Nữ sinh tìm cách giúp trẻ tự kỷ, tăng động học tốt tiếng Anh

Vũ Thơ
Vũ Thơ
02/02/2021 07:02 GMT+7

21 tuổi, Nguyễn Nhã Uyên ( ảnh ), nữ sinh Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội, đã có rất nhiều thành tích xuất sắc và đóng góp cho cộng đồng, trong đó có công trình nghiên cứu dạy tiếng Anh cho trẻ rối loạn tâm thần.

Nhắc đến Nguyễn Nhã Uyên (Ủy viên Ban Chấp hành Liên chi đoàn thanh niên Khoa Sư phạm tiếng Anh), thì các sinh viên của trường đều thán phục, vì Uyên có rất nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện. Kết quả các năm học của Uyên đều ở tốp cao, có năm điểm trung bình đạt 3,76/4,0. Uyên từng đạt giải nhất nghiên cứu khoa học sinh viên cấp trường; đã có bài báo công bố trên tạp chí nghiên cứu nước ngoài và của trường; được nhiều giấy khen của trường và TP.Hà Nội.
Một trong những công việc mà Uyên đã dành nhiều tâm huyết của mình là công trình nghiên cứu khoa học “Giảng dạy tiếng Anh cho học sinh rối loạn tâm thần”. Với đề tài này, Uyên đã nghiên cứu và đưa ra những giải pháp hữu ích để giúp trẻ tiểu học bị tăng động hoặc tự kỷ có thể theo học tiếng Anh và còn có thể sớm can thiệp được để trở về trạng thái bình thường.
Uyên cho biết: “Tiếng Anh đã trở thành môn học bắt buộc từ lớp 3, nhưng ít ai quan tâm đến những trẻ bị rối loạn tâm thần, dù có nhiều trẻ như vậy. Các em rất dễ bị bỏ rơi do thành kiến: trẻ bị rối loạn tâm thần thì học tiếng Việt còn khó, nói gì đến tiếng Anh. Vì vậy tôi đã nghiên cứu về đề tài này”.
Từ năm nhất ĐH, Uyên đã thử tiếp cận với các em và may mắn được làm trợ giảng cho Hội đồng Anh. Tại đây, Uyên được phụ trách nhóm học sinh bị rối loạn tâm thần. Uyên đã gần gũi các em và tìm cách giao tiếp để truyền đạt kiến thức, đồng thời gặp phụ huynh, giáo viên và bác sĩ để nắm được tình trạng và hiểu được từng em. Kết quả ngoài mong đợi khi các em học được tiếng Anh, nhiều em còn trở về trạng thái bình thường.
“Trẻ bị tự kỷ hoặc tăng động dễ bị xa lánh. Tuy nhiên, khi mình gần gũi, khích lệ thì các em vẫn học được tiếng Anh, nhiều em còn học tốt hơn các bạn bình thường khác”, Uyên chia sẻ và cho biết các em cần được giáo dục trong môi trường hòa nhập để sớm trở về trạng thái bình thường.
Kết quả nghiên cứu của Uyên đã đưa ra nhiều giải pháp hữu ích để giáo viên và nhà nghiên cứu có thể can thiệp với trẻ tăng động và tự kỷ tại Việt Nam.
Để thực hiện đề tài nghiên cứu, Uyên cho biết đã dành tâm huyết viết trong gần 1 năm. “Có hôm mình thức đến 4 giờ sáng để viết và được thầy giáo hướng dẫn nhiệt tình ủng hộ nên đã hoàn thành. Mình nghiên cứu từ thực tiễn nên việc ứng dụng rất khả quan”, Uyên hào hứng nói.
Ngoài nghiên cứu khoa học, Uyên còn tham gia nhiều sự kiện như: diễn đàn ASEAN Rotaract 2020, các hội nghị Mô phỏng LHQ, hội nghị Thượng đỉnh mô phỏng 2020...
Đặc biệt, tham gia Đoàn - Hội đã mang lại cho Uyên rất nhiều cơ hội để thử thách bản thân, từ việc làm những chương trình, sự kiện cấp khoa, cấp trường, cho đến cả cấp khu vực và toàn quốc (như Olympics tiếng Anh chuyên và không chuyên, cuộc thi tiếng Anh Wilmar CLV Star Awards...). Việc được thử sức với nhiều loại sự kiện mang quy mô, hình thức và mục đích khác nhau đã giúp Uyên phát triển các kỹ năng đồng đều và toàn diện hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.