Nữ giáo sư phát minh 'da tay điện tử'

Quý Hiên
Quý Hiên
08/03/2022 17:03 GMT+7

Có khuôn mặt đầy đặn với những đường nét châu Á đặc trưng, ăn mặc đơn giản mà thanh lịch, trông nữ giáo sư Zhenan Bao trẻ hơn nhiều so với tuổi 52 của mình.

Thoạt nhìn bà, ít ai ngờ đó là một giáo sư, một tài năng khoa học, người có bao phát kiến rất quan trọng, có những nghiên cứu tiên phong, góp phần thay đổi cuộc sống của con người trong tương lai.

GS Zhenan Bao (thứ 2 bên phải sang) đang giao lưu với một bé gái khuyết tật 2 tay người Việt Nam

Thanh Lâm

Từ những tò mò đầu tiên

Chưa bao giờ Zhenan Bao tự hỏi vì sao mình trở thành nhà khoa học, nhưng không ít lần bà phải trả lời câu hỏi đó từ khi bắt đầu có chút tiếng tăm trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học. Bà kể, trong buổi giao lưu với sinh viên Trường ĐH VinUni khi đến Việt Nam nhận giải thưởng đặc biệt Nhà khoa học nữ của Quỹ VinFuture: “Bố tôi là một nhà vật lý, còn mẹ là nhà hóa học. Từ khi còn nhỏ tôi đã rất đỗi tò mò về thế giới này, hỏi bố mẹ tôi rất nhiều câu hỏi. Còn bố mẹ tôi cũng rất khích lệ tôi khám phá cuộc sống xung quanh. Hồi tôi mới học tiểu học, trong một lần đưa tôi đi chơi công viên, bố mua một cốc nước đá rồi hỏi tôi vì sao viên đá lại nổi trong cốc nước. Tôi cũng ngạc nhiên sao viên đá lại nổi, vì trước đó tôi cũng nghĩ đá thì phải chìm dưới nước. Đó, tôi đã lớn lên cùng với vô số câu hỏi thú vị như thế…”.

GS Zhenan Bao nhận giải thưởng VinFuture Nhà khoa học nữ

Thanh Lâm

Với con đường tương lai đã được mặc định là trở thành nhà khoa học, tốt nghiệp ĐH Nam Kinh, bà Zhenan Bao sang Mỹ học sau đại học tại ĐH Chicago. Thời gian đầu, để có thêm tiền chi trả cho cuộc sống, bà và chị gái đi làm thêm rất vất vả ở siêu thị. Bà cho biết vốn nhút nhát, lại mang tâm lý của người di cư đến Mỹ, bà rất ngại nói chuyện hay bày tỏ trước đám đông. “Dù rất phấn khích khi được nhận vào ĐH Chicago, có thể mường tượng ra mình sẽ trở thành nhà khoa học, nhưng thật sự tôi đã phải rất cố gắng vượt qua tâm lý mặc cảm của mình. Tôi còn nhớ, trong bài thuyết trình đầu tiên hồi còn làm nghiên cứu sinh, tôi đứng mãi đó mà không thể cất lời. Vượt qua tâm lý này thực sự là một sự thách thức khi đó với tôi. Tôi biết phải thay đổi. Mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn sau nhiều lần thử và cố gắng”, giáo sư Bao nhớ lại.

Sau khi lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Chicago, Mỹ, bà được nhận vào làm việc tại Phòng thí nghiệm Bell (Bell Laps), một cơ sở nghiên cứu nổi tiếng toàn cầu với 9 nhà khoa học từng được giải thưởng Nobel. Thành công của các nghiên cứu tại Bell Laps đã khích lệ bà tự tin với hướng nghiên cứu phân tử, tìm xem phân tử có thể giúp bà làm được những gì có ý nghĩa cho con người.

Giáo sư Zhenan Bao với mô hình bàn tay sử dụng da điện tử có thể có cảm xúc như da người

Thanh Lâm

Da điện tử có cảm xúc “chạm” như da người

Sau 8 năm ở Bell Laps, bà chuyển đến giảng dạy tại ĐH Stanford, vẫn tiếp tục nghiên cứu về phân tử. Qua trao đổi với đồng nghiệp, bà nhận thấy trên thế giới có một tỷ lệ dân số nhất định là người khuyết tật về chi (tay, chân), nhiều bệnh nhân cần lấy lại cảm giác của làn da, hoặc người già gặp khó khăn về xúc giác. “Đấy là động lực chúng tôi tiếp tục vượt thách thức để nghiên cứu phân tử, tìm xem phân tử nào có thể giúp chúng ta tạo ra da nhân tạo. Như thế có thể giúp những người phải dùng tay nhân tạo hoặc mất cảm giác ở da vẫn có những cái chạm đầy cảm xúc như người bình thường”, giáo sư Bao chia sẻ.

Theo giáo sư Bao, hóa học có thể tạo được làn da nhân tạo có thể co giãn, gập kéo… không khác gì da người thật. Vấn đề là cần phải tạo nên bộ cảm biến để giúp con người có được cảm giác “chạm” của làn da. Giáo sư Bao giơ lên mô hình một bàn tay và nói: “Mô hình này khiến chúng tôi phấn khích khi đưa cảm giác của ngón tay thông qua mạch điện ở lòng bàn tay, kết nối, gửi tín hiệu lên não như bàn tay của người bình thường, để não người cảm nhận được rồi lại tạo ra tín hiệu. Ban đầu có thể thử với não động vật để kiểm chứng xem bộ cảm biến của da nhân tạo có giống da con người không”.

Giáo sư Zhenan Bao tại buổi giao lưu với người trẻ ở Việt Nam

Thanh Lâm

Giáo sư Bao cho biết, kể từ khi trở thành nhà khoa học, bà dành mọi sự nỗ lực cho những phát kiến khoa học để thay đổi tích cực cuộc sống con người, khiến họ dù là ai cũng đều sống vui hơn. Mong muốn đó thôi thúc bà đi sâu vào việc nghiên cứu để tạo ra da điện tử, một lĩnh vực khoa học rất mới. “Tôi nghĩ rằng từ kết quả nghiên cứu này có rất nhiều ứng dụng trong cuộc sống thực tế. Ví dụ như có thể phục vụ việc chế tạo robot, hoặc ứng dụng trong lĩnh vực y tế, trong việc cứu chữa, cải thiện sức khỏe cho con người. Khi làm da điện tử, trong đầu tôi luôn nghĩ rằng nó là chìa khóa vàng tiến tới tương lai của tôi. Điều mà tôi muốn được nhìn thấy trong tương lai là da điện tử mà mình nghiên cứu ra có thể sử dụng được cho như da thật của con người”, bà Bao nói.

Giáo sư Bao cho rằng hành trình khám phá khoa học luôn khó khăn với tất cả mọi người, cho dù bạn vào đời với tâm thế sẵn sàng làm khoa học. “Người làm khoa học luôn phải đương đầu với những khó khăn và thử thách lớn trong đời. Làm khoa học phải luôn kiên định và luôn luôn kiên trì với ước mơ mong muốn của mình trong tương lai. Điều mà tôi muốn nhắn gửi đến các nhà khoa học trẻ là dù có những khó khăn thế nào, dù có những bất trắc ập đến thì hãy luôn kiên trì và luôn vững bước trên con đường tương lai của mình”, giáo sư Bao nói.

Zhenan Bao là giáo sư của ĐH Stanford, là thành viên Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Mỹ (được bầu từ năm 2021). Bà đã tiên phong nghiên cứu về phát triển thiết bị điện tử giống như da người và một loạt ứng dụng của các thiết bị này trong y tế và năng lượng. Xuất phát từ nghiên cứu khoa học cơ bản, bà đã phát triển một loạt mô hình phân tử cho các vật liệu điện tử hữu cơ mới và nhiều phương pháp chế tạo các vật liệu này. Với những thành tựu trong nghiên cứu khoa học của mình, bà đã được nhận nhiều giải thưởng và sự tôn vinh. Năm 2022, bà được trao giải thưởng VinFuture ở hạng mục Nhà sáng tạo nữ cho công trình khoa học nghiên cứu về sự phát triển của da điện tử.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.