Nữ sinh trường luật bước ra từ vỏ bọc tự ti kêu gọi 'Ngưng miệt thị, sống tích cực'

Thu Nguyệt
Thu Nguyệt
20/08/2021 16:55 GMT+7

Phạm Thị Mỹ Duyên bị dị tật ở mũi từ bé, bố cô phải cắt những ống hút gắn vào mũi thì Duyên mới thở được. Tuy nhiên, điều ám ảnh nhất với Duyên là những lời miệt thị đầy ác ý từ bạn bè.

Trò chuyện với phóng viên, Duyên cho biết, tới tận hôm nay, khi là sinh viên năm nhất khoa luật, chuyên ngành luật kinh tế Trường đại học Công nghiệp TP.HCM, cô mới có đủ tự tin tham gia vào chiến dịch Ngưng miệt thị (#ngungbodyshaming).
Với mong muốn được mạnh mẽ hơn, chia sẻ nhiều hơn sự đồng cảm tới những người bạn cùng cảnh, trên trang cá nhân của mình, cô gái viết: "Hãy ngưng body shaming người khác, cho dù bạn có hoàn hảo đến thế nào".

Với chiều cao 1,78 m, vóc dáng cân đối, Phạm Thị Mỹ Duyên có ước mơ được làm người mẫu thời trang, dù cô có một khiếm khuyết lớn trên gương mặt

Ảnh NVCC

Bước ra khỏi "vỏ bọc" tự ti
Mỹ Duyên chia sẻ: "Đã rất lâu rồi em cố gắng bỏ ngoài tai những điều tiêu cực đến bản thân em. Thế nhưng, cái gì cũng phải có giới hạn. Ngay từ khi vừa được sinh ra đã là một cô bé bị dị tật bẩm sinh ở mũi. Mũi em không như bao người khác mà thay vào đó là “một chiếc mũi đầy mỡ không xương”. Em đã phải gắn ống hút vào mũi mới thở được một cách bình thường. Cũng chính vì điều này đã khiến em rất tự ti khi mới bắt đầu đến trường đi học…

Mỹ Duyên khi còn nhỏ 

Ảnh NVCC
 
…Em luôn là mục tiêu trêu chọc của bạn bè, thậm chí họ chửi em là: đồ mũi tật. Em chỉ muốn bỏ học, ở nhà. Vì em nghĩ nếu ở nhà em sẽ không phải chịu đựng bất cứ áp lực nào, không chịu cảnh bị dè bỉu, chê cười, không bị ai mang dị tật của mình ra xúc phạm, làm tổn thương…
Quyết định nói lên tiếng nói của mình trước cộng đồng, em mong muốn chia sẻ với các bạn trẻ, rằng miệt thị ai đó để tôn mình lên là điều tồi tệ nhất. Hãy sống tích cực và lan toả cái đẹp đến mọi người. Để cuộc sống được tốt đẹp hơn". Duyên bày tỏ.

Duyên bị dị tật ở mũi bẩm sinh

Ảnh NVCC

Câu chuyện của Duyên cũng được chia sẻ lên Facebook và có hàng ngàn lượt like, hàng trăm lượt share, hàng trăm lượt comment động viên. Duyên rất xúc động. Đây là lần đầu tiên cô dám bước ra khỏi “vỏ bọc” tự ti của mình và không ngờ lại có hiệu ứng mạnh mẽ đến vậy.
Duyên nói phóng viên: "18 tuổi, em có rất nhiều ước mơ, nhưng ước mơ lớn nhất của em là có một cuộc sống như bao người bình thường khác, không bị mang ra làm trò đùa, không phải chịu sự miệt thị của bất kỳ ai".

Duyên và hai người bạn cùng làm mẫu trong dự án "Nhiếp ảnh chữa lành". Cô nói: người khiếm khuyết phải gánh chịu thiệt thòi về dị tật bẩm sinh nhưng tệ hơn, họ phải gánh thêm nỗi đau tinh thần. Đó là lời trêu chọc, miệt thị của những người khác

Ảnh NVCC

Có nhiều giai đoạn Duyên như bị trầm cảm bởi lời đùa cợt ác ý của bè bạn. "Nuôi con lớn đã vất vả, thấy con bị trêu chọc hết sức đau xót, ban đầu ba mẹ lên gặp các thầy cô giáo ở trường nhờ giúp đỡ. Các thầy cô cũng tốt lắm, phối hợp để nhắc nhở các bạn, bắt xin lỗi. Thế nhưng không hết được, ba đành phải nói với con rằng những lời đàm tiếu chỉ là một trong vô số khó khăn của cuộc sống mà con phải học cách vượt qua. Tổn thương tuy khó chữa lành nhưng sau này sẽ có nhiều vết thương con cũng phải tự mình vượt qua hết. Con cố gắng, ba mẹ hứa sẽ làm nhiều việc hơn để kiếm tiền cho con chữa mũi", ông Phạm Ngọc Dũng, ba của Duyên, kể lại với Thanh Niên.

Duyên và người em gái song sinh

Ảnh NVCC

Ông Dũng cũng chia sẻ thêm: "Sinh đôi cùng một em gái mà Duyên cũng có nhiều thiệt thòi, bị tật ở mũi, bị vàng da, bị nhẹ cân nữa, nằm viện cả tháng trời từ lúc mới sinh. Sau này đi học thì bị kỳ thị. Nhà lúc ấy rất nghèo, chưa có tiền để phẫu thuật mũi nhưng may mắn được bác sĩ Viện Tai mũi họng biết, giới thiệu chữa mũi từ thiện, do các bác sĩ Mỹ mổ nên sau này không phải cắm ống hút vào để thở nữa.
Thương con, chúng tôi chỉ biết động viên con, người ta cố một thì mình phải cố mười. Duyên biết thương ba mẹ nên ráng vượt qua hết. Ngày bé Duyên muốn làm bác sĩ để sau này chữa mũi cho những bạn giống mình, bây giờ con lại thích theo học luật, rồi chụp ảnh, thời trang… Dù Duyên theo gì, chúng tôi cũng chỉ muốn Duyên được tự tin, hạnh phúc, không phải nghĩ ngợi". 
Tự mình đi tìm kiếm sự bình thường cho chính mình
Để được như bình thường, Duyên phải phẫu thuật mũi thêm một lần nữa nhưng cô và gia đình chưa đủ tiền. Tuy nhiên, không đợi đến ngày được phẫu thuật. Duyên muốn đi tìm kiếm “sự bình thường” cho chính mình. Cô không muốn phải buồn, tự ti, trốn tránh mọi thứ vì sợ bị tổn thương nữa.
Bước vào đại học, Duyên đăng ký tham gia cuộc thi Người mẫu ảnh online - Fashion Mod. Cô muốn bắt đầu hành trình bằng sự mạnh mẽ của lòng tự tin. Cô cũng tham gia vào dự án mang tên “Nhiếp ảnh chữa lành” của nhiếp ảnh gia Mỹ Điên, kể về hành trình từ bóng tối ra ánh sáng của những bạn trẻ có dị tật. Cô và các bạn, cũng chính là những người mẫu của bộ ảnh, luôn bị tổn thương vì sự miệt thị, muốn nói rằng ngoài khiếm khuyết thì họ cũng có nhiều nét đẹp khác, rất mong muốn được quan tâm, tôn trọng.

Mỹ Duyên trong Triển lãm ảnh "Nhiếp ảnh chữa lành" của nhiếp ảnh gia Mỹ Điên

Ảnh NVCC

"Em cũng từng bị miệt thị khi có một vài sở thích khác các bạn nên em hiểu cảm giác như nào. Chơi thân với Duyên, mỗi lần bị xúc phạm, bị tổn thương em biết Duyên phải kìm nén rất nhiều. Bạn rất hay kể về ước mơ của bạn ấy và cả sự động viên của ba mẹ. Động lực của Duyên là những điều đó. Việc tham gia một cuộc thi mà hình thức, sự tự tin là tiêu chí hàng đầu, em hiểu là Duyên phải cố gắng lên đến 200%. Em cũng mong, rất mong những lời chia sẻ tâm huyết mà Duyên dám mạnh mẽ nói lên, sẽ nhận được nhiều phản ứng tích cực", Thảo Trang, sinh viên Trường đại học Kinh tế Tài chính UEF, bạn thân của Duyên, kể.
Chia sẻ với phóng viên, Duyên cho biết, để chuẩn bị cho việc “bước ra ngoài” như hôm nay, cô đã từng suy nghĩ rất nhiều, đã từng sợ hãi tới mức không ngủ được khi nghĩ đến cảnh thay vì được sẻ chia lại tiếp tục bị “ném đá”, miệt thị. Nhưng cô hiểu, nếu không bước ra ngoài, không tự nói lên câu chuyên của mình cô sẽ không có cơ hội thực hiện các ước mơ, không được làm người mẫu thời trang, cũng không thể bảo vệ người khác đúng như mục tiêu khi chọn học khoa luật.
"Và hơn hết, em sẽ không có cuộc sống không bình thường, không phải nghĩ ngợi như ba em mong muốn", Duyên nói. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.