu cháu làm được gì đó. Dẫu không còn quan trọng với ba nữa thì vẫn còn quan trọng với anh em chúng cháu.
Buổi chiều phút ấy như ngừng trôi. Chú Tư là em kế ba. Ngày ba ôm súng ra chiến trường chú bỏ dở việc học, thay ba ruộng nương, nhà cửa. Chú nhỏ con. Lại bị tật ở mắt. Cán bộ không cho chú cầm súng. Bù lại, có chú, ba có thêm hậu phương vững chắc, an tâm đánh giặc.
Đôi mắt của chú Tư là sự đùa dai cay độc của ông trời. Nó không hẳn là mù. Nhưng hai mí mắt díu lại. Giống như người ta khâu mắt con cò đó Nam. Mắc mớ chi người ta khâu mắt nó, chú? Để làm mồi nhử con khác, mày dốt thế. Không khâu nó đi mất. Vào mùa chú dẫn mày đi bẫy cò, nhé. Chú tíu tít cười nói, kể lể. Nhưng không sao, chú vẫn nhìn rõ. Mấy bận lật bật, chú va phải người làng. Người lành thì xí xóa cho qua. Nhưng có hôm gặp phải ông kễnh, ngã kềnh càng ra đường. Ông kễnh chống nạnh chửi té tát. Mù à, thằng hôi hám kia. Thấy tình thế bất lợi, có khi phải lên làng phân xử, chú bình tĩnh cười cầu hiền. Xin lỗi ông lớn, con mù. Từ đó chú có thêm tên Tư mù. Cuộc đời trắc trắc không không, chú thấy sự nguyền rủa ấy cũng chẳng phương hại gì. Mù nhưng mình vẫn rõ đường đi đấy thôi. Đôi lúc lại cứu cánh cho một số đểnh đoảng. Cái tên Tư mù nghe mãi thành quen.
Anh Hai lấy vợ. Chị dâu là người cùng làng. Đám cưới vội kiểu hoa đến thì hoa nở. Ông trời se sao thì ừ vậy. Bom đạn rền rĩ, người ta ít nghĩ về tình yêu. Cha mẹ giục thì ít, người làng ỉ ôi thì nhiều. Đành cưới cho con người ta có nơi có chốn. Đấy là Tư đoán thế. Tư không là anh Hai sao hiểu được. Nhớ ngày đầu anh Hai đưa chị dâu về, nhà nội nhà ngoại chạy tới chạy lui. Cực tí nhưng hạnh phúc lấp lánh trong mắt đôi vợ chồng trẻ, cười nói ríu ran suốt ngày. Tư mừng cho anh. Nhưng chẳng được bao lâu. Lệnh nhập ngũ giục giã. Anh Hai ôm súng lên đường. Nhà còn lại Tư và hai ông bà già lặng lẽ vào ra.
Một khúc sông sâu - Truyện ngắn của Nguyễn Hồng1
Cưới vợ như anh Hai thì cưới làm gì? Tư thấy cha mẹ và anh Hai bằng lòng để chị dâu về ở bên ngoại tiếp tục sự nghiệp học hành là một sự vô lý. Thân phận lấy chồng lo việc nước non nhà chồng xem ra không còn là lễ giáo ràng buộc. Nhiều lần Tư vùng vằng, phản đối. Không phải vì việc nhà cứ dồn cả lên Tư mà hai ông bà già gần đất xa trời ấy cũng muốn có dâu con bên cạnh cho ấm nhà. Con trai đi đánh giặc. Con dâu ở nhà ngoại. Thế chẳng khác nào nhà không dâu. Người làng nhìn vào bĩu môi này nọ. Nhà này vô phúc mới thế. Tư thương cha mẹ côi cút, yếu đuối trước nhà người ta mà cả nghĩ. Chắc cũng phường không biết dạy dỗ nên mới để con gái trong nhà mình. Lấy chồng rồi còn không biết lo toan.
Tư nghĩ nhiều nên đâm ra để ý. Có hôm ngang qua cửa chuồng bò, chị dâu ném vào đống rơm thứ gì lạ lắm. Là chiếc hộp giấy xinh xắn trong có chiếc khăn tay thêu hình đôi chim bồ câu. Tư mù xổ cỏ ngay cạnh, lập cập giấu ngay vào rổ. Chắc chị dâu không biết có Tư ở đó. Nếu có, chắc chị dâu cũng nghĩ Tư mù.
Chiếc khăn đó là quà cưới của anh Hai. Việc này Tư rành rọt. Không ai khác là Tư và anh Hai đã đi bộ trọn ngày lên thị trấn để chọn. Anh Hai ngắm nghía mãi mới ưng ý. Sao chưa kịp xa hơi chồng chị dâu lại làm thế. Tư nghĩ ngợi nhiều nhưng không biết chia sẻ cùng ai. Chiếc khăn Tư vẫn giữ đó, còn mới đến bây giờ.
Ngay sau ngày anh Hai trở lại đơn vị, chị dâu về hẳn nhà mẹ đẻ. Tư thường qua lại nhìn trộm. Thấy chị dâu hay cười một mình. Chắc là chị mới nhận được thư của anh Hai. Nhưng thư từ đơn vị về làng dễ đến cả tháng. Mà chị dâu cứ cười suốt, còn hát nữa. Tư tưởng tượng những điều không phải, rồi theo dõi. Đêm sân đình yên tĩnh. Cây đa to đổ bóng. Tư thấy chị dâu và ai đó xoắn xuýt. Đêm sâu quá, rộng quá. Đôi bàn tay Tư nắm chặt. Tư ngửa mặt than trời. Anh Hai ơi…
Tiếng Tư than không thấu được cửa trời. Chị dâu đã vứt mối tình với anh Hai nhẹ bẫng, như sẵn đống rơm thì vứt chiếc khăn tay có thêu hình đôi chim bồ câu vào đấy, ngang nhiên qua lại với người đàn ông vừa bỏ vợ. Lại là thầy giáo kèm cặp chị dâu chuyện học hành. Bệnh mù của Tư nặng hơn từ đó. Bà nội khóc lóc gọi thầy lang nhưng chẳng ích gì.
Tư, mày không lo cắt cỏ đi, ngồi thừ ra đó.
Lưỡi liềm lại loẹt xoẹt cắt vào đất. Giá mà cắt được sự ê chề, căm phẫn đang rối trong đầu Tư. Sau đám tang cha, nhà bây giờ chỉ còn Tư. Sự uất ức của Tư dồn xuống người đàn bà Tư phải gọi là chị dâu. Rớt xuống những xoắn xuýt lăng loàn trong biết bao đêm vụng trộm Tư thấy được.
- Anh đợi mòn mỏi giây phút này. Anh nhớ em quá.
- Từ từ đã anh. Mai mốt em ra Hà Nội học, mình sẽ không phải vụng trộm nữa.
Việc chị dâu Tư được phụ đạo trước khi chuyển ra Hà Nội học trung cấp cũng là cả một sự ngưỡng mộ của người làng, của dòng tộc. Chắc chắn còn là của anh Hai nữa. Lá thư nào biên về anh Hai cũng dặn dò Tư chu đáo với chị. Chị ra Hà Nội học, được về làm cán bộ. Cả họ nhà ta cũng sẽ được mở mày mở mặt. Tư ngậm ngùi gấp lá thư. Khóc không thành tiếng.
Đã có lúc Tư nghĩ đến việc giết người rồi đi tù mọt gông cũng cam. Phải băm vằm đôi gian phu dâm phụ ấy ra trăm ngàn mảnh cho hả giận. Nhưng đất nước đang cần anh Hai. Những nhơ nhuốc đàn bà ấy không đáng để anh phân tâm. Tư nghĩ đến phận cò. Con cò mù thì chỉ để làm mồi. Biết đâu thằng Tư mù này cũng có thể làm mồi cho một câu chuyện.
Nghĩ kỹ rồi thì làm. Tư làm bộ quờ quạng ra khỏi chỗ nấp, lững thững đi qua đống rơm, nơi đôi gian phu dâm phụ đang quằn quại rên xiết.
- Có tiếng người đó em, cẩn thận.
- Là thằng Tư, hắn bị mù. Không sao anh. Kệ đi.
Tư thấy chị dâu lập cập cài cúc áo. Sự lấm lét như hồi mới bước chân về nhà Tư không còn nữa. Chẳng ai thèm cảnh giác người mù.
- Con chào thầy Vỹ, ở nhà nóng quá con ra đình hóng mát tí.
- Mày thấy gì không mà chào tao, Tư?
- Con chỉ nghe tiếng động thôi, thầy ra đây ôn bài ạ.
- Ừm, phụ đạo thêm chuyên môn cho học trò. Mấy chốc ra Hà Nội lại theo không kịp các bạn.
- Hôm nay sáng trăng, tha hồ mà phụ đạo. Thầy kéo khóa quần lại rồi cứ tự nhiên ạ.
Tư thấy mình sao mà nhẫn nhịn. Cái sự giả mù của Tư đã có giá trị đúng lúc. Chỉ là đánh động thôi. Rồi chúng mày sẽ hiểu tao giả chết bắt quạ như thế nào. Tư nói nhỏ nhưng chắc đủ để người bên cạnh nghe thấy. Đôi gian phu dâm phụ mặt cắt không ra máu, lắp ba lắp bắp. Chuyện thầy giáo phụ đạo chuyên môn cho học trò vào ban đêm ở sân đình lan ra cả làng. Thiên hạ nửa tin nửa ngờ. Không ít kẻ ghét gia đình Tư nên bảo Tư ghen ăn tức ở, vu oan giá họa. “Tin gì cái thằng mù ấy, đồ ngậm máu phun người”. Cũng có người hiểu chuyện, chỉ trỏ trong bất lực. Bởi sự chỉ trỏ của người làng không làm chị dâu Tư sợ hãi. Đằng nào chả ra Hà Nội, xó làng này chỉ là chốn ao tù nước đọng, hơi đâu mà quan tâm.
Chú chỉ biết được cái khúc ở làng thôi Nam. Tiếng chú trầm và mỏng. Ở Hà Nội thế nào o Lý biết hết. O Lý thương ba cháu. Nói thật thì ngại điều tiếng. Không nói thì đau buốt lòng. Nên o cứ ở vậy, chẳng chịu lấy ai. Mà ba cháu chỉ có thể coi o như em gái.
Sống lưng Nam lạnh ngắt. Nam biết chú còn biết nhiều. Chuyện ở Hà Nội, o Lý không kể với chú thì kể với ai. Hai thân phận người cô độc. Đã bao lần chú Tư ao ước mình đừng què quặt để tự tin lau nước mắt cho người con gái ấy. Nhưng ông trời trêu ngươi, o Lý một lòng với anh Hai. Chú đành ngậm ngùi làm người nghe chuyện để o trút hờn tủi.
Cái Liên đe nẹt o khủng khiếp. Bảo mấy chuyện cô nhìn được ấy có kể cũng không ai tin. Cả làng này sẽ nói cô vì thương anh Hai nên đặt điều.
O Lý cay đắng nuốt nước mắt vào trong. Giận người đàn bà ấy một thì giận cuộc đời ngang trái này mười. Ông trời đùa dai quá nên mới có những cuộc người so le duyên phận. Tình yêu ba cháu dành cho mẹ là có thật, Nam ạ. Một tình yêu đẹp đẽ và đầy bao dung. Đã có lúc chú nguyền rủa ba cháu. Một người đàn ông hèn hạ, bạc nhược và thiếu bản lĩnh. Khi mẹ cháu kiên quyết đuổi ba đi. “Em yêu anh Vỹ. Chúng em sinh ra là để cho nhau. Không có anh ấy em không sống nổi”. Cháu có tin được đấy là lời của người vợ nói với chồng trong những ngày háo hức cắt phép về thăm nhà không. Nhưng ba cháu vẫn tin bằng tình yêu của mình có thể thức tỉnh được mẹ cháu. Biết đâu người đàn bà nhẹ dạ cả tin trong phút một mình bị người đàn ông từng trải dụ dỗ mà biến thành nạn nhân lúc nào không hay. Đó là cái lý của người đang tô hồng tình yêu nhưng chú không thể nào chấp nhận được. Chú đã giận ba cháu lắm thôi.
- Em cứ tin anh đi, rồi chị dâu sẽ quay về.
- Quay về để làm gì, khi thân xác nhơ nhuốc ấy đã bao lần xát muối vào danh dự gia đình mình...
Nhìn những giọt nước mắt của ba cháu, chú biết sự nóng giận lúc này là ích kỷ, hẹp hòi. Chú không thể sống thay ba cháu. Không thể đau thay ba cháu. Chú tập kiềm chế. Chú biết ơn ba vì chính ba đã dạy chú bài học về sự kiềm chế. Anh Hai ơi, cái khúc sông ấy sao mà sâu quá chừng.
Sau ngày tên Vỹ bỏ đi cưới vợ khác, mẹ cháu đã cố gắng để toàn tâm toàn ý cho gia đình này. Dẫu sự cố gắng ấy còn làm đau ba cháu một thời gian rất dài nữa rồi mới chấm dứt được. Âu cũng là số phận. Cháu đừng suy nghĩ nhiều nữa. Tất cả đã thuộc về quá khứ. Như vết dằm trong tim, trái gió trở trời thì đau chốc lát. Rồi cũng phải tự xoa dịu để sống. Chú mừng vì các cháu đều thành đạt. Không vì các cháu, ba cháu không sống nổi.
Đó là một câu chuyện dài, Nam.
Mẹ nói đứt quãng, nhưng rành rọt từng chữ một. Mẹ có lỗi với ba con, Nam. Đã có lúc Nam muốn câu chuyện của chú Tư chỉ là một câu chuyện. Là sự bịa đặt của chú như người làng đã có lúc nguyền rủa. Tin làm gì thằng Tư mù ấy. Nhưng mẹ đã công nhận. Tai Nam ù đi. Trước mắt Nam là mẹ. Là mẹ của Nam, mẹ của các em Nam. Nam không có quyền được phán xét. Nhưng Nam có quyền được biết. Nam, và các em Nam có phải là con ba không? Nỗi đau của ba xát muối trong tim Nam. Người ta có thể đau một lần. Ba đau một đời. Người ta đau muốn chết. Ba đau để sống. Bây giờ nhà cao cửa rộng, con cái đề huề, kinh tế khá giả. Ba đã sống bằng một cuộc đời khác. Ở đó không có mẹ. Ở đó không có Nam và các em Nam. Chỉ có nỗi đau bằng lặng như nắng, xôn xao như nắng, gay gắt như nắng... Đôi lúc ba làm thơ. Gặm nhấm lòng mình. Nam hỏi ba có giận mẹ không? Ba lắc đầu. Ở cái tuổi gần đất xa trời rồi, người ta sống bằng những chiêm nghiệm. Nam còn muốn hỏi thêm nữa. Rằng Nam và các em Nam có phải con ba không? Nhưng Nam không dám. Nam sợ ba đau.
Nhưng Nam làm sao hiểu được, ba đau đủ rồi. Khúc sông sâu ấy, ba qua được rồi. Dạo này ba cười nhiều hơn, chuyện với đồng đội cả ngày, bạn thơ phú tràn Facebook.
Đến một lúc nào đó, ngay cả sự rõ ràng người ta cũng không để tâm nữa thì còn sá gì đau đớn. Hay tại nỗi niềm kia đã hóa thạch mất rồi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.