Trong quá trình xét xử phúc thẩm (từ ngày 14.11.2024), bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) đã đưa ra một loạt phương án cho rằng khối tài sản của bị cáo có thể đủ khắc phục hậu quả vụ án và "mong tòa cho bị cáo cơ hội được trở về".
Trong số hơn 1.120 mã tài sản là tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đơn vị được chỉ định thẩm giá là Công ty Hoàng Quân đã chỉ định giá của hơn 720 mã tài sản có giá khoảng 295.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng đó chỉ mới bằng 60% giá trị thực tế.
‘Núi’ tài sản của Trương Mỹ Lan đáng giá bao nhiêu?
Bị cáo Lan khai rằng: Đối với những tài sản là bất động sản chỉ cần bán 10% thì đã được 500.000 tỉ đồng. Đối với tài sản là cổ phần, cổ phiếu chỉ cần bán chưa đến 10% thì đã được 100.000 - 200.000 tỉ đồng.
Trong số mã tài sản đã được Công ty Hoàng Quân định giá, có dự án Mũi Đèn Đỏ được công ty này định giá chỉ có 18.000 tỉ đồng, nhưng bị cáo Lan cho biết có một công ty khác định giá khoảng 150.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, với tòa nhà số 19 - 21 - 23 - 25 Nguyễn Huệ (tại quận 1, TP.HCM), bị cáo Trương Mỹ Lan đề nghị hội đồng xét xử giải tỏa tòa nhà này, xin lại tài sản này để cho thuê, lấy tiền tu sửa biệt thự trên đường Võ Văn Tần (ở quận 3). Tòa nhà này hiện đang cho SCB thuê và từ nhiều năm nay SCB không thanh toán tiền thuê nhà. Theo bị cáo Trương Mỹ Lan, giá thuê tòa nhà này lên tới 400.000 USD/tháng.
Đối với 440 mã tài sản không được Công ty Hoàng Quân định giá, theo bị cáo Lan là có giá trị ít nhất 100.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, trong số 440 mã này, có những tài sản giá trị rất lớn như quyền sử dụng đất tại các tài sản: Tòa nhà số 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng; nhà đất 152 Trần Phú (tổng diện tích xây dựng hơn 300.000 mét vuông); Dự án Grand Central tại số 196 - 202 Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Đây là những dự án nằm trên địa bàn các quận 1 và quận 3 (TP.HCM).
Cũng theo bị cáo Trương Mỹ Lan, tổng giá trị của 440 mã tài sản không định giá được, theo trên sổ sách ước tính khoảng hơn 628.000 tỉ đồng, còn về giá trị thực khoảng 100.000 tỉ đồng.
Vụ án có hơn 30 mã tài sản không thế chấp tại SCB. Bị cáo Trương Mỹ Lan nói trước tòa rằng chỉ tính một số tài sản nổi bật như căn hộ tầng 1 và tầng 2 tại 78 Nguyễn Huệ, nhà đất 24 Lê Lợi, nhà đất 21 Trần Cao Vân, đang bị kê biên, có khoảng hơn 12.000 tỉ đồng. Trong đó, nhà đất 24 Lê Lợi và 21 Trần Cao Vân hiện đang đứng tên bị cáo Trương Huệ Vân và là tài sản do mẹ của bị cáo Lan tặng bị cáo Vân.
Số phận 2 chiếc túi Hermes cá sấu bạch tạng của Trương Mỹ Lan
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan còn có rất nhiều tài sản có giá trị rất lớn khác mà bị cáo đồng ý dùng để khắc phục cho vụ án.
Cụ thể, đối với 658 mã tài sản không bảo đảm cho bất kỳ khoản vay nào, đang bị cơ quan điều tra kê biên, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng đều là của gia tộc mình. Trong số đó có 2 dự án lớn là dự án cảng Sài Gòn và dự án Amigo (ở tứ giác Nguyễn Huệ). Theo bị cáo Lan, nếu dự án được phát triển đúng thời điểm và kịp thời thì sẽ mang về không dưới 200.000 tỉ đồng.
Riêng dự án 6A khu Trung Sơn (Bình Chánh, TP.HCM) có diện tích 26 hecta, đã nộp tiền sử dụng đất từ khoảng hơn 10 năm về trước, nhưng pháp lý bất cập nhiều năm qua, hiện đang bị SCB giữ. Bị cáo Lan khai rằng dự án này rất đẹp, theo như định giá của Công ty Hoàng Quân thì chỉ được khoảng 16.000 tỉ đồng. Thế nhưng, trước khi bị cáo bị bắt, đã có nhà đầu tư trả mức giá 40.000 tỉ đồng.
Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan nói bản án sơ thẩm buộc nhiều cá nhân, pháp nhân bồi hoàn cho mình hơn 21.000 tỉ đồng và hiện có nhiều người đồng ý trả lại. Tiếp đó, bị cáo Lan nhờ Hội đồng xét xử xem xét số tiền 5.000 tỉ đồng nộp vào để tăng vốn điều lệ cho SCB nhưng chưa được ghi nhận.
Từ sau phiên tòa sơ thẩm, gia đình bị cáo Trương Mỹ Lan đã nộp khắc phục 500 tỉ đồng. Số tiền này được nộp khắc phục cho giai đoạn 2 của vụ án. Trong thời gian xét xử phúc thẩm giai đoạn 1, gia đình bị cáo Lan tiếp tục nộp thêm 80 tỉ đồng.
Bình luận (0)