Nữ sinh khiếm thị nhận học bổng 1,7 tỉ đồng viết tiếp giấc mơ đại học

Mỹ Quyên
Mỹ Quyên
03/11/2022 17:22 GMT+7

Bị đục thủy tinh thể bẩm sinh và hoàn toàn mất thị lực vào năm 9 tuổi nhưng Lương Thị Trà My đã vươn lên học giỏi suốt 12 năm và đang viết tiếp giấc mơ ĐH khi được nhận học bổng của một trường ĐH quốc tế.

Không bất hạnh, chỉ bất tiện

Trong suốt câu chuyện kể về bản thân, Lương Thị Trà My, tân sinh viên vừa nhận học bổng ngành công nghệ thông tin Trường ĐH RMIT Việt Nam luôn vui vẻ, đầy năng lượng, không có một chút tự ti hay bi quan gì về hoàn cảnh của mình.

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở TP.Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), My bị đục thủy tinh thể bẩm sinh. Tưởng rằng có thể chữa được nhưng thật không may vào năm lớp 3, My tiếp tục bị bệnh glocom (tăng nhãn áp), bong võng mạc và kể từ đó bị mất thị lực hoàn toàn và vĩnh viễn. Điều này đã khiến My phải dừng việc học trong suốt 2 năm.

Lương Thị Trà My (bìa phải) nhận học bổng của Trường ĐH RMIT Việt Nam

nvcc

Đến năm 2014, trước khi quay trở lại học chương trình hòa nhập lớp 4 ở trường, chỉ trong vòng 1 tháng, My đã học thuộc toàn bộ chữ nổi Braille ở Hội người mù TP.Bắc Ninh. Tuy nhiên, My gặp nhiều khó khăn khi học môn toán. Trong khi các bạn có những công cụ để tính toán thì bảng chữ nổi dành cho người khiếm thị lại không có các ký tự toán học nên My toàn phải tự tính nhẩm trong đầu. Thế nhưng, kết quả học tập của My không thua kém ai, luôn đứng top đầu lớp.

Nhớ lại những ngày đầu của bậc THCS, My không khỏi ngậm ngùi vì cả trường chỉ có một mình mình bị khiếm thị, thầy cô không tin My có khả năng tiếp thu kiến thức, còn bạn bè thì không ai chơi cùng. Chỉ sau một học kỳ, rào cản ấy mới bị xóa bỏ khi kết quả học tập đã chứng minh My có khả năng học tập vượt nhiều bạn bè.

"Mặc dù có những ngày tháng vất vả vì phải làm quen với một cuộc sống không nhìn thấy ánh sáng, đi đâu cũng phải có người hướng dẫn, từ năm lớp 4 đến hết lớp 12 không có khả năng tự đi học mà toàn mẹ dẫn đi, nhưng em không bao giờ nghĩ mình bất hạnh mà chỉ thấy mình bị bất tiện chút thôi. Em không thấy mình có gì khác biệt với người khác. Vì thế, em không buồn, không tự ti, không chán nản mà luôn vui vẻ học tập và làm mọi thứ như một người bình thường", My bày tỏ.

Nhờ tinh thần tích cực ấy, suốt 12 năm học My luôn đạt kết quả tốt. Điểm trung bình hàng năm trong 3 năm học THPT của My đạt từ 8,5-8,6 và nữ sinh này tốt nghiệp THPT loại giỏi đồng thời đứng nhất khối. Để có được kết quả này, My cho biết mình phải nỗ lực gấp nhiều lần bạn bè.

Muốn trở thành lập trình viên giỏi hỗ trợ người khiếm thị

Nhận ra người khiếm thị còn thiếu nhiều công cụ hỗ trợ trong học tập, trong khi công nghệ thông tin hoàn toàn có thể làm được điều đó, My bắt đầu nhen nhóm giấc mơ theo học ngành công nghệ thông tin và mong muốn sau này sẽ trở thành một lập trình viên giỏi.

"Em được học một số kỹ năng công nghệ thông tin cơ bản tại Hội Người mù TP.Bắc Ninh, và không ngờ điều này lại đánh dấu cột mốc hết sức quan trọng trong cuộc đời em. Chính công nghệ thông tin đã mang đến cho em cơ hội học tập bình đẳng, hỗ trợ em tài liệu tham khảo, giúp em đạt thành tích tốt trong học tập. Không những thế còn giúp em có thể tham gia các hoạt động ngoại khóa, chẳng hạn như cuộc thi bình luận về sách”, My kể lại.

Nữ sinh còn nhận ra công nghệ thông tin có khả năng thu hẹp khoảng cách giữa người khiếm thị với cộng đồng. Do đó, My quyết định nộp hồ sơ vào Trường ĐH RMIT cơ sở Hà Nội và bất ngờ khi được trường cấp học bổng Chắp cánh ước mơ. Đây là học bổng mỗi năm chỉ trao cho 6 sinh viên, tổng trị giá khoảng 1,5-1,7 tỉ đồng, gồm 100% học phí chương trình tiếng Anh và ĐH cùng các phí bắt buộc khác với sinh viên RMIT Việt Nam. Sinh viên nhận học bổng này còn được cấp 6 triệu đồng/tháng sinh hoạt phí, chi phí chỗ ở 5 triệu đồng/tháng, một máy tính xách tay và chi phí về thăm nhà.

Hiện My học chương trình tiếng Anh tại trường để đạt yêu cầu về IELTS trước khi bước vào học chính khóa. My thổ lộ: "Nhận được học bổng này, em rất hạnh phúc vì những nỗ lực nhiều năm qua của mình đã được nhìn nhận và nâng đỡ. Em mong muốn trở thành lập trình viên giỏi. Khi đó, việc đầu tiên em làm có lẽ là sẽ nghiên cứu để sáng tạo ra một phần mềm giúp người khiếm thị đọc được các ký tự toán, vì hiện nay chưa có sản phẩm nào như vậy khiến các bạn khiếm thị như em học toán rất khó khăn".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.