Nữ sinh viên tốt nghiệp đại học đi giữ mộ gây tranh cãi

22/11/2022 13:03 GMT+7

Một nữ sinh viên Trung Quốc mới tốt nghiệp đại học quyết định làm 'người giữ mộ' để tránh thị phi nơi công sở. Vấn đề này kích ngòi làn sóng tranh cãi trên mạng về cách chọn ngành nghề của Gen Z ở Trung Quốc.

Mới đây, nữ sinh viên mới tốt nghiệp đại học (ĐH) họ Tần (22 tuổi) trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc sau khi cô đăng tải các video trên Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc) hồi tuần rồi về nơi làm việc “yên bình” của mình. Đó là một nghĩa trang trên sườn núi ở TP.Trùng Khánh phía tây Trung Quốc.

“Hãy để tôi cho mọi người thấy môi trường làm việc của một người giữ mộ thế hệ Gen Z. Đây là một công việc đơn giản và nhàn hạ, có cả chó mèo và internet”, cô Tần, sống trong khu nhà tập thể cùng đồng nghiệp ở nghĩa trang, chia sẻ.

Nơi làm việc “yên bình” của nữ sinh viên Gen Z mới tốt nghiệp ĐH

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH Douyin

Cô cho rằng vị trí “người giữ mộ” giúp cô có thời gian cân bằng giữa cuộc sống và công việc, tránh xa thị phi nơi công sở, chưa kể không phải mất thời gian di chuyển đến nơi làm việc. Thậm chí, cô cho rằng bản thân đang tận hưởng “cuộc sống như kiểu nghỉ hưu sớm”.

Nhiệm vụ của cô Tần tại nghĩa trang gồm: tiếp khách, bán mộ và quét dọn mồ mả thay cho thân nhân của những người đã khuất. Người giữ mộ này làm việc sáu ngày/tuần, từ 8 giờ 30-17 giờ hằng ngày. Mỗi ngày, cô có 2 giờ để nghỉ trưa.

Cô Tần được trả lương 4.000 nhân dân tệ (13,9 triệu đồng)/tháng, cao hơn mức thu nhập trung bình ở Trùng Khánh năm 2021 là khoảng 2.800 nhân dân tệ/tháng, theo số liệu của chính phủ Trung Quốc.

Tốt nghiệp ĐH chuyên ngành quản lý nghĩa trang và dịch vụ tang lễ, cô Tần chia sẻ: “Đây là công việc bình thường. Tôi chỉ đang làm công việc mà tôi cảm thấy là bình thường. Tôi rất hài lòng với cuộc sống hiện tại và sẽ gắn bó lâu dài với công việc này”.

Video của cô Tần được lan truyền trên mạng xã hội. Các cư dân mạng bày tỏ sự ngạc nhiên khi cô chọn ngành và làm một công việc như thế này. Một số người bình luận rằng nghĩa trang thường được xem là nơi làm việc không may mắn.

Dù vậy, không ít người dùng mạng xã hội ở Trung Quốc bày tỏ sự đồng cảm và ủng hộ cô Tần. Điều này được cho là phản ánh xu hướng làm việc không cần quá nhiều cố gắng của Gen Z ở Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.

“Ngày xưa, công việc như thế này bị xem là xui xẻo. Tuy nhiên, đối với người hiện đại thì đây là một công việc mang đến sự bình yên”, một trong những bình luận được yêu thích nhất dưới video của cô Tần.

Một bình luận phổ biến khác là: “Tôi cũng thích công việc này. Bạn không cần phải làm việc với nhiều người và không có thị phi nơi công sở”.

Nữ sinh viên mới tốt nghiệp ĐH quyết định làm “người giữ mộ” để cân bằng cuộc sống và tránh thị phi nơi công sở

ẢNH CHỤP MÀN HÌNH scmP

Thị trường dịch vụ tang lễ của Trung Quốc mở rộng đáng kể trong những năm gần đây vì dân số ngày càng lão hóa và được định giá 257 tỉ nhân dân tệ (36 tỉ USD) vào năm 2020, theo công ty nghiên cứu Huajing Research (Trung Quốc).

Cũng trong những năm gần đây, Trung Quốc chứng kiến xu hướng “Tangping” (Thảng bình, "nằm thẳng" hay nằm yên mặc kệ sự đời), với những người trẻ có tâm lý làm việc ít tốn sức nhất có thể nhằm phản đối văn hóa làm việc quá sức. Hồi tháng 5.2021, Tân Hoa xã từng đăng tải một bài xã luận gọi Tangping là điều đáng xấu hổ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.