Nước mắt làng biển

02/04/2022 06:24 GMT+7

Trong đợt mưa gió bất thường ngày 31.3, nhiều tỉnh miền Trung bị thiệt hại nặng về người và của.

Phú Yên: Người dân một huyện mất trắng 125 tỉ đồng

Ngày 1.4, chúng tôi về các làng biển ở H.Tuy An (Phú Yên), chứng kiến những cảnh xơ xác do sóng gió bất thường gây ra ở đây. Thất thần nhìn về hướng con tàu tiền tỉ bị sóng đánh tan nát, anh Phạm Minh Đồng (ở xã An Hòa Hải, H.Tuy An) buồn bã nói: “Con tàu này có công suất 90 CV, trị giá hơn 1 tỉ đồng, cũng là cần câu cơm để tôi nuôi 5 miệng ăn trong gia đình. Nhưng không ngờ chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ đã bị sóng đánh tan nát. Giữa mùa hè, ai cũng nghĩ sóng chỉ nhỏ thôi, ai ngờ nó lại to và nhanh bất thường như một cơn bão dữ. Không ai ở làng biển này kịp trở tay, phòng bị”.

Không chỉ mất con tàu tiền tỉ, cơn gió bất thường còn phá hỏng 30 lồng tôm hùm trị giá hơn 1 tỉ đồng của anh Đồng. Toàn bộ gia sản của gia đình anh tan tành chỉ trong 2 giờ đồng hồ.

Tàu thuyền của ngư dân Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn, Bình Định bị sóng đánh dạt lên bờ

MINH LÊ

Cũng mất tiền tỉ vì thời tiết cực đoan, ông Đinh Hữu Lực (cùng ở xã An Hòa Hải) rầu rĩ: Ông nuôi 10.000 con tôm hùm lồng. Rạng sáng 31.3, thấy trời chuyển mưa gió nhỏ, chủ quan nên ông không chằng chống các lồng nuôi như trong mùa mưa bão. Hậu quả là hơn 7.000 con tôm giống bị nước cuốn trôi mất, thiệt hại hơn 1 tỉ đồng.

Ông Huỳnh Văn Khoa, Chủ tịch UBND H.Tuy An, cho biết đợt gió bất thường này, huyện có 33 tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; 600.000 con tôm hùm ươm ở xã An Hòa Hải bị sóng đánh vỡ lồng, mất trắng; hơn 2.400 lồng ươm tôm hùm giống bị cuốn trôi; hơn 100 bè nuôi tôm hùm ươm bị hư hỏng nặng… Tổng thiệt hại khoảng 125 tỉ đồng. Đến tối 1.4, trong số 2 người mất tích mới chỉ tìm thấy 1 thi thể.

Ngày 1.4, Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, đã chủ trì cuộc họp khẩn với các bộ, ngành, địa phương về tình hình thiên tai tại các tỉnh miền Trung và các biện pháp khắc phục. Phó thủ tướng đánh giá cao sự kịp thời khắc phục hậu quả của các địa phương trong đợt mưa lũ bất thường này và nhận định, thiên tai bây giờ không diễn biến theo quy luật nữa, do vậy các biện pháp ứng phó cũng phải linh hoạt hơn.

Theo ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, đợt mưa to gió lớn ngày 31.3, toàn tỉnh Phú Yên có 12 nhà ở bị hư hỏng, trong đó 2 nhà sập hoàn toàn; 1 trường tiểu học ở xã Xuân Sơn Bắc, H.Đồng Xuân bị tốc mái, hư hỏng khoảng 50%; 92 tàu, thuyền bị chìm; khoảng 2.450 lồng với 619.000 con tôm hùm ươm bị thiệt hại, hư hỏng, trôi dạt; 13.485 ha lúa vụ đông xuân bị ngập nước và ngã đổ; 292 ha hoa màu và các loại cây trồng khác bị hư hại… Tổng giá trị thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Phú Yên ước tính sơ bộ hơn 171 tỉ đồng.

Trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ tại các vùng biển bị thiệt hại, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, thông tin: “Để hỗ trợ người dân bị thiệt hại do thiên tai, tỉnh sẽ làm việc với các ngân hàng để khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất để người dân tái sản xuất”.

Quảng Trị: Hàng ngàn héc ta lúa nguy cơ mất trắng

Trong 24 giờ qua, trên địa bàn Quảng Trị có mưa lớn, ở vùng đồng bằng phổ biến 50 - 100 mm, vùng núi phổ biến 90 - 200 mm. Mực nước sông Ô Lâu, sông Hiếu xấp xỉ báo động 1.

Trên tuyến QL9, công trình gia cố ta luy âm, bạt ta luy dương đoạn từ Km 54+190 - Km 54+455 đang thi công nhưng mưa lớn gây sạt lở, lượng đất đá ở mái ta luy dương đổ sạt xuống chắn ngang, thu hẹp 1/2 mặt đường khiến giao thông bị ách tắc cục bộ.

Nước lũ tràn vào xã Hải Phong (H.Hải Lăng, Quảng Trị)

THANH LỘC

Tại H.Đakrông, ngầm tràn Ba Lòng đang ngập 1,5 - 2 m gây chia cắt cục bộ xã Ba Lòng với trung tâm huyện. Tại H.Triệu Phong, ngoài 1 ngôi nhà tốc mái, ngập lụt diễn ra tại các xã vùng trũng như Triệu Tài, Triệu Trạch, Triệu Trung và Triệu Sơn. Riêng tại H.Hải Lăng, đê bao một số điểm cục bộ bị nước tràn qua như Hải Thọ, Hải Định, Hải Dương, Hải Phong, Hải Trường, Hải Lâm. Chính vì thế, tại H.Hải Lăng có tới 2.985 ha lúa ngập úng, ngã đổ…

Mưa lớn, hàng ngàn ha lúa ở Quảng Trị chìm trong biển nước, nguy cơ mất trắng

Trưa hôm qua 1.4, nước lũ đã tràn vào thôn xóm ở xã Hải Phong, dân làng phải dùng bao tải đắp đê cát ngăn lũ vào đồng lúa. Ông Bùi Xuân Giang, Chủ tịch UBND xã Hải Phong, cho hay nước đã tràn qua toàn bộ đê bao của xã, uy hiếp hơn 1.000 ha lúa mới gieo trồng.

Quảng Nam: Lũ cuốn 1 công nhân mất tích

Lúc 11 giờ 45 ngày 1.4, tại khu vực mỏ đá của Công ty Đại Hồng Phúc (xã A Tiêng, H.Tây Giang, Quảng Nam), anh Đoàn Viết Dương (36 tuổi, ngụ Hải Phòng) lái xe máy múc, trên xe có thêm hai công nhân khác đang cố đi qua cầu ngầm từ nơi làm việc về nơi ở thì bất ngờ nước lũ dâng cao, chảy xiết cuốn trôi máy múc cùng 3 công nhân này. Sau đó, 2 công nhân tự bơi được vào bờ; riêng anh Dương bị cuốn trôi, mất tích.

Ông Nguyễn Văn Lượm, Chủ tịch UBND H.Tây Giang, cho hay chính quyền địa phương đã huy động lực lượng phối hợp với người dân tổ chức tìm kiếm. Tuy nhiên đến tối qua vẫn chưa tìm thấy anh Dương. Mưa lớn cũng khiến một số tuyến đường trên địa bàn huyện sạt lở.

Ông Trương Xuân Tý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam, xác nhận tính đến chiều 1.4, toàn tỉnh ghi nhận 19.748 ha lúa, rau màu các loại bị ảnh hưởng. Trong đó, có 14.253 ha lúa bị đổ ngã, ngập; 5.495 ha rau màu các loại bị ngập, 3.172 ha lạc (đậu phộng), khoảng 100.000 cây hoa, cây cảnh bị ảnh hưởng và khoảng 200 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập. Ngoài ra, có 1 điểm sạt lở tuyến đường Tak Ngo - Măng Lùng (xã Trà Linh, H.Nam Trà My) gây ách tắc giao thông.

Hơn 4.500 ha lúa đông xuân ở Quảng Ngãi bị hư hại

Tại Quảng Ngãi, theo Sở NN-PTNT, mưa lớn từ ngày 30.3 - 1.4 đã khiến 4.500 ha lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh bị ngập úng, hư hại. Sáng 1.4, Sở NN-PTNT đi kiểm tra, đánh giá thiệt hại do mưa lớn gây ra.

Lúa bị ngã đổ ở cánh đồng xã Đức Chánh, H.Mộ Đức, Quảng Ngãi

HẢI PHONG

Ông Nguyễn Quang Trung, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Ngãi, cho biết các đoàn kiểm tra sẽ khuyến cáo người dân tháo nước để cho hạt lúa không bị nảy mầm do ngập úng. Với diện tích bị đổ ngã gần đến giai đoạn thu hoạch, thì khẩn trương thu hoạch.

Bình Định: 34 tàu thuyền, 17 thúng bị nhấn chìm

Theo thống kê, sóng to, gió lớn sáng 31.3 đã làm đứt dây neo, nhấn chìm 34 tàu thuyền, 17 thúng gắn động cơ, 2 ca nô composite du lịch ở xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn, Bình Định). Xã Nhơn Hải bên cạnh cũng có 1 xuồng, 1 thuyền thúng và 1 bè du lịch bị thiệt hại. Người dân ở xã Nhơn Lý nói, giông lốc vào thời điểm cuối tháng 3 là hiện tượng thiên tai bất ngờ, chưa từng gặp nên không có sự chuẩn bị tốt để phòng, tránh.

Trước mắt, UBND TP.Quy Nhơn đã trích ngân sách hỗ trợ 2 triệu đồng đối với mỗi hộ có tàu thuyền bị chìm, hư hỏng; UBND tỉnh Bình Định hỗ trợ từ 5 - 15 triệu đồng/tàu thuyền bị chìm… Ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định, cho biết: Lượng mưa những ngày qua tại Bình Định rất lớn và kèm theo lốc xoáy, nên đánh chìm hầu hết tàu thuyền đang neo đậu gần bờ của ngư dân Nhơn Lý, TP.Quy Nhơn. Các hồ chứa nước cũng có nguy cơ đầy, tràn. Hiện tại mực nước đã đạt 90 - 95% dung tích hồ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.