* Chào NSND Lê Khanh! Sau khi xem xong Gái già lắm chiêu 3, cô nghĩ mình hoàn thành vai Thái Tuyết Mai như thế nào?
- NSND Lê Khanh: Tôi thực sự rất vui. Nhiều năm rồi mới quay trở lại điện ảnh và theo đuổi một dòng phim của thế hệ mới, tôi cũng hồi hộp, không biết mình là người của thế hệ trước thì có hòa nhập được phong cách, tiết tấu của phim thời hiện đại hay không. Nhưng khi xem tổng thể phim thì tôi có thể yên tâm. Vì tôi nghĩ người ta có thể tin được nhân vật ấy có đời sống thật của nó chứ không có cảm giác là một người phải biểu diễn.
Trong phim các bạn diễn viên trẻ như Lan Ngọc, Xuân Tiền, Phương Lan… đã từng cộng tác với nhau trước đó rồi, cho nên họ có mối quan hệ gắn kết, hiểu nhau. Từ mối quan hệ thân thiết đó, nó kéo thêm người mới vào guồng quay. Tôi không biết khán giả xem sẽ cảm thấy như thế nào nhưng khi xem lại, tôi cảm giác đó như cuộc sống của mình vậy. Đó là một tín hiệu vui. Bởi nghệ thuật hiện đại không phải thiên cưỡng mà phải hồn nhiên như cuộc sống vậy, diễn như chơi ấy.
* 20 năm trở lại với điện ảnh, cô gặp áp lực hay khó khăn gì?
- Tôi làm nghề chuyên nghiệp rồi nên áp lực của 20 năm thì hầu như không hiện diện. Nhưng áp lực để xây dựng một nhân vật mới thì có. Ở sân khấu, dạng vai như bà Thái Tuyết Mai trong Gái già lắm chiêu 3 thì tôi đã làm nhiều rồi bởi tôi có nhiều cơ hội để thử sức ở nhiều nhân vật có tính cách, lý lịch khác nhau. Nhưng với điện ảnh, sự chân thật phải có giới hạn. Đây là vai diễn hoàn toàn mới của tôi trong sự nghiệp điện ảnh. Tôi phải khéo léo trong diễn xuất bởi nếu không cẩn thận, sai một ly thì sẽ dễ mang tính sân khấu. Cái tính sân khấu, hấp dẫn theo kiểu hình thức ở phim này rất nhiều nên phải diễn khéo để mọi người không nghĩ là mình diễn mà đó là đời sống thật sự.
|
* Thái Tuyết Mai trong Gái già lắm chiêu 3 là một nữ minh tinh nhiều năm rời showbiz. Điều đó giống với câu chuyện của chính NSND Lê Khanh. Phải chăng cô mang tâm lý của một người nghệ sĩ vắng bóng trên màn ảnh rộng vào phim?
- Đây là một câu chuyện đặc biệt được lặp lại lần thứ hai trong sự nghiệp làm điện ảnh của tôi. Đó là đạo diễn “đo ni đóng giày" trên cơ sở diễn viên của mình. Lần thứ nhất là phim Chiều mùa hè thẳng đứng của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng. Thậm chí, ở bộ phim đó, khi đạo diễn hỏi tôi muốn lấy tên nhân vật là gì, tôi đã lấy tên Khanh để không có ranh giới của người diễn viên với nhân vật. Tôi muốn trong tác phẩm ấy phải hòa quyện diễn viên và nhân vật làm một. Và phim Chiều mùa hè thẳng đứng đã làm được điều đó. Lần thứ hai này, khi Bảo Nhân và Namcito đặt vấn đề với tôi về phim, nếu như tôi nhận lời, cậu ấy sẽ xây dựng nhân vật có gì đó một phần trong con người của tôi, sự nghiệp của tôi. Chính vì thế nên mọi thứ rất gần gũi.
* Nhiều khán giả thắc mắc về lý do NSND Lê Khanh vắng bóng trên màn ảnh rộng suốt 20 năm qua. Cô có thể chia sẻ về điều này?
- Sự nghiệp nghệ thuật của tôi khá đặc biệt. Với điện ảnh cứ vô tình theo chu kỳ 10 năm. Tôi làm điện ảnh và sân khấu từ nhỏ. Nhưng bắt đầu đóng những vai có tư thế của người con gái trưởng thành là năm tôi 15 tuổi. Đến năm 15 tuổi rưỡi, tôi đầu quân vào Nhà hát Tuổi Trẻ, với một kỷ luật rất nghiêm, tức là tôi phải dừng lại sự nghiệp điện ảnh, chỉ tập trung xây dựng phong cách sân khấu chuyên nghiệp. Và tôi từ chối với điện ảnh đúng 10 năm xuân sắc nhất. 10 năm sau, vào năm 1988, tôi quay lại làm ào ạt, liên tục và giai đoạn đó, tôi phải sống ở Sài Gòn. 10 năm sau, điểm kết là phim Chiều mùa hè thẳng đứng, sau đó, trào lưu phim đi xuống và bắt đầu thay thế bằng thể loại nghệ thuật khác là các video âm nhạc. Tôi thấy thị trường phim bắt đầu thoái trào thì tôi trở về với sân khấu, đợi chờ những tác phẩm phù hợp. Và tôi mải miết làm với sân khấu, nó cuống tôi vào vì dự án sân khấu rất hấp dẫn. Cho đến khi Bảo Nhân gọi điện nói với tôi rằng đã 20 năm rồi đấy, tôi mới bất ngờ.
|
* Cô thấy làm phim thời đó với bây giờ có gì khác nhau? Theo cô, làm phim ở giai đoạn nào khó hơn?
- Mỗi thời sẽ có một cái khó khác nhau. Ngày xưa thì chỉn chu, chuẩn mực và đôi khi mô phạm theo kiểu lý thuyết phim, săn bắt một cái cận 3 ngày, săn bắt một buổi hoàng hôn hay bình minh 5 ngày, đúng khẩu độ ánh sáng ấy, kỹ thuật ấy thì phim mới được công nhận, trình chiếu, không thì phải làm lại. Bây giờ thì tuyệt vời quá vì điều kiện làm phim, máy móc hiện đại và cái hạnh phúc nhất là người diễn viên được nói bằng tiếng thật của mình, không phải lồng tiếng. Lồng tiếng có nhiều cái bất cập, đôi khi mình diễn một đằng nhưng lồng tiếng lại sang một nhân vật khác, nó giới hạn nhiều về tính chân thật, cảm xúc của diễn viên và nhiều khi nó như diễn kịch vậy. Bây giờ thì đủ mọi thứ, rất chuyên nghiệp.
Điểm đặc biệt bây giờ là phần quảng cáo. Bao nhiêu nỗ lực làm phim mà cứ để mọi thứ tự nhiên diễn ra, cứ nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương" nhưng không có gì là tự nhiên cả nếu không chăm chút, quảng bá và không gây hiệu ứng để mọi người chú ý thì người ta sẽ quên ngay trong cuộc sống bề bộn này. Và phim bây giờ đề cao tính hấp dẫn, về âm thanh, yếu tố nhìn và tư tưởng. Các phim ngày hôm nay làm được điều đó, tôn trọng tính giải trí, tôn trọng nhu cầu của khán giả và được làm nhiều đề tài mình thích.
|
* Ngày xưa, khi điều kiện làm phim không có, cô có kỷ niệm nào về sự thiếu thốn khi thực hiện một bộ phim?
- Thời ấy ăn thì đói lắm, gặp gì ăn nấy. Năm 1978, tôi đóng phim cách mạng, vào vai thanh niên xung phong phải ăn bột mì luộc mà nhân là lá sắn xào. Nơi ăn chốn ở thì dựng lán dựng trại chứ không phải ở khách sạn sang trọng, đầy đủ tiện nghi và có trợ lý như bây giờ. Còn về kỹ thuật, chỉ cần hỏng một cái là mất hết. Vừa mất tiền mà còn mất thời gian để quay lại nữa. Ngày xưa làm một bộ phim lâu lắm. Cái đáng sợ nhất là chỉ cần sai lầm nhỏ thôi cũng sẽ mất mạng. Có khá nhiều bộ phim tôi may mắn lắm mới thoát nạn. Điều tôi đang nói đến là điều kiện an toàn khi đóng phim, thời đó ở Việt Nam thì hạn chế.
* Cô có thể kể lại một lần suýt mất mạng của mình khi quay phim?
- Ví dụ như cảnh quay của tôi một bộ phim mà tôi nhận giải diễn viên điện ảnh xuất sắc nhất. Đó là cảnh phải chèo thuyền thúng ra sông, mà phải làm thế nào đấy để thuyền lật úp xuống, hàng trăm cái nón nổi lênh đênh trên mặt nước để đối trọng với số phận của người con gái. Lúc đó cần có một hiệu ứng là chiếc tàu lớn đi ngang qua, đối trọng với cái thúng nhỏ, mong manh của người phụ nữ. Tôi làm đúng như yêu cầu của đạo diễn, nhưng đúng lúc đó chiếc tàu lớn đến và cứ hút tôi vào. Đó là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi.
* Cảm ơn những chia sẻ của cô!
Bình luận (0)