Nữ tài xế xe ôm chạy xuyên Tết: Nghe một câu chúc cũng thấy ấm lòng!
09/02/2021 09:00 GMT+7
Covid-19 khiến cho kinh tế của nhiều gia đình khó khăn, nhiều tài xế xe ôm công nghệ chọn cách chạy xuyên tết để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, đôi khi chỉ cần một câu chúc năm mới cũng khiến những người phải làm xuyên tết thấy ấm lòng.
Tự động phát
Chị Lâm Kiều Thanh có 4 năm làm tài xế xe ôm công nghệ. Sau khi cuộc hôn nhân tan vỡ, một mình chị nuôi hai con nhỏ và một mẹ già cao tuổi, bị tai biến. Thời điểm đó, chị thuê mặt bằng để buôn bán, nhưng sau đó bị lấy mặt bằng nên mất nghề. Sau ba bốn lần thất bại trong làm ăn, chị nhập viện vì suy nhược cơ thể, áp lực kinh tế với cuộc sống của 4 con người trong căn nhà nhỏ. Một người bạn nằm viện cùng chị có con chạy Grab đã tình cờ vào bệnh viện và chỉ cho chị cách sử dụng ứng dụng này. Nghe xong chị tự thấy khỏe lại rồi “trốn viện”, về phường vay tiền mua xe máy và bắt đầu hành trình chinh phục những ngả đường từ đó đến bây giờ.
|
“Nghề này cũng thay đổi cuộc sống mình khá nhiều, nói chung cũng không giàu nhưng cũng chăm được cho con cái có cái ăn cái mặc, không gặp khó khăn lắm. Với lại công việc thích hợp với cuộc sống của mình”, chị Thanh nói với PV Thanh Niên.
|
Cuộc sống có mẹ già với hai đứa con nhỏ khiến chị không thể vào công ty với 8 tiếng một ngày được. Vì thế, chạy xe ôm là quyết định hợp lý. "Sáng mẹ mệt hay gặp chuyện gì mình có thể ở nhà chăm sóc rồi tới chiều mẹ đỡ hơn mình chạy Grab cũng được. Nói chung rảnh giờ nào mình đi giờ đó, không sao hết. Lúc cần mình có thể làm nhiều hơn một chút để kiếm thêm, khác với lúc làm công nhân muốn tăng ca cũng phải chờ chủ cho mới được làm”.
|
“Khách mình tiếp xúc thuộc nhiều thành phần, tầng lớp, mỗi người cho một lời khuyên giúp cho cuộc sống của mình tốt đẹp hơn. Từ đó mình đúc kết ra người tầng lớp thấp có cách sống khác như thế nào so với tầng lớp cao khiến mình có thêm kinh nghiệm dung hòa được mọi thứ, dễ sống hơn”, chị tâm sự.
Vừa cáng đáng việc gia đình, vừa rong ruổi trên các con đường của Sài Gòn, chị vẫn kiếm được đủ số tiền để nuôi bản thân và mọi người trong nhà. Thậm chí, phía ứng dụng xe ôm còn từng tôn vinh chị là một trong những đối tác ưu tú vì năng suất làm việc rất cao.
“Gặp cướp thì dù là nam hay nữ cũng đều sợ thôi!”
Là tài xế nữ, chị biết mình không có sức khỏe như đáng mày râu, nhưng chị tâm sự chỉ cần chăm chỉ, chịu khó thì không ngại gì hết cả.
“Nhiều người nói nữ chạy xe thì sợ gặp những khách nam xấu, nhưng mà may sao người đi với mình họ có chừng mực. Nếu có sự tương tác giữa hai bên thì có thể sẽ có vấn đề gì đó, hoặc nhiều khi cũng do mình may mắn gặp khách hàng tốt, đàng hoàng. Mình chạy khuya cũng nhiều, gặp khách say xỉn cũng nhiều nhưng cũng không sao. Phía ứng dụng thì cũng hỗ trợ khi mình gặp trường hợp không an toàn, có chuyện gì thì mình có thể cầu cứu”, chị kể. “Nếu gặp cướp thì nam giới còn sợ chứ đừng nói nữ giới, nếu như vậy thì đâu còn làm được gì. Với mình hiện tại, cái nghèo, cái đói còn đáng sợ hơn!”.
|
Điều chị “ngại” nhất có lẽ là công việc này sẽ khiến phụ nữ tàn phai về nhan sắc hơn. “Chuyện này thì mình chịu khó bịt kín một chút, chăm sóc một chút là được”. Nói là vậy nhưng khi gặp chị Thanh ở ngoài chẳng thế nhận ra cái khổ, cái khó in hằn trên khuôn mặt chị, bởi thấy lúc nào nữ tài xế cũng tươi tắn, rạng rỡ và luôn tươi cười với người đối diện. Thậm chí, chị còn tự tin kể: “Chị mà đi tiệc, chị lên đồ vào chẳng ai nghĩ chị chạy xe ôm cả”. Nói hồi chị mở điện thoại, vào amlbum ảnh rồi khoe hình đi dự tiệc tất niên của Grab dành riêng cho các đối tác ưu tú như chị để tri ân. Công nhận, chị trẻ trung và đầy sức sống!
|
Cuối năm vừa rồi, thấy chị là tài xế nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ứng dụng đặt xe Grab nơi chị làm việc gửi quà tặng hỗ trợ gia đình ăn Tết. “Thật sự lúc đó như là đang bơi giữa dòng nước mà gặp được phao vậy. Tại vì cuối năm phải đóng học phí cho 2 đứa, rồi phải trang trải nhiều thứ như tiền cáp, điện thoại cố định... Lúc đó bế tắc lắm mà nhờ có Grab chia sẻ nên cũng đỡ đi phần nào, giúp mình có một cái tết đủ đầy hơn”
Đã 4 năm chạy xuyên tết – năm nay không ngoại lệ!
2020 là một năm đầy khó khăn với nhiều tài xế, chị Thanh cũng vậy. “Dịch làm giảm đén 50% lượng khách của mình”, chị Thanh kể. “Một phần vì người ta hạn chế đi lại, phần khác là bản thân mình cũng không dám ra đường nhiều vì ở nhà còn con nhỏ, mẹ thì bệnh, sức đề kháng yếu. Nếu mình ra đường chạy xe rồi bị lây nhiễm về lây cho mẹ với con thì quá khổ”.
Khi dịch lắng xuống, chị đeo khẩu trang, đem theo nước rửa tay để tự bảo vệ bản thân. “Lúc đó con mình chạy ra đón là mình không ôm nó, mình nói là “Khoan, trên người mẹ dơ lắm để mẹ tắm rửa xong xuôi rồi hẵng ôm mẹ.” Khi tắm ra thì nó ngủ rồi nên không ôm được nữa. Vì lúc về để an toàn thì mình phải cởi áo khoác ra, giặt bằng thau riêng, không giặt chung với quần áo của gia đình. Tắm rửa giặt giũ xong xuôi ra thì nó ngủ mất tiêu”, chị cười giòn tan.
|
4 năm chạy xe ôm, chưa năm nào là chị… nghỉ tết. “Niềm vui của mình là được ra ngoài gặp gỡ mọi người, cứ buồn là chạy xe thôi chứ không thể ngồi một chỗ”. Những ngày tết, chị đi làm cũng chỉ cần nghe được một câu chúc tết từ đồng nghiệp, khách hàng xa lạ… cũng ấm lòng.
Chị nói về kế hoạch năm nay: “Thường là 30 tết mình cúng ông bà xong xuôi là chạy tới giao thừa rồi về xông nhà. Sáng mùng 1 mìnhcúng cơm ông bà, ăn cơm với gia đình xong xuôi là lại chạy xe chứ không thể nào ở nhà cả ngày được. Giống như ra chạy xe để thấy sự vui vẻ đầu năm chứ mục đích không phải kiếm tiền vào mấy ngày đó. Trong mấy ngày tết gặp các tài xế khác, nói dăm ba câu chuyện với nhau cũng vui lắm. Lúc đó mọi người không bị áp lực phải kiếm đủ số tiền mỗi ngày nữa mà ra đường cũng là chỉ để gặp nhau vậy thôi”.
|
Kinh nghiệm chạy xe ngày tết của chị là không đến mấy tòa cao tầng hay công ty, mà thường chạy tới những đền chùa, điểm vui chơi vì đó là những điểm mọi người hay qua lại, còn nhân viên văn phòng đã về quê hết nên không dại gì đứng đó.
Ngoài niềm vui ấy thì chị nói khách hàng cũng dễ thương hơn, sẵn sàng lì xì cho tài xế. “Chạy xe ngày tết thì mình cũng hay được khách lì xì. Trước tết, khi mà mình chở khách đi về quê thì cũng chúc họ về quê ăn tết vui vẻ là lúc nào xuống cũng có bo thôi."
|
Mình muốn người ta hài lòng mình thì mình phải làm hài lòng khách hàng trước. Ví dụ như mình thấy người ta xách vali ra sân bay hay bến xe là mình biết người ta về quê rồi, mình chúc thì cũng không ai tiếc mình hai ba ngàn tiền bo đâu. Tại lúc đó người ta chỉ mong mình chúc một câu chúc thôi, nghe mình chúc thì người ta dù có đang bực bội cũng thấy hài lòng”.
Nhắc đến mong ước năm mới, mắt chị bừng sáng đầy hy vọng: “Điều mong ước nhất của mình là hết dịch. Dịch hết thì mình bớt khổ, công nhân cũng bơt khổ mà người đi làm cũng bớt khổ. Mọi người đi lại được, làm việc được thì công việc của mình là chạy xe cũng được. Mình còn con cái, gia đình nên không thể ngồi yên mà chờ đợi ai thương”.
Bình luận (0)