Hai năm trước, nhận tin con gái bị ung thư, bà Nguyễn Thị Trinh (46 tuổi, H.Càn Long, Trà Vinh) như chết đứng. Bà khóc nức nở ở bệnh viện, khóc trên suốt cả chuyến xe từ TP.HCM về quê. Bà không thể tin được căn bệnh xưa nay chỉ thấy trên phim Hàn Quốc mà bà hay xem ké ở nhà hàng xóm lại ập đến với con gái mình.
Ngược lại với những cảm xúc của mẹ, Ngân không một giọt nước mắt. Không phải vì Ngân quá mạnh mẽ, mà vì bấy lâu nay ở vùng quê nghèo và 16 năm sống trong căn nhà không điện nước, em chưa bao giờ nghe đến hai từ “ung thư”. Ngân không hiểu được ung thư ghê gớm thế nào.
Bệnh đổ xuống nhà nghèo
Những gia đình có con bị ung thư hay nói với nhau rằng đây là căn “bệnh của nhà giàu” vì điều trị ung thư tốn rất nhiều tiền của, bao nhiêu đồ đạc trong nhà phải bán hết để có tiền chạy chữa. Nhưng với gia đình Ngân thì khác, bởi căn nhà nằm giữa ruộng không điện nước của gia đình em chẳng có nổi một món đồ giá trị để có thể bán được.
tin liên quan
Nữ sinh 22 tuổi vượt qua chính 'đám tang của mình' như thế nào?Thanh Ngân cho biết, cha của em là ông Phan Văn Hải (45 tuổi) đi chọc dừa thuê, được trả công 180.000 đồng/ngày. Còn mẹ em đi hái rau ven rạch hoặc xin hái của nhà họ hàng để mang ra chợ bán kiếm đôi ba chục để trang trải qua ngày. Hiểu sự vất vả của ba mẹ nên Ngân và em trai luôn cố gắng học hành, lúc nào cũng đạt loại khá.
Vậy mà, tết năm 2017, cả gia đình bàng hoàng phát hiện Ngân bị ung thư sau một lần có cục u nổi lên ở cổ. Nhà không có tiền dành dụm, cũng chẳng có gì để bán, bà Trinh vay mượn cả hai bên nội, ngoại để đưa Ngân lên TP.HCM trị bệnh. Xong đợt hóa trị đầu tiên, Ngân cạo đầu lấy tóc đó đi tết thành tóc giả và trở về quê đi học. Mỗi đợt hóa trị tiếp theo, Ngân lại xin nghỉ phép để lên TP vào thuốc.
|
Điều đáng sợ nhất khi nằm viện
Tôi gặp Ngân ở khoa Nội 2, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM khi em đang nằm truyền thuốc để chuẩn bị cho đợt hóa trị lần thứ 15. Trên giường bệnh, nhìn Ngân phờ phạc, mệt mỏi vì đợt này em đã ở viện 6 ngày.
Càng sợ bệnh viện bao nhiêu em càng sợ phải xa ba mẹ bấy nhiêu. Em chưa làm được gì cho ba mẹ cả. Em muốn trở thành thợ làm tóc để có tiền phụ với ba mẹ, vì ba mẹ em đã khổ nhiều rồiPhạm Thị Thanh Ngân (17 tuổi, bệnh nhân ung thư hạch) |
|
Ước mơ trở thành thợ làm tóc
Từ ngày học lớp 10, Ngân chuyển ra ở cùng nhà với ông bà nội để có điện, nước sinh hoạt và gần trường. Vậy nên khi biết Ngân bị bệnh, cứ nhìn thấy Ngân là ông bà lại khóc vì thương cô cháu gái đang ở độ tuổi đẹp nhất đời người. Ngân cũng chẳng thể cầm lòng được khi thấy cảnh ấy nên dù có cố gắng cách mấy, em cũng nhiều lần lén lau nước mắt.
Ngân chia sẻ: “Từ ngày ở với ông bà, một tháng ba mẹ cho em 200 ngàn để đi học có đói thì ăn gì đó nhưng không bao giờ em xài đến. Số tiền đó em biết ba mẹ cực khổ mới có được nên em để dành tới dịp nào đó lại mua mỹ phẩm tặng mẹ hoặc đôi dép cho ba. Nhìn ba mẹ vui em hạnh phúc lắm”.
|
Ngân đang chuẩn bị vào lớp 12 của trường THPT Nguyễn Văn Hai, H.Càn Long, Trà Vinh. Dù việc học thường xuyên bị ngắt quãng để trị bệnh nhưng Ngân vẫn luôn duy trì được thành tích học tập khá từ đó đến nay. Dù có kết quả học tập khá tốt, nhưng Ngân chỉ mong sau khi học xong phổ thông, em có thể đi học nghề làm tóc.
Suốt cuộc trò chuyện với tôi, hễ nhắc tới ba mẹ là Ngân lại chảy nước mắt. Ngân bảo: “Càng sợ bệnh viện bao nhiêu em càng sợ phải xa ba mẹ bấy nhiêu. Em chưa làm được gì cho ba mẹ cả. Em muốn trở thành thợ làm tóc để có tiền phụ với ba mẹ, vì ba mẹ em đã khổ nhiều rồi”.
Nhìn con gái trên giường bệnh, đang phải đấu tranh với bệnh tật, đối mặt với điều mình sợ hãi, rồi cả những lời tiên lượng của bác sĩ sau các đợt hóa trị, tim gan bà Trinh lại như có ngàn vết dao đang cứa vào…
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Son, Khoa Nội 2, Bệnh viện Ung Bướu (bác sĩ điều trị của Ngân) cho biết Ngân bị ung thư hạch đã được đổi phác đồ lần thứ hai, đáp ứng kém, tiên lượng xấu.
“Sau khi chứng kiến nhiều người cùng phòng điều trị lần lượt ra đi, Ngân có xu hướng trầm cảm nên sắp tới chúng tôi sẽ yêu cầu người nhà đưa Ngân đi khám thêm. Tiên lượng của Ngân 60-70% là được khoảng 2 năm nữa”, BS Son chia sẻ.
Bình luận (0)