Nếu trong Gái già lắm chiêu V (đạo diễn: Bảo Nhân - Nam Cito), chiếc Phượng bào - báu vật quý giá nhất của Lý gia đã cho ba chị em họ Lý sống cuộc đời vương giả, nhưng cũng chính nó đã đẩy Lý Lệ Hà vào ngõ cụt của sự tuyệt vọng…, thì ngoài màn ảnh, Phượng bào đã được NTK Trisha Võ – con gái và là người kế nghiệp NTK Liên Hương xem như tác phẩm để đời trong sự nghiệp thiết kế của mình.
|
Thử thách bản thân với Phượng bào
*Cái duyên giữa chị - một NKT trẻ với Phượng bào – trang phục Hoàng gia nhà Nguyễn bắt đầu như thế nào?
-NTK Trisha Võ: Khi Gái già lắm chiêu 3 ra mắt, ê kíp đạo diễn Bảo Nhân đã có kế hoạch cho những phần sau và đã liên hệ với tôi từ rất sớm. Sau đó anh Nhân có gửi cho tôi hình ảnh của Phượng bào và hỏi tôi có thể nhận dự án này không. Tôi nghĩ, Liên Hương từng phục chế Phượng bào rồi, có kinh nghiệm rồi nên tôi không từ chối. Đây cũng là thử thách đối với bản thân – một nhà thiết kể trẻ như Trisha.
*Từ hình ảnh đến sản phẩm lung linh trên phim, lại là một dạng thức trang phục của bậc cao quý triều đình, hẳn là một quá trình không đơn giản?
-Thương hiệu Liên Hương 27 năm qua có lẽ sẽ kiểm chứng cho sản phẩm hôm nay. Dù việc phục chế trong khả năng của chúng tôi, song trong quá trình thực hiện, thời gian dành cho việc đọc – nghiên cứu cũng mất 5, 6 tháng.
Bởi khi nhận dự án này, tôi buộc phải đọc – tìm hiểu – nghiên cứu rất nhiều tài liệu. Sau đó tôi mới dám ký hợp đồng. Tôi rất cảm ơn đạo diễn Bảo Nhân đã cung cấp cho tôi những kiến thức lịch sử bên cạnh tài liệu anh chia sẻ, cùng người tư vấn cho tôi trong quá trình thực hiện, dĩ nhiên, là mẹ mình – NTK Liên Hương (cười).
|
*Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn các công đoạn thực hiện?
-Chiếc áo này thời xưa làm làm từ tơ, tôi thay thế bằng đũi, dệt tay, rồi nhuộm thủ công 4 lần, cho ra 4 màu vàng khác nhau; sau đó đạo diễn chọn màu ổn nhất đảm bảo vẻ đẹp –độ bắt mắt khi lên phim. Vì chất liệu này nên chúng tôi không dùng máy may công nghiệp ngày nay được mà phải may bằng máy thủ công - đạp chân, bởi nghệ nhân có kinh nghiệm hơn 20 năm của Liên Hương – Ngọc Thủy. Chỉ màu tôi dùng chỉ tơ tằm của Việt Nam cùng với chỉ vàng của Nhật (thêu các chữ trên áo).
Họa tiết trên áo tất nhiên toàn bộ được thêu tay, với lối thêu ka-tê (của Nhật), tốn thời gian nhiều gấp 3 lần lối thêu tay bình thường (mất 3 tháng hoàn thành).
Về kích thước áo, tôi có sự nghiên cứu để các tỉ lệ cân đối, hợp lý với chiếc Phượng bào.
*Chị cảm nhận thế nào khi nhìn thấy tác phẩm của mình trên phim?
-Thật sự xúc động, cả phim nói chung chứ không riêng vì chiếc Phượng bào của mình. Trong phim, chiếc Phượng bào được đấu giá trên 30 triệu đô, là linh hồn của Lý gia nói chung và của Lý Lệ Hà, nó cũng là “nhân vật” xuyên suốt phim khiến 3 chị em họ Lý vướng vào màn gia đấu đầy nước mắt… Tôi thấy thật sự xứng đáng với tâm sức mà chúng tôi bỏ ra.
|
*Còn giá trị… vật chất?
(Cười)… Chắc là vô giá. Quả thật ai mời tôi thực hiện chiếc thứ hai chắc là tôi không dám nhận.
Trong quá trình quay phim, đã có một đơn vị ở Huế muốn đặt chúng tôi thiết kế một chiếc Phượng bào để trưng bày, sau đó một người ở Hà Nội (được diễn viên trong đoàn phim giới thiệu) muốn đặt chiếc áo như vậy, dù chưa biết họ dùng cho mục đích gì nhưng vì sự kỳ công lẫn đầu tư mọi mặt cho nó nên tôi cũng xin được từ chối luôn.
*Phượng bào sau khi hoàn thành “vai diễn” trong phim sẽ được sử dụng ra sao?
-Trước mắt, đoàn phim dùng để quảng bá cho bộ phim, sau đó, chiếc áo sẽ do đạo diễn toàn quyền sử dụng. Tôi được biết ảnh muốn đóng góp chiếc Phượng bào này thành phố Huế, gắn với điểm đến mà phim từng quay nhằm quảng bá văn hóa – du lịch. Tôi thấy hãnh diện vì điều đó. Và thấy mình may mắn khi được mẹ và đạo diễn hỗ trợ nhiều về kiến thức văn hóa, lịch sử trong quá trình làm nên chiếc Phượng bào này.
Hiện đại thế nào vẫn giữ nét truyền thống của Liên Hương
*Vai trò cụ thể của chị trong thương hiệu vốn đã nổi tiếng như Liên Hương?
-Tôi là giám đốc nghệ thuật của Liên Hương. Dù học nước ngoài về, tôi luôn tôn trọng việc dung hòa giữa truyền thống và hiện đại. Trên các mẫu thiết kế, dù hiện đại, sáng tạo thế nào thì với áo dài Liên Hương, vẫn giữ phom dáng truyền thống, chiếc quần không trên mắc cá, chiếc áo không bó quá cũng không rộng quá, vẫn giữ tà bắc (luôn bằng tay, nhằm tạo độ úp – khép của 2 tà áo khi mặc). Chúng tôi chỉ làm mới trên hoa văn, màu sắc.
Tôi cũng giúp mẹ nhiều trong việc tiết kiệm thời gian – áp dụng kỹ thuật, công nghệ vào nhiều hơn. Nếu ngày xưa tất cả mẹ phải làm bằng tay thì nay sức lao động được giải phóng nhiều hơn. Cái khó nhất, thử thách nhất của tôi chính là làm làm mới mà vẫn giữ vẻ đẹp truyền thống của áo dài Liên Hương.
|
|
*Ở Nhật, khi du khách thuê Kimono để mặc, họ được hướng dẫn rất kỹ cung cách khi khoác lên người chiếc áo ấy – lưng thẳng ra sao, bước đi thế nào, không được cười hở răng… Chị nhắc nhiều về yếu tố truyền thống, không biết khách hàng của Liên Hương được tư vấn ra sao khi may - mặc?
-Ngoài sự tư vấn, gợi ý cho khách để có thể chọn cho mình bộ áo dài phù hợp, chúng tôi cũng có những nguyên tắc chung khi thiết kế sản phẩm của mình: không được mỏng quá – không để lộ nội y, tà áo không dài lếch thếch – ít nhất phải cách mặt đất 2-3 phân… Tác phong cũng quan trọng không kém, khi mặc áo dài lên người, chúng ta hẳn tự biết ý thức hơn cách giao tiếp, đi đứng, nói cười, ăn uống… Tất cả những nguyên tắc này tôi dường như được thẩm thấu từ bé, qua tình yêu lẫn sự trân trọng nghề nghiệp của mẹ mình…
*Nhắc đến mẹ - NTK Liên Hương, chị có thể chia sẻ rõ hơn vì sao chị chọn trở về Việt Nam kế nghiệp khi đã du học và làm việc trong ngành thời trang ở Canada?
-Từ khi còn du học, mỗi lần mẹ tôi có chuyến lưu diễn nước ngoài đều rủ con gái đi cùng, từ giao lưu văn hóa ở các nước hay chương trình Duyên dáng Việt Nam ở Anh và Khát vọng trẻ ở Ukraine... Tôi nhớ mãi chương trình Khát vọng trẻ ở Ukraine mà Báo Thanh Niên tổ chức năm 2013, khi các hoa hậu và người đẹp Việt Nam cùng Ukranie trong tà áo dài Liên Hương bước ra sân khấu, tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt, kết show rồi mà những âm thanh tán thưởng ấy vẫn cứ vang lên. Thật sự, lúc đó, cảm xúc tự hào và xúc động dấy lên mạnh mẽ trong tôi. Từ chương trình "tháp tùng" với mẹ lần đó, tôi quyết định sẽ trở về để tiếp tục phát triển sự nghiệp mà mẹ đã gầy dựng. Liên Hương đã đến với công chúng 27 năm rồi, và tôi muốn thương hiệu áo dài này tồn tại nhiều chục năm hơn nữa, bền lâu hơn nữa cùng vẻ đẹp và nét duyên của người phụ nữ Việt Nam.
|
|
|
*Mẹ là người thế nào đối với chị?
-Mẹ như một người thầy, người bạn của tôi. Tôi cũng thấy may mắn khi mẹ đã cho mình du học từ sớm. Còn trong công việc, mỗi người một khâu, tôi đảm trách khâu thiết kế, mẹ thì chuyên kỹ thuật phom dáng và đối ngoại – giao tiếp khách hàng; chúng tôi luôn tôn trọng vị trí công việc của nhau khi phối hợp (cười). Tôi vẫn còn phải học hỏi nhiều từ mẹ, trong mọi mặt.
Cảm ơn NTK Trisha Võ đã chia sẻ!
Bình luận (0)