Các bác sĩ của Khoa Ngoại theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, vừa phẫu thuật thành công lấy u phổi có kích thước lớn cho nữ bệnh nhân 64 tuổi ở Thái Nguyên.
Bệnh nhân cho biết phát hiện có khối u phổi từ khoảng 1 năm trước, nhưng cho rằng khối u nhỏ, không gây khó chịu gì nên khi đó từ chối điều trị. Gần đây, bệnh nhân có triệu chứng khó thở tăng dần nhưng vẫn chần chừ đi khám, đến khi sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, sụt 5 kg nên đến viện.
Tại Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy lồng ngực phải bệnh nhân có khối đặc kích thước 20 x 15 cm đè xẹp phổi, thâm nhiễm trung thất, thành ngực. Kết quả giải phẫu bệnh tư sinh thiết khối u xác định, đây là u xơ đơn độc.
Bệnh nhân sau đó được chỉ định phẫu thuật điều trị khối u, với đánh giá phẫu thuật khó khăn do bệnh nhân gầy yếu, kích thước khối u lớn chiếm gần hết khoang lồng ngực. Khối u có nhiều mạch tân tạo, dễ gây chảy máu.
TS-BS Phan Lê Thắng, Trưởng khoa Ngoại theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, cho biết, kíp phẫu thuật đã hội chẩn tính toán kỹ trước mổ. Khối u giàu mạch nuôi nên phẫu thuật viên phải phẫu tích tỉ mỉ, tìm và khống chế nguồn nuôi để đảm bảo an toàn cuộc mổ và hạn chế mất máu cho bệnh nhân.
Ca mổ được thực hiện thành công, khối u lấy ra có trọng lượng hơn 2 kg. Bệnh nhân không phải truyền thêm máu dự trù, hồi phục tốt, được rút dẫn lưu màng phổi ngày thứ 3 sau phẫu thuật, ra viện sau 5 ngày.
Theo đánh giá của bác sĩ Thắng, trường hợp khối u kích thước lớn này khá hiếm gặp, việc bệnh nhân để lâu không điều trị không chỉ khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn mà còn có nguy cơ bệnh biến chuyển ác tính, ảnh hưởng tính mạng. Vì vậy, khi có chỉ định điều trị, bệnh nhân không nên bỏ lỡ "thời gian vàng" chữa bệnh.
U xơ đơn độc màng phổi là một loại khối u hiếm gặp, phát sinh từ tế bào trung mô của màng phổi. Phần lớn u xơ đơn độc màng phổi là lành tính tuy nhiên khoảng 12 - 22% trường hợp có thể trở thành ác tính.
Triệu chứng u xơ đơn độc màng phổi thường không rõ ràng và chỉ xuất hiện khi khối u lớn, gây ra các triệu chứng chèn ép như khó thở, đau ngực hoặc ho kéo dài.
Bác sĩ Thắng cho biết thêm, phẫu thuật là phương pháp duy nhất giúp loại bỏ hoàn toàn khối u và giảm nguy cơ tái phát. Trong hầu hết các trường hợp, phẫu thuật triệt để cắt bỏ khối u mang lại tiên lượng tốt và tỷ lệ sống cao cho bệnh nhân. U xơ đơn độc màng phổi lành tính thường có tiên lượng tốt sau phẫu thuật, nhưng cần theo dõi lâu dài vì nguy cơ tái phát hoặc chuyển thành ác tính.
Theo Bộ Y tế, ung thư phổi nếu được phát hiện sớm có thể chữa khỏi, tuy nhiên, hiện khoảng 75% người bệnh ung thư phổi tại Việt Nam được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn.
Năm 2020, ung thư phổi phổ biến thứ 2 trong số các ung thư tại Việt Nam, với 26.262 ca, tương ứng khoảng 23 ca mắc mới/100.000 dân; tỷ lệ tử vong là 21,9 trường hợp/100.000 dân.
Ung thư phổi không có triệu chứng đặc hiệu, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý hô hấp thông thường, do đó nhiều người chỉ được phát hiện khi đã ở giai đoạn tiến triển, chỉ khoảng 30% người bệnh ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn sớm.
Bình luận (0)