Nữ sinh với những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc

Vũ Thơ
Vũ Thơ
09/01/2023 08:00 GMT+7

Sinh viên Bùi Thị Thu Thủy, Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã có những công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc về các vật liệu mới có khả năng ứng dụng trong kháng khuẩn.

Những nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng cao

Bùi Thị Thu Thủy đang học ngành vật lý kỹ thuật và công nghệ. Thủy sở hữu nhiều đề tài khoa học đoạt giải thưởng, trong đó có đề tài “Tổng hợp, nghiên cứu tính chất hóa, lý, sinh và ứng dụng của vật liệu nano porphyrinoids và nano Ag trong kháng khuẩn” đoạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp khoa, và giải ba cuộc thi bình chọn Công trình sinh viên nghiên cứu khoa học năm 2022 được yêu thích nhất cấp trường.

Với nỗ lực không ngừng, Bùi Thị Thu Thủy đã đạt nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện

NVCC

Thủy bắt đầu nghiên cứu khoa học từ khi vừa kết thúc năm nhất ĐH với công trình nghiên cứu vật liệu hấp thụ năng lượng nhiệt ứng dụng trong buồng sấy thông minh. Nghiêu cứu đã tạo ra một loại vật liệu mới an toàn, hấp thụ nhiệt cao hơn gấp 30% so với vật liệu hấp thụ nhiệt bình thường.

“Em sinh ra ở vùng quê làm nông nghiệp, thấy sau mùa gặt nông dân phải phơi thóc rất vất vả. Cứ 1 tấn thóc phải phơi 2 - 3 ngày mới khô để đưa vào bảo quản, sử dụng. Nếu ứng dụng vật liệu này làm buồng sấy thì chỉ trong 1 ngày lượng thóc đó đã khô. Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức của nông dân”, nữ sinh chia sẻ về ý tưởng nghiên cứu mình đang theo đuổi.

Từ ý tưởng đó, Thủy cùng một nhóm nghiên cứu là những người đã có kinh nghiệm và sự hướng dẫn của các thầy cô trong khoa để hoàn thành đề tài và được nghiệm thu cấp trường. Thủy cho biết đây là đề tài có tính ứng dụng cao, nếu được nghiên cứu mở rộng và ứng dụng vào thực tiễn.

“Theo lý thuyết, nếu vật liệu này được đưa vào sản xuất và lắp đặt ở các nhà kính thì sẽ hấp thụ năng lượng tốt hơn, không chỉ sấy thóc, mà có thể sấy rất nhiều nông sản khác. Đặc biệt, mô hình có thể ứng dụng trên địa bàn có nhiệt độ cao quanh năm. Chỉ cần thời tiết 30°C thì trong nhà kính được thiết kế phủ bằng vật liệu sẽ hấp thụ và gia tăng nhiệt độ lên 40 - 45°C và có thể nghiên cứu để tăng mức nhiệt lên tới 60°C”, Thủy chia sẻ.

Sau khi thành công với đề tài này, Thủy đã tham gia nhiều đề tài nghiên cứu khác về chất dẫn xuất, vật liệu hữu cơ, vật liệu mới kháng khuẩn… Năm 2021, khi dịch Covid-19 hoành hành, Thủy mong muốn nghiên cứu ra vật liệu có thể diệt vi rút. Vậy là Thủy cùng nhóm cộng sự bắt tay triển khai. Kết quả, dù vật liệu mới này chưa diệt được vi rút nhưng đã diệt được hàng loạt vi khuẩn, trong đó có 2 chủng vi khuẩn nguy hiểm, đó là Escherichia coli gây bệnh tiêu chảy và Staphylococcus aureus gây bệnh nhiễm trùng da, mô mềm.

Với những công trình nghiên cứu của mình, Thủy đã tham gia cùng tác giả khác viết 5 bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế.

Thu Thủy nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của Trường ĐH Công nghệ

Mong tìm ra vật liệu nhận biết tế bào ung thư

Để đạt được những thành công bước đầu trong khoa học, Thủy đã vượt qua không ít trở ngại, khó khăn. Nữ sinh này sinh ra trong một gia đình thuần nông ở Hải Dương. Gia đình có tới 4 chị em ăn học, nên hoàn cảnh rất khó khăn. Suốt 4 năm học, Thủy không có một ngày nghỉ hè, vừa nghiên cứu khoa học vừa đi làm thêm để mưu sinh.

Không chỉ thành công trong nghiên cứu khoa học, Bùi Thị Thu Thủy đã đạt được những thành tích nổi bật như: Điểm trung bình học tập năm học 2020 - 2021: 3,81/4 và 2021 - 2022: 3,78/4 thuộc tốp đầu của ngành học; đạt học bổng Vallet năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022. Đặc biệt, Thủy còn tham gia hoạt động Đoàn, Hội của trường và được nhận nhiều bằng khen, giấy khen các cấp. Thủy xuất sắc đạt danh hiệu “Sinh viên 5 tốt” cấp T.Ư và Giải thưởng Sao Tháng Giêng năm 2022.

“Em luôn cố gắng đi làm thêm, đi dạy thêm vào buổi tối để có tiền trang trải cuộc sống. Em dạy nhiều lớp lắm, suốt ngày thiếu ngủ bởi sáng đi học, chiều lên phòng thí nghiệm, tối đi dạy”, nữ sinh trải lòng.

Thủy cũng cho biết từ khi là học sinh THPT, bản thân đã yêu thích các môn khoa học tự nhiên, đặc biệt môn vật lý. Bỏ qua định kiến giới về phụ nữ hoạt động trong lĩnh vực công nghệ với những lời khuyên “là con gái nên học kinh tế cho nhàn, chứ học mấy ngành kỹ thuật vất vả, sau ra trường cũng chả biết làm gì”, Thủy mạnh dạn thi vào ngành học này. “Có những lần làm thí nghiệm hỏng, tốn công sức, em muốn bỏ cuộc. Nhưng rồi niềm đam mê với nghiên cứu lại thôi thúc em cố gắng hơn”, Thủy trải lòng.

Thủy cũng cho biết ước mơ trở thành nhà nghiên cứu khoa học về công nghệ vật liệu mới. “Hướng em đang theo đuổi là các đề tài nghiên cứu tổng hợp, chiết tách, khảo sát tính chất, chế tạo vật liệu Tetraphenylporphyrin; nghiên cứu ứng dụng của vật liệu porphyrin và các vật liệu lai TPP trong kháng khuẩn, chế tạo cảm biến nhận biết tế bào ung thư, nhận biết kim loại nặng trong nước và ứng dụng trong pin mặt trời perovskite… Các đề tài nghiên cứu này đang được thực hiện tại phòng thí nghiệm G8 của trường”, Thủy chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.