NSND Trần Hạnh: Anh thợ đóng giày thành nghệ sĩ của nhân dân

04/03/2021 15:06 GMT+7

Từ một người thợ đóng giày, NSND Trần Hạnh đã trưởng thành để trở thành diễn viên kịch nói và sau đó là diễn viên phim điện ảnh , truyền hình.

Những vai diễn của ông đi vào lòng người để cái tên Trần Hạnh trở thành người nghệ sĩ của nhân dân.

Nhiều năm trước, người viết có dịp trò chuyện với NSND Trần Hạnh, nghe ông chia sẻ về tình yêu của mình với nghệ thuật, mà trước tiên là sân khấu kịch.

Ông kể lúc sinh thời, ông từng làm nghề đóng giày, đến tối về thì đi tập kịch của Câu lạc bộ Thanh Niên ở hồ Thiền Quang. Có lần, một người anh trong đoàn bảo giới thiệu ông về Đoàn kịch Hà Nội làm cho đỡ vất vả, lại có lương.

Đôi mắt ông bỗng sáng lên khi nhắc lại kỷ niệm ngày xưa: “Trong vở tôi đóng Nguyễn Trãi, chúng tôi diễn tưng bừng lắm, vào tận mặt trận Quảng Trị diễn cho bộ đội xem trước khi vào Nam cơ mà. Mà hồi đấy khán giả đi xem kịch ở rạp cũng đông vui lắm, hơn bây giờ nhiều. Anh em trong đoàn chỉ có tiêu chuẩn cách ngày mới được mua 1 vé. Thế là đành xin suất của nhau nếu muốn mua 1 đôi vé mời bạn thân”.

Nghệ sĩ Việt tiếc thương khi hay tin NSND Trần Hạnh qua đời

Ông nhớ mỗi buổi diễn kịch được bồi dưỡng khi thì 4 hào, 6 hào, rồi cứ tăng dần lên thành 8 hào, rồi 1 đồng 2, mà hồi đó, 6 hào là đã mua được bát phở.

Thành công trong nghiệp sân khấu của ông phải kể đến 2 huy chương vàng với vai Nguyễn Trãi trong vở kịch thơ Lam Sơn tụ nghĩa, rồi vai Vũ Kiêm trong Tiền tuyến gọi. “Hồi đấy, được huy chương nhưng nào có tấm huy chương gì, cũng chẳng được tiền thưởng", nghệ sĩ Trần Hạnh kể lúc sinh thời.

Cuộc sống của một nghệ sĩ kịch nói thời đó còn nhiều khó khăn. Vậy nhưng, chẳng phải vậy mà nghệ sĩ như ông lại bớt đi lửa nghề. Năm 1989, ông 60 tuổi, về hưu theo quy định. Nhưng khi không tiếp tục đứng trên sân khấu kịch, ông lại tham gia đóng phim. Đó cũng là thời điểm phim truyền hình bắt đầu bước chuyển mới.  

Khán giả của thập niên 90 và sau này vẫn nhớ nhiều những vai diễn của ông trên màn ảnh nhỏ. Trong đó, dù không phải là những vai diễn chính, nhưng ông vẫn luôn cho thấy sự gần gũi, thân thương, diễn mà như không diễn của mình.

Ông để lại trong lòng khán giả những vai diễn nông dân, người cha, hay người ông có phần khắc khổ, nhưng lại rất đỗi nhân hậu. Ở ngoài đời, trò chuyện với ông thấy ông giản dị và gần gũi, chẳng khác nào những vai diễn trong phim.

Ông từng được trao giải thưởng Cống hiện tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 11 với vai diễn trong bộ phim truyền hình Ngõ lỗ thủng.

Trong Liên hoan phim Việt Nam năm 1996, ông được nhận giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc với vai diễn trong bộ phim Nước mắt đàn bà.

Lúc sinh thời, ông hay nhắc lại kỷ niệm vui: “Tôi ở bên sân khấu nên lúc trao giải ở rạp Tháng Tám chả thấy ai báo cho tôi cả. Tôi đi làm phim với bà Bạch Diệp (đạo diễn - PV), bà hỏi tôi sao được nhận trao giải mà không đi nhận, ông Khắc Lợi (đạo diễn - PV) đã nhận hộ rồi.

Lúc tôi lên gặp ông Khắc Lợi, tôi bảo phim Nước mắt đàn bà thì phải trao giải cho nữ, chứ sao lại cho tôi. Ông ấy bảo, người ta tính là cả quá trình công tác của tôi chứ không chỉ riêng phim này. Ông ấy hỏi: thế cậu nhận hay đem trả nào? Tôi nhận chứ, được thưởng những 500.000 đồng mà, hồi đấy số tiền này mua được cả chiếc xe đạp, nhưng tôi đem về đi liên hoan với anh em, rồi đưa hết cho vợ”.

Trần Hạnh vẫn cứ hồn nhiên, hồn hậu như vậy, dù cuộc sống của ông cũng có phần khắc khổ như những vai diễn của ông trên phim...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.