Nữ sinh 22 tuổi vượt qua chính 'đám tang của mình' như thế nào?

01/07/2019 12:55 GMT+7

Những cô gái, chàng trai đang hừng hực thanh xuân. Họ đang 'lăn' vào đời với tất cả đam mê và nhiệt huyết. Thế rồi, cơn bạo bệnh ung thư bất ngờ xuất hiện. Những cái chết ở phía trước cứ ám ảnh, đánh gục họ cả gia đình. Với họ quỵ ngã thì mọi thứ sẽ khép lại. Nhưng tình yêu thương và một khát khao đã giúp họ vượt qua.

Điều ám ảnh nhất với Nguyễn Thị Vân Anh (22 tuổi, quê Thái Bình) không phải những đợt đau đớn truyền hóa chất mà là những lần chứng kiến những cái chết và sự đau đớn từ từ ra đi của những người cùng trị bệnh.
Đang là sinh viên năm 3 của trường Đại học Ngoại thương với nhiều hoài bão về tương lai, cô sinh viên Nguyễn Thị Vân Anh bất ngờ phát hiện bị ung thư máu. Cuộc sống xoay quanh việc học tập, đi làm thêm kiếm tiền và kinh nghiệm cho tương lai của cô gái 21 tuổi năm đó đành phải gác lại để vào viện điều trị ung thư.

Ám ảnh chứng kiến từng người ra đi vì ung thư…

Ngày nhận kết quả ung thư máu, Vân Anh không quá hoảng loạn mà lại tỏ ra bình tĩnh và lãnh đạm. Cô cũng không khóc mà chỉ xin phép bố mẹ ra ngoài leo lên cầu thang tầng 8 gọi điện thoại báo tin cho chị gái và 2 người bạn thân nhất.
Nửa tiếng sau, Vân Anh mới khóc và hỏi chị gái: “Em không hiểu ung thư là sao? Tại sao lại là em vậy? Em phải làm gì bây giờ?”. Sau đó, Vân Anh nhập viện điều trị. Và điều ám ảnh nhất với cô gái trẻ đó là phải chứng kiến những cái chết và sự đau đớn từ từ ra đi của những người cùng điều trị.
Đó là lần cô gái vừa qua tuổi 21 tươi đẹp thấy những người phản ứng thuốc giật đùng đùng rồi ra đi. Là lần cô thấy những chiếc giường bệnh kéo chạy dọc hành lang qua trước mắt…
“Đau đớn nhất là lần em chứng kiến sự ra đi của chị Ngát, người chị đã từ bỏ hóa trị để sinh con non ở tháng thứ 8 của thai kỳ. Chị đã chịu đựng đau đớn suốt 6 tháng nằm viện, những ngày cuối chị tâm sự: “Nếu có kiếp sau chị vẫn muốn gặp lại anh Tuấn chồng chị, anh ấy đã rất tuyệt vời”. Người thứ 2 là anh Sơn, anh đánh hóa chất 4 lần không khỏi, ngày cuối anh xuất huyết nhiều và nổi hạch ở miệng rất đau, em vẫn nhớ ánh mắt cuối cùng khi anh ngồi cạnh nhìn em im lặng không nói gì, em vẫy tay chào tạm biệt anh để xuất viện anh còn cười và vẫy tay lại hứa sẽ về Thái Bình thăm em vậy mà sau 1 tuần đúng sinh nhật anh, anh mất, em không được gặp anh lần cuối và điều đó ám ảnh em về sự chia lìa”, Vân Anh tâm sự.

Cha mẹ bỏ việc nửa năm ở bên chăm sóc

Trước khi Vân Anh phát hiện bệnh, cha mẹ của cô nàng làm buôn bán quần áo và quán ăn ở thành phố. 3 ngày sau khi Vân Anh nhập viện, cha mẹ đã trả lại cửa hàng và bán hết đồ đạc để tập trung vào viện lo cho con gái.
Cô gái 22 tuổi kể lại: “Em còn nhớ, ngày bố gọi về thông báo cho mẹ chở em nhập viện Thái Bình gấp, mẹ em vừa chạy xe vừa nói “Con mà có chuyện gì thì mẹ cũng chẳng sống nữa” rồi vào ngân hàng rút hết sổ tiết kiệm”. Lúc đó, em không hiểu mình có vấn đề gì vì cha mẹ vẫn đang giấu kết quả xét nghiệm, nên Vân Anh mà chỉ cố gắng ôm đầu co quắp trên xe cấp cứu”.
Vân Anh tươi tắn khi điều trị ung thư NVCC
Trong quá trình điều trị, bất kể là sáng sớm hay đêm muộn, nếu Vân Anh nôn mửa cần ăn gấp để hồi phục là cha của cô sẵn sàng đi bộ vài cây số mua mang về. Mẹ thì vô cùng nhẫn nhịn sự cáu gắt của Vân Anh vì hóa trị. Cũng chính mẹ là người chăm sóc từ việc thay quần áo, tắm rửa cho cô con gái khi đó không còn khả năng tự vận động. Chị gái của Vân Anh cũng lần đầu tiên nắm tay em gái sụt sịt: “Sao tay bạn lại xanh xao và lạnh toát thế này?” khiến Vân Anh xúc động không biết trả lời ra sao mà chỉ thì thầm rằng: “Có lẽ duyên chị em chỉ đến đây thôi, tạm biệt chị của em”.
Như nhiều bệnh nhân ung thư khác, khi nằm trên giường bệnh, Vân Anh tiếc nuối về quãng thời gian mình còn khỏe mạnh. Cô tiếc nuối vì đã dành hầu hết thời gian để học tập và làm việc, rảnh rỗi lại bấm điện thoại và các trò vô bổ khác mà không dành thời gian đó để đi làm tình nguyện, tìm hiểu về đạo Phật, những giá trị tinh thần chứ không phải vật chất, danh lợi.
Vân Anh đã từng ngồi từ tầng 8 của bệnh viện nhìn xuống đường đêm những cô quét rác và những người ăn xin và ước được như họ, chỉ cần được sống một lần nữa thôi, chỉ cần được chạy nhảy và tự do một lần nữa thôi thì vất vả một chút cũng là hạnh phúc.

Đã từng nghĩ về đám tang của mình…

Vân Anh bước vào cuộc chiến hóa chất với một cái đầu trống rỗng suy nghĩ bởi cô luôn có một niềm tin đặc biệt vào bản thân. Không khóc lóc, không bi lụy, không tưởng tượng, không tìm hiểu thông tin về căn bệnh, Vân Anh đã vui vẻ chào đón bạn bè tới thăm và luôn sẵn sàng vào hóa chất.
Nhìn Vân Anh của hiện tại, chẳng ai nghĩ rằng cô gái nhỏ bé này đã chiến đấu với ung thư trong nửa năm ròng NVCC
Tuy nhiên trong quá trình nhiều lần đối diện với tử thần, Vân Anh cũng đã từng nghĩ về đám tang của mình rằng cô thích màu trắng không thích màu đen bi lụy và không cần quá long trọng và chuẩn bị mọi lời nói như một bản di chúc cuối cùng cho người thân.
Suốt nửa năm truyền hóa chất, Vân Anh đã bị phản ứng thuốc rất nhiều. Nặng nhất phải kể đến hệ miễn dịch không còn, các chỉ số bạch cầu, hồng cầu, tiểu cầu giảm mạnh.
Vân Anh kể, trong một lần đang tắm, cô bị chảy máu mũi do tụt tiểu cầu, máu và nước tắm hòa vào nhau khiến em không nhận ra, mãi sau thấy nồng nặc mùi tanh của máu cô mới nhanh tay lấy khăn tắm bịt lại.
Không dừng ở đó, miệng của Vân Anh bắt đầu chảy máu. Cô đã phải nhổ ra máu liên tục và cảm thấy rất sốc, nhanh chóng mặc quần áo chạy ra báo y tá tiêm cầm máu. Tiếp đó là sốt, buồn nôn, táo bón, tiêu chảy, trào ngược dạ dày. Rồi Vân Anh bị sốt, truyền kháng sinh và kích bạch cầu chọc vào bụng liên tục sau hóa chất.
Vân Anh xinh đẹp, rạng rỡ luôn muốn lan tỏa năng lượng tích cực NVCC
Cô xúc động nhớ lại: “Một lần trào ngược dạ dày phình bụng lên và đau quá nặng, khoảnh khắc các bác sỹ và y tá chạy rầm rập từ ngoài vào nhấn bụng và hỏi liên tục khi đó em đau gần kiệt sức và không thể trả lời, em chỉ còn lờ mờ nhìn thấy bố mẹ đang khóc em đã nghĩ trong đầu “Tạm biệt bố mẹ, con phải đi rồi”. Những lần kích bạch cầu bị đau buốt tủy và đau đầu rất nặng, em liên tục chuyển từ sốt nóng sang sốt rét, máy sưởi bật liên tục, người em vã mồ hôi ướt đầm đìa giường, thỉnh thoảng tỉnh dậy em ngồi trước cửa sổ tầng 8 nhìn lên bầu trời đêm và xin ông trời được chết”.

Điều kỳ diệu trở thành hiện thực

Điều kỳ diệu với Vân Anh là đã vượt qua và hợp thuốc trọn phác đồ. Ngày chờ kết quả đợt điều trị cuối cùng với Vân Anh thật sự rất khủng khiếp. Cô đã rất lo lắng và mong chờ một kết quả tốt đẹp để kết thúc chuỗi ngày đau đớn này và điều đó đã thành hiện thực.
“Điều giúp em vượt qua được căn bệnh ung thư này ngoài việc không chấp nhận cái chết và sự lo lắng về bố mẹ và chị em ở lại sẽ ra sao thì người giúp em vượt qua tất cả sự sợ hãi và lo lắng chính là một người bác mà trong lòng em luôn coi như một người sư phụ, một người thầy, người cha đã dạy cho em đủ điều về đạo Phật và vực em dậy mỗi lúc em tuyệt vọng bằng những bài giảng về nhân sinh, quy luật sinh lão bệnh tử”, Vân Anh chia sẻ.
Hiện tại, Vân Anh vừa hoàn thành xong chương trình đại học và đợi bằng tốt nghiệp, thực hiện được giấc mơ mặc áo cử nhân của trường Ngoại thương. Trong thời gian chờ đợi, Vân Anh vẫn làm thêm mảng đặt phòng khách sạn cho khách du lịch trong nước và thỉnh thoảng làm diễn giả tại các chương trình từ thiện, tình nguyện tại Hà Nội.
Đôi điều Vân Anh nhắn nhủ đến những người trẻ bị ung thư
"Tôi hiểu và hoàn toàn đồng cảm với những đau đớn các bạn đang phải trải qua. Sẽ là những ngày tháng khó khăn và đầy vất vả, sẽ có một ngày, ví dụ như hôm nay, và bạn nhận ra, mình đang-tan-vỡ.
Vậy thì, bạn à, để tôi nói cho bạn nghe một bí mật nhé: "Chẳng có thứ gì không có một vết nứt. Đó là cách để ánh sáng rọi vào". Cách tốt nhất để sống là có niềm tin vào sự sống, hãy mạnh mẽ, bản lĩnh, lạc quan và kiên trì đến cùng để đấu tranh với chính vận mệnh của mình, không có điều gì là không thể xảy ra kể cả khi nó nằm trong phần trăm thiểu số nhất.
Tặng các bạn câu này: “Người ta không có tự do để khước từ bất hạnh hay chạy trốn khỏi bi kịch, nhưng có tự do lựa chọn thái độ của mình trước những gì xảy ra”. Hãy sống như một đóa hoa, dù đến lúc úa tàn cũng phải từng rực rỡ”. 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.