>> Thịt ngoại đè chăn nuôi nội
>> Chăn nuôi điêu đứng vì chống dịch yếu kém
>> Giá thức ăn chăn nuôi đè nông dân
Nhưng cũng trong 2 năm đó, số lượng và giá trị nhập khẩu thịt gia súc gia cầm đã tăng rất mạnh. Thịt ngoại "đè" thịt nội như một phần nguyên nhân của tình trạng treo chuồng, người chăn nuôi thua lỗ. Đó là một thực tế không thể phủ nhận. Sức cầu yếu do kinh tế khó khăn lại phải chia sẻ cho thịt nhập sẽ khiến đầu ra của thịt nội càng bế tắc hơn. Nhưng đặt giả thiết nếu chúng ta hạn chế thịt nhập hoặc kêu gọi người tiêu dùng trong nước mua thịt nội thì đời sống của người chăn nuôi trong nước có thể khá giả hơn không? Câu trả lời là không bởi ngành chăn nuôi phụ thuộc rất lớn vào nguyên liệu và nguồn thức ăn nhập khẩu với giá cao hơn 15 - 20% so với các nước trong khu vực. Có nhiều thời điểm, giá thức ăn chăn nuôi thế giới giảm nhưng giá trong nước vẫn tăng. Điều này dẫn đến nghịch lý, người chăn nuôi thua lỗ nhưng các công ty sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi vẫn lợi lớn. Vì vậy, nếu không giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu và thức ăn nhập khẩu, người tiêu dùng dù có ủng hộ thì cũng chỉ làm giàu cho các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi nước ngoài. Cuộc sống, thu nhập của người chăn nuôi nội vẫn bấp bênh.
Những ngày này nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo cũng đang lo lắng mua không đủ hàng cho hợp đồng đã ký trước đó, do thương lái đang đẩy giá gạo lên cao để gom hàng xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Đừng trách người nông dân trồng lúa bởi mồ hôi và nước mắt họ cũng vừa đổ trên vụ đông xuân được mùa nhưng giá rớt, lúa gạo chất đầy ruộng không người mua cách đây vài tháng. Ngay cả khi Chính phủ hỗ trợ mua lúa gạo dự trữ thì nhiều DN vẫn cố tình chần chừ, chậm trễ bất chấp sự sốt ruột của người nông dân. Vậy thì có lý do gì để họ từ chối các thương lái đến tận nhà trả giá cao? Câu chuyện này một lần nữa bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp của không ít DN xuất khẩu gạo hiện nay. Ký được hợp đồng thì chạy đi gom hàng còn ngược lại, họ bỏ mặc người nông dân tự xoay xở. Nên "mang tiếng" là người trực tiếp sản xuất ra nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, đa phần nông dân trồng lúa vẫn rất nghèo khó. Đó là nguyên nhân không ít người gắn bó lâu năm với cây lúa cũng đã quyết định từ bỏ đồng ruộng.
Trong bối cảnh như vậy, dự án chuyển đổi một phần diện tích trồng lúa sang trồng màu được đánh giá là hiệu quả, không chỉ giúp người nông dân trồng lúa có thu nhập cao hơn mà còn giúp ngành chăn nuôi giảm phụ thuộc vào thức ăn nhập khẩu. Thế nhưng, dự án này vẫn chưa được thực hiện đồng bộ, cụ thể.
Có rất nhiều nghịch lý xuất - nhập khẩu trong ngành nông nghiệp nội địa, từ câu chuyện muối ế trong kho nhưng vẫn nhập khẩu muối ăn; rau - củ quả nội bị chèn lấn bởi hàng Trung Quốc, hàng ngoại cho tới gạo, thịt, thức ăn chăn nuôi... Không có câu chuyện nào mới nhưng cái giá phải trả sẽ đắt hơn nếu Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết với thuế nhập khẩu nông sản, thực phẩm vào thị trường nội địa giảm xuống còn 0%.
Nước đã đến chân nhưng xem ra chúng ta vẫn chưa chịu nhảy.
Nguyên Khanh
Bình luận (0)