"Xin chào tất cả mọi người, mình là Mai Tây Bắc đây", lời chào mở đầu clip được chị Phạm Thị Phương Mai (32 tuổi, ở H.Bát Xát, Lào Cai) thể hiện thân thiện khi chế biến và giới thiệu món ăn đặc trưng của vùng cao Tây Bắc như: rau sắn muối chua, mít non kho thịt, cá nướng tỏi ớt…
Lan tỏa văn hóa vùng cao
Chia sẻ với Thanh Niên, chị Mai cho biết sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, tốt nghiệp đại học ngành hướng dẫn du lịch của Khoa Việt Nam học, ĐH Thành Đô. Chị kết hôn với anh Tẩn Tường Nhân (36 tuổi, dân tộc Dao, ở H.Bát Xát, Lào Cao) nên hiện theo chồng đến Tây Bắc. Trước đây, vợ chồng chị thực hiện những video đăng tải trên YouTube hỗ trợ trẻ mồ côi, những hoàn cảnh khó khăn ở trên bản. Tiếp xúc với bà con, chị nhận ra họ có rất nhiều nông sản sạch, ngon và hợp khẩu vị với gia đình. Năm ngoái, bà con buồn bã vì sâm đất được mùa nhưng thương lái không thu mua. Mùa đông Tây Bắc rất lạnh, mưa nhiều nhưng họ vẫn cố gắng địu mỗi lần 50 - 70 kg sâm vượt qua đường đất lầy lội để rồi lại phải bỏ ở bờ đường vì không bán được. "Bà con vất vả cả một năm nhưng không thu lại được chút vốn liếng nào nên tôi có ý định tìm cách tiêu thụ. Kênh "Mai Tây Bắc" được ra đời sau ý tưởng đó. Thời gian đầu, tôi thực hiện các clip với mục đích quảng bá hình ảnh đến mọi người và sau là giúp bà con tiêu thụ nông sản", chị nói.
Nữ TikToker giới thiệu các món trong cuộc sống hằng ngày của người Dao Đỏ ở Lào Cai, đồng bào người Thái ở Sơn La hay mâm cơm của chính gia đình chị.
"Một trong những món được cư dân mạng tò mò nhất là món pịa. Đây là món đặc trưng của người vùng cao, những người ở miền xuôi có thể thấy ghê nhưng khi ăn thơm ngon và không hề có mùi như tưởng tượng", chị Mai chia sẻ.
Giúp bà con tiêu thụ nông sản
Nữ chủ kênh tiếp cận với người xem trên khắp cả nước để quảng bá nông sản, đồng thời giới thiệu, bán các mặt hàng qua kênh TikTok với 500.000 lượt theo dõi và 7,3 triệu lượt thích. Các sản phẩm do chính tay chị làm hoặc của bà con trong vùng. "Từ khi xây dựng kênh, đi đến những vùng đồng bào xa xôi, dân tộc thiểu số khác, rất nhiều bà con nhận ra tôi. Họ cũng tin tưởng gửi những mặt hàng nông sản để nhờ tôi bán qua mạng xã hội", chị kể.
Ngoài những bình luận tích cực, chị Mai cũng thường xuyên đọc được những ý kiến cho rằng không có những món ăn kỳ lạ như trên clip. Với những ý kiến này, chị thường giải thích kỹ để cùng hiểu về văn hóa bà con Tây Bắc. Từ đó, qua kênh của chị, nhiều người dù khoảng cách địa lý xa xôi vẫn thấy Tây Bắc trở nên thật gần gũi, thân thuộc và mong ước được tới đó một lần. "Mỗi vùng miền có cách ăn khác nhau. Ẩm thực có tính kế thừa nên tôi luôn hướng mọi người đến việc tôn trọng cách ăn uống, món ăn lâu đời của bà con", chị Mai chia sẻ.
Anh Nhân, chồng chị Mai, cho biết thêm trước năm 2019 anh làm ở Hà Nội còn chị Mai sống ở Singapore. Thời điểm đó, anh chị chưa biết nhau. Anh cùng bạn kinh doanh nông sản nhưng không hiệu quả, thậm chí còn lỗ. "Tôi nhận ra chỉ đang đi phần ngọn của vấn đề nên quyết định về quê chuyển sang làm nội dung số kết hợp với giới thiệu nông sản, phần kinh doanh, phần giúp bà con. Giờ đây việc kinh doanh đã có thành quả như mong đợi, qua đó giúp bà con được nhiều hơn", anh nói.
Bình luận (0)