Nụ cười nở muộn của những người tuyến đầu chống dịch Covid-19

Mai Hà
Mai Hà
06/07/2020 09:33 GMT+7

Gần 80 ngày cả nước không có ca bệnh Covid -19 mới trong cộng đồng, những y bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch mới có những phút giây tạm nghỉ ngơi và nở nụ cười bên người thân.

Tối 5.7, gần 70 y, bác sĩ tuyến đầu và gia đình đã tham gia cuộc tri ân do Bộ Y tế, Vietnam Airlines và Vinpearl tổ chức. Đây chỉ là một phần trong số hàng trăm, hàng nghìn y, bác sĩ, điều dưỡng cả nước trên tuyến đầu chống dịch như chia sẻ của ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
“Không có con Covid nào là nặng, con nào nhẹ. Trung Quốc đã có hơn 4.000 bác sĩ nhiễm bệnh, Giám đốc Bệnh viện Vũ Hán cũng đã hy sinh. Ở Việt Nam, các bác sĩ đã không ngại hiểm nguy, dám đương đầu với cuộc chiến giữa hoà bình”, ông Khuê chia sẻ, và cho rằng, có thể tự hào nói ngành y tế đã hoàn thành nhiệm vụ được giao là không có bệnh nhân nào tử vong. Các bác sĩ không có ngày nghỉ nhưng đến nay đã 80 ngày trôi qua, không có bệnh nhân trong cộng đồng. 
Bệnh nhân nặng nhất là nam phi công người Anh hiện đã bình phục và sẽ được ra viện về nước ngày 12.7 tới. Hiện các y, bác sĩ tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đang phục hồi chức năng cho bệnh  nhân này sau 3 tháng nằm viện.

BN91 người Anh đủ tiêu chuẩn chuyển viện về nước ngày 12.7, không cần cách ly

Đây là niềm vui lớn của tất cả các thầy thuốc Bệnh viện Chợ Rẫy cũng như các thầy thuốc tham gia hội chẩn. Dù vậy, cuộc chiến vẫn đang ở phía trước, không được mất cảnh giác, vẫn phải xét nghiệm, cách ly kịp thời để cộng đồng được sống những phút giây an toàn, hạnh phúc.
Kể về những ngày đầu tiên cả nước chống dịch, ông Khuê cho biết, khi kịch bản đầu tiên đưa ra vào thời điểm có hơn 10.000 người nhiễm ở Vũ Hán (Trung Quốc) và những ca bệnh đầu tiên xảy ra tại xã Sơn Lôi (H.Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), ngành y tế đã có một quyết định khá lịch sử là các bệnh viện tuyến huyện có thể tự điều trị cho các bệnh nhân không có diễn biến nặng, với sự hỗ trợ của các bệnh viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai.
Quyết định này đã giúp các bệnh viện tuyến huyện làm được những điều “phi thường” trong cuộc chiến chống Covid-19 thành công của Việt Nam.

Từ kỳ thị đến biết ơn

Kể lại câu chuyện ở ổ dịch đầu tiên tại Sơn Lôi (Vĩnh Phúc), bác sĩ Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc Trung tâm Y tế H.Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), chia sẻ vất nhất là công tác điều tra dịch tễ. “Đầu tết ra mưa rét, người dân chưa hiểu hết về dịch bệnh và có phần kỳ thị khi thấy anh em đi xuống, mặc quần áo kín mít từ đầu đến cuối. Vào nhà thậm chí đóng cửa, chúng tôi phải nhờ tất cả mọi người thuyết phục, có trường hợp ngồi đợi đến 10 giờ người dân mới mở cửa gặp”, bác sĩ Minh kể.
Riêng Bình Xuyên đã trải qua 5 giai đoạn phòng chống dịch: giai đoạn dịch bùng phát tại Vũ Hán (Trung Quốc), giai đoạn người nhập cảnh từ chuyến bay VN0054, giai đoạn Bệnh viện Bạch Mai, giai đoạn chợ hoa Mê Linh và hiện nay. Để chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, H.Bình Xuyên cũng đã lên phương án điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Phòng khám đa khoa khu vực Quang Hà, khi đó còn rất tồi tàn

Các tập thể, cá nhân y bác sĩ tiêu biểu nhận bằng khen của Công đoàn Y tế Việt Nam

Ảnh VNA

Rất nhiều bệnh viện tuyến cơ sở trong trận chiến với Covid đã thực hiện thành công những “lần đầu tiên”. Như đầu vụ dịch, mỗi khi có mẫu nghi Covid-19, Bệnh viện T.Ư Huế phải gửi vào Nha Trang xét nghiệm, thời gian chờ đợi mất hơn 2 ngày. Nhưng sau khi được Viện Pasteur Nha Trang hướng dẫn và tập huấn, đến 26.2, Bộ Y tế đã công nhận bệnh viện đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định các ca bệnh.
Theo ông Mai Văn Tuấn, Trưởng Khoa Vi sinh dịch tễ (Bệnh viện T.Ư Huế), từ đó đến nay, bệnh viện đã xét nghiệm hơn 10.000 mẫu bệnh phẩm tại khu vực miền Trung, điều trị cho 2 bệnh nhân ghi nhận tại Huế và 2 bệnh nhân tại Quảng Nam chuyển ra.
Có mặt trên sân khấu chia sẻ về những ngày ăn ngủ cùng bệnh viện, điều dưỡng trưởng Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư Doãn Thị Nguyệt rưng rưng kể về những ngày chống dịch, các điều dưỡng phải chăm sóc bệnh nhân nặng 24/24 giờ, luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, vì đảm bảo an toàn nên phải xa gia đình và người thân vài tuần đến vài tháng.
“Mỗi lần bệnh nhân ra viện là hạnh phúc của chúng tôi. Thời điểm bệnh nhân nhiều, không ai nghĩ tới ngày nghỉ, có những anh chị đã ở bệnh viện 3 tháng. Giờ đây, chúng ta được ngồi với nhau ở đây tức là đã không còn Covid trong cộng đồng, đó mới là điều quý giá nhất”, chị Nguyệt chia sẻ và cho biết đã có rất nhiều nguồn động viên quý báu với đội ngũ y bác sĩ, điều dưỡng, y tá, có những em nhỏ học sinh đã làm những tấm che mặt đơn giản để gửi tới cảm ơn mọi người.
Tại lễ tri ân, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn Y tế Việt Nam đã công bố quyết định và trao tặng bằng khen cho 63 tập thể và 149 cá nhân có thành tích tiêu biểu trong phòng chống dịch Covid-19 của toàn ngành y tế.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.