NSƯT Thoại Mỹ: Thấy bị xúc phạm khi công chúng cười cợt nói 'sến như cải lương'

10/01/2020 06:43 GMT+7

Nghệ sĩ Thoại Mỹ đã có những trải lòng về nghề trong chương trình Chuyện của sao . Cô cũng lên tiếng phản ứng khi nhiều người mang loại hình nghệ thuật này ra giễu cợt.

Sợ gây phản cảm cho khán giả khi hóa thân “đào trẻ”

Với hơn 30 năm hoạt động trên sân khấu cải lương, NSƯT Thoại Mỹ ghi dấu ấn trong lòng người mộ điệu với nhiều vai diễn lớn nhỏ khác nhau. Cô là nữ nghệ sĩ hiếm hoi có thể "chinh chiến" với mọi loại vai diễn: đào thương, đào đẹp, đào lẳng, đào độc và không bao giờ rập khuôn ở một dạng vai sở trường. Từ trước đến nay, nghệ sĩ đóng vai phản diện dễ bị khán giả “ghét lây”, vì thế nhiều người thường đóng “đào thương” để gây cảm tình với người xem. NSƯT Thoại Mỹ trái ngược hẳn. Cô luôn thích đóng những vai có tính cách lăng loàn, trắc nết. Nữ nghệ sĩ nhớ mãi lời người thầy của mình từng nói: “Khán giả chửi tức là vai diễn thành công”. Vì vậy, dù gặp nhiều tình huống “dở khóc dở cười", thậm chí là bị khán giả chửi thẳng mặt: “Con quỷ kia ác dễ sợ", nữ nghệ sĩ cảm thấy hạnh phúc vì đã hóa thân vào vai diễn thành công.

Nữ nghệ sĩ không ngại thử sức ở nhiều vai diễn khác nhau, thậm chí là vai ác

Ảnh: BTC

NSƯT Thoại Mỹ tâm sự để hóa thân biến hóa nhân vật đa dạng, cô luôn quan sát các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống hay trên phim ảnh. Nhưng thay vì diễn 10 phần, cô chỉ diễn 5 - 7 phần bởi muốn tuyên truyền những điều tốt đẹp, tích cực đến khán giả. Giọng ca cải lương đình đám tâm sự: “Khi xem người khác đóng vai ác, tôi cũng chửi nhưng sau đó tấm tắc khen vì họ đóng quá đạt. Tôi học hỏi cách họ diễn ác chứ không học tính ác để mang ra ngoài đời”, nữ nghệ sĩ cho biết.
Gai góc trên sân khấu là thế, nhưng Thoại Mỹ không sợ “vai diễn vận vào cuộc đời”. Cô tâm sự: “Tôi quan sát có người hay đóng cảnh khổ, khóc lóc, bị đánh, chửi bới nhưng cuộc sống của họ ngoài đời lại hạnh phúc, thoải mái, không buồn đau. Nhưng cũng có người chuyên diễn “ông hoàng bà chúa” thì sống rất khổ”. Ở thời điểm hiện tại, NSƯT Thoại Mỹ cho biết cô thấy bản thân không còn phù hợp khi đóng những vai “đào trẻ”: “Trên sân khấu, tôi gần sáu mươi tuổi nhưng vẫn tự tin diễn vai mười mấy tuổi bởi sân khấu có hiệu ứng, kỹ xảo, tôi biết phát âm cho giọng nghe trẻ hơn. Nhưng nếu tôi quay hình video, tôi sợ gây phản cảm cho người xem”.

NSƯT Thoại Mỹ sợ gây phản cảm cho khán giả khi hóa thân “đào trẻ”

Ảnh: BTC

“Cải lương có mất dần sân khấu nhưng sẽ không bao giờ chết”

Bên cạnh việc đi diễn, nghệ sĩ Thoại Mỹ còn gây chú ý khi tham gia nhiều chương trình cải lương trong vai trò huấn luyện viên. Chia sẻ về lý do nhận lời ngồi ghế nóng các chương trình này, nữ nghệ sĩ tâm sự cô mong muốn lan tỏa tình yêu cải lương, cũng như những loại hình nghệ thuật xưa cổ, đến với nhiều người trẻ hơn nữa. Thoại Mỹ cho biết lớp trẻ không chỉ yêu thích cải lương mà còn giỏi trong việc nghiền ngẫm tự học, nắm bắt cơ hội thi gameshow. Chính vì thế, đôi khi cô cảm thấy cần phải học tập lớp trẻ: “Sân khấu cải lương dần vắng bóng, vì thế các nghệ sĩ trẻ nếu đi hát chỉ có thể hát ở đám tiệc. Nhưng các bạn trẻ hiện rất có năng lực, lại nhạy bén, nên dù chưa đến được sân khấu lớn, diễn trọn vẹn một nhân vật nhưng đã biết nghiền ngẫm, tham gia các gameshow. Bản thân là huấn luyện viên, tôi và nhiều nghệ sĩ khác phải học ngược lại các bạn. Chúng tôi phải chạy theo để học những cái mới mẻ, hiện đại, chứ không thể nằm mãi một chỗ”.

NSƯT Thoại Mỹ khẳng định cải lương phải diễn “lố” nhưng không “sến”

Ảnh: BTC

Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngoài xã hội vẫn có một số người không hiểu, chuyên bài xích, châm biếm cải lương. Trước việc dư luận thường cho là các nghệ sĩ cải lương dù bị bắn vào tim vẫn phải ca vài câu trước khi chết, Thoại Mỹ giải thích: “Cải lương đặc trưng là mang tính ước lệ cao, diễn cổ trang phải phá cách và “lố” để khán giả có cái xem. Trong cải lương, nhân vật trước khi chết thường hát vọng cổ trao đi tình cảm, chứ thực tế ở ngoài bị đâm vào tận tim làm sao hát được câu vọng cổ dài hơi”.
Đồng thời, Thoại Mỹ cũng thể hiện quan điểm trước việc công chúng mặc định “cải lương là sến”: “Cuộc sống đời thường còn bi đát hơn vai diễn. Trong các vở cải lương, ông hoàng, bà chúa phải mặc đồ màu mè sặc sỡ. Mọi người cứ thấy nghệ sĩ diện quần áo màu sắc thì nói đó là “cải lương”. Cách nói đùa vui đúng chỗ là dễ chịu, còn nếu nói không đúng, bản thân nghệ sĩ sẽ thấy bị xúc phạm”.
Kết thúc Chuyện của sao, NSƯT Thoại Mỹ khẳng định “cải lương có mất dần sân khấu nhưng sẽ không bao giờ chết”. Những người từng tẩy chay nếu có cơ hội tiếp xúc sẽ thấy gần gũi, “mê” cải lương lúc nào không hay. Bởi những vở diễn ngày càng gần gũi đời sống, giúp khán giả hiểu, xúc động, đến với cải lương tự nhiên hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.