Nữ sinh Quảng Ninh bị lột quần áo: Vì sao bạo lực học đường vẫn diễn ra?

Lê Thanh
Lê Thanh
18/06/2020 20:50 GMT+7

Từ vụ nữ sinh ở tỉnh Quảng Ninh bị bạn lột quần áo trong lớp, đồng thời bị quay video clip tung lên mạng xã hội Facebook gây xôn xao dư luận mấy ngày nay, khiến nhiều phụ huynh vô cùng bức xúc.

Câu hỏi đặt ra là vì sao tình trạng bạo lực học đường vẫn diễn ra như thế? Chúng ta cần phải làm gì để ngăn chặn bạo lực học đường một cách hiệu quả nhất?

Thiếu hụt về mặt tình cảm của cha mẹ

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, Phó chủ tịch Hội Tâm lý học - xã hội Việt Nam, thực tế cho thấy trong cuộc sống hối hả hiện nay có rất nhiều gia đình đã bỏ quên một chức năng vô cùng quan trọng của mình - chức năng giáo dục. Không ít bậc cha mẹ chạy theo kinh tế, làm ăn; không quan tâm, gần gũi, chia sẻ với con cái, khoán trắng việc giáo dục con cái cho nhà trường. Chính sự thiếu hụt về mặt tình cảm của cha mẹ đã khiến các em trở nên cô đơn, không được dạy dỗ chu đáo và dễ sa vào bạo lực”.
Và GS.TS Huỳnh Văn Sơn, liệt kê ra những nguyên nhân. Đầu tiên là “Gia đình có hành vi bạo lực lẫn nhau, bạo lực với con cái”. Thực tế cho thấy từ những hình ảnh của bạo lực gia đình rất dễ gây cho học sinh sự bắt chước và thậm chí nếu nó là hiện tượng thường xuyên xảy ra sẽ dễ dàng dẫn đến hiện tượng học sinh quen với hành vi bạo lực, có thể cho là một hiện tượng bình thường. Nếu trường hợp học sinh là nạn nhân bị bạo hành ở gia đình dễ bị dồn nén những uất ức, khi gặp tình huống bạn bè trêu chọc, bức xúc… rất dễ phản ứng và thể hiện lại bằng các hành vi. Nguyên nhân tiếp theo đó là “Gia đình không lắng nghe, chia sẻ, giải đáp những khó khăn tâm lý cho con”. Thực tế cho thấy chức năng kinh tế của gia đình đã lấn át chức năng giáo dục con cái của cha mẹ và những người thân trong gia đình, làm xao nhãng việc lắng nghe, chia sẻ tình cảm, giáo dục phòng tránh những nguy cơ tiêu cực của môi trường sống ảnh hưởng đến các em. Kế tiếp là nguyên nhân “Gia đình không quan tâm, thương yêu con cái một cách thực sự”...

Nữ sinh Quảng Ninh bị bạn cùng lớp lột quần áo, quay video clip tung lên Facebook

HÀ TÂM

Và nguyên nhân được đánh giá ảnh hưởng nhiều nhất đó là “Nhà trường không xử lý, tác động ngay từ đầu khi những học sinh có dấu hiệu bạo lực học đường”. Thực tế này có nghĩa cần có những biện pháp xử lý ngay từ đầu đối với những học sinh có dấu hiệu bạo lực học đường. Đây là trách nhiệm và là hành động cần kíp thật nhanh chứ không thể thực hiện như những hành động đã qua ở một số trường học. Nguyên nhân đứng vị trí thứ hai “Thầy cô không quan tâm chia sẻ, lắng nghe hoặc tìm hiểu tâm lý học sinh”. Nguyên nhân tiếp theo đó là “Thầy cô đối xử không công bằng, thiên vị học sinh”.
Vậy để xử lý những học sinh gây ra bạo lực học đường thì cách nào là phù hợp nhất? GS.TS Huỳnh Văn Sơn nói: “Tôi nghĩ, người lớn cần chịu trách nhiệm đầu tiên trong trường hợp này. Thầy cô, cha mẹ cần nhận ngay trách nhiệm mình bởi chúng ta đã trưởng thành và cần làm cho các em hiểu đúng, sai và tập cho các em biết phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã gây ra. Việc răn đe hay giáo dục là điều cần làm. Nhưng quan trọng nhất đó là nhìn những biểu hiện tự nhận thức của các em. Vấn đề là bước chuyển thế nào để có thể xử lý vấn đề nhằm giúp cho các em hiểu mình đã sai, phải hành động để đổi thay”.
Cần sự đồng cảm, yêu thương và chia sẻ
Thạc sĩ ngành công tác xã hội Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Tương Lai (TP.HCM), cho rằng: “Lột quần áo bạn trước nhiều bạn trong lớp rồi các bạn khác quay clip tung lên mạng là hình thức bạo lực học đường. Nó là hình thức bạo lực về thể xác lẫn tinh thần, vẫn thường xảy ra trong thời đại 4.0 này”.

Tập huấn kỹ phòng chống bạo lực cho học sinh ở Q.2, TP.HCM

Thái Thanh

Theo thạc sĩ Minh Hải, học sinh cá biệt thì thời nào cũng có. Học sinh học giỏi, ngoan hiền có thể rơi vào các em ở trong gia đình bình thường, hạnh phúc hoặc gia đình bất hạnh, không hạnh phúc. Tuy nhiên học sinh cá biệt, quậy phá, bạo lực, bắt nạt học sinh khác lại thường rơi vào các em ở trong gia đình không được hạnh phúc hoặc gia đình bỏ bê các em, thường xuyên la mắn, đánh đập và thiếu tình yêu thương. Để chứng tỏ giá trị của bạn thân khi bị gia đình, người khác hoặc bạn bè xem thường thì các em thường có những hành vi bộc phát, khác người như đánh bạn, lột đồ bạn, chửi thề, đua xe… bởi vì các em này thường ít được cha mẹ, thầy cô, người lớn thông cảm, thấu hiểu và gần gũi dạy dỗ.
Thạc sĩ Minh Hải khuyên: “Đối với những em cá biệt, nhà trường cần cử thầy cô hoặc tổng phụ trách hiểu biết về tâm sinh lý trẻ em, có kiến thức và kỹ năng tiếp cận, làm việc với trẻ em tiếp xúc em thường xuyên để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình, tìm hiểu về quá trình phát triển tâm sinh lý xem em có cần sự giúp đỡ gì không để hỗ trợ kịp thời...”.
Trong giờ ra chơi vào sáng 15.6, các nữ sinh L.T.KT và T.T.M.T (lớp 10A2, Trung tâm Hướng nghiệp và giáo dục thường xuyên TX.Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) đã xông vào đánh, xé quần áo một bạn cùng lớp là V.H.Tr. Mặc dù sự việc xảy ra ngay trong lớp nhưng không có ai can ngăn. Thậm chí, nhiều nam sinh còn hò reo cổ vũ, dùng điện thoại quay lại. Sự việc còn đi xa hơn khi một số học sinh tung video clip lên mạng xã hội và gửi cho người khác cùng xem khiến nhiều phụ huynh rất bức xúc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.