NSND Bạch Tuyết: Ngày nào tiếng Việt còn thì cải lương còn

22/11/2021 14:15 GMT+7

Sự sống còn của nghệ thuật cải lương giữa thời đại công nghệ giải trí khắc nghiệt luôn là dấu hỏi lớn trong lòng công chúng. Với NSND Bạch Tuyết, bà tin tưởng rằng 'cải lương không thể chết'.

NSND Bạch Tuyết trải lòng về tương lai của nghệ thuật cải lương

NVCC

Tham gia sự kiện Bàn về văn hóa và giá trị căn tính Việt qua các thời kỳ cải lương, diễn giả - NSND Bạch Tuyết hé lộ nhiều góc nhìn thú vị về nghệ thuật cải lương. Từ thời kỳ thực dân xâm lược, cải lương đã được khai sinh để chống phá ngoại xâm trên mặt trận văn hóa. Ngoài ra, bộ môn này còn góp phần giữ gìn và bảo vệ văn hóa của dân tộc, tích cực tiếp thu và chọn lọc những khía cạnh đặc sắc của các nghệ thuật truyền thống khác.

Đặc biệt, nữ nghệ sĩ cũng thẳng thắn nêu quan điểm về tương lai của bộ môn này giữa thời đại công nghệ giải trí số. Giọng ca Đời cô Lựu chia sẻ: “Âm nhạc của mỗi một dân tộc nói lên tiếng lòng của dân tộc và là bản sắc của dân tộc đó. Cải lương là tiếng Việt thì làm sao cải lương mất được. Nhưng cải lương không phải lúc nào cũng sừng sững, cũng phải trôi theo dòng đời với những biến chuyển thăng, trầm. Ngày nào còn người Việt, còn tiếng Việt thì cải lương vẫn thế. Nhưng có khi mùa xuân thì người ta nhớ đến nó, có khi lại là mùa hạ…”.

NSND Bạch Tuyết tin tưởng nghệ thuật cải lương sẽ tiếp tục phát triển nếu được đầu tư, làm mới và có đề tài bám sát thời đại

CHỤP MÀN HÌNH

Tuy nhiên, để thực sự được “nhớ”, nghệ thuật cải lương cần có sự cải tiến và “chủ động tìm khán giả”. Lý giải về quan điểm này, nghệ sĩ Bạch Tuyết cho rằng: “Cải lương phải mới, nếu cứ giữ nguyên theo quan điểm cổ hủ là giết chết nó. Cải lương rất cần những vở diễn đề cập những vấn đề “sát sườn” với thời đại. Về điều này, thế hệ trước đây đã làm rất tốt. Thời kỳ Mỹ đến Sài Gòn, lập ra hàng loạt quán bar, thế là đoàn Dạ Lý Hương có ngay tuồng Gái bán bar. Từ khi có phong trào Hippie, đoàn này cũng cho ra đời vở Thảm kịch tuổi xanh. Thời điểm phụ nữ lấy chồng xa xứ, tha phương cầu thực thì có ngay vở Lấy chồng xứ lạ, Nửa đời hương phấn… Khán giả ùn ùn kéo đến xem vì chuyện đó “nóng”, xem nhân vật giải quyết vấn đề thế nào. Một vở cải lương hay thậm chí có thể thay đổi quan điểm của công chúng”.

So sánh với thời đại hiện nay, NSND Bạch Tuyết thừa nhận cải lương đã phần nào mất đi sự quan tâm của đông đảo công chúng. Bởi lẽ, trước sự bộn bề và bức bối trong xã hội, cải lương đã không “dính líu” và đáp ứng được khát vọng, tiếng nói của thời đại. Điều tất yếu để đưa nền nghệ thuật này trở lại chính là tập trung xây dựng nội dung. Ngoài ra, việc hội nhập và kết nối với những loại hình nghệ thuật khác một cách có chừng mực cũng tạo được sự chú ý của khán giả.

NSND Bạch Tuyết chỉ ra những hạn chế của nghệ thuật cải lương giữa thời đại công nghệ giải trí số

CHỤP MÀN HÌNH

“Tôi từng thử nghiệm khi kết hợp cải lương với rap, nhạc trẻ để theo kịp thời đại. Loại hình nghệ thuật nào cũng có thế mạnh riêng. Chúng càng được yêu mến hơn khi nội dung chia sẻ và khai thác những góc nhìn nhân văn trong xã hội. Nghệ thuật vị nhân sinh là vậy. Tôi từng cover bài Lạc (Rhymastic) theo phong cách cải lương vì nó rất đời, kể về những mảnh đời “đầu đường xó chợ”. Bài rap đã khiến tôi xúc động và xin phép sử dụng ngay. Vì đề tài “sát sườn", nội dung thực tế nên ca khúc được khán giả trẻ quan tâm và phản hồi tích cực”, bà phân tích.

Bên cạnh đó, NSND Bạch Tuyết cũng cho biết cải lương hiện đang thiếu sự kết nối giữa các thế hệ. Điều bà mong muốn chính là bộ môn này có nơi để mọi người tìm đến nghiên cứu và trao đổi về cả góc nhìn nghệ thuật lẫn học thuật. “Nếu có một Viện Hàn lâm Nghệ thuật cải lương Việt Nam, chúng ta sẽ có chỗ để nói chuyện, bàn luận. Từ đó, những người trẻ mới có điều kiện phát huy tài năng, giúp cải lương tồn tại một cách đàng hoàng trong thời đại của họ”, nữ nghệ sĩ gạo cội bày tỏ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.