Dự báo ngập vùng trũng thấp, ven sông
Ngày 19.9, thông tin từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho hay, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long đang lên nhanh. Dự báo đến ngày 22.9, mực nước cao nhất tại Tân Châu lên mức 3,40m, dưới báo động 1 là 0,1m; tại Châu Đốc lên mức 3,20m trên mức báo động 1 là 0,2m; các trạm hạ lưu có khả năng lên mức báo động 2, báo động 3, có nơi trên báo động 3 từ 0,1-0,25m.
Trước đó, mực nước cao nhất ngày 17.9, trên sông Tiền tại Tân Châu 2,63m, trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,49 m. Dự báo mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên nhanh, cảnh báo trong 5 ngày tới, lũ thượng nguồn về kết hợp với triều cường tăng cao nguy cơ ngập lụt xảy ra tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An và các vùng trũng thấp, ven sông tại các tỉnh hạ nguồn sông Cửu Long như: Cần Thơ, Vĩnh Long. Đề phòng tình trạng sạt lở bờ bao, đê bao yếu tại các vùng xảy ra ngập lụt.
Các tỉnh đầu nguồn tăng cường ứng phó
Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cho biết, tỉnh đã xuống giống hơn 156.000 ha lúa vụ thu đông 2024 và hơn 6.000 ha hoa màu… Để chủ động trước tình hình nước lũ lên nhanh, ngày 4.9 tỉnh đã cho vận hành mở cống Tha La và Trà Sư để điều tiết lũ, đưa phù sa từ sông Hậu vào cải tạo ruộng đồng, lấy nước tưới cho khoảng 17.500 ha đất. Đồng thời, cũng giúp kiểm soát lũ của vùng tứ giác Long Xuyên với diện tích tự nhiên 498.000 ha thuộc 3 tỉnh An Giang, Kiên Giang và TP.Cần Thơ. Sở NN-PTNT tỉnh An Giang cũng triển khai cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 15 công trình đê bao lớn ở các huyện Chợ Mới, Thoại Sơn, Châu Phú, An Phú… nhằm bảo vệ diện tích nông nghiệp của người dân.
Hiện Đồng Tháp đã xuống giống gần 113.000 ha lúa vụ thu đông, trong đó đã thu hoạch 6.000 ha, diện tích còn lại chủ yếu đang giai đoạn mạ và trổ chín. Ngoài ra, tỉnh còn hơn 4.000 ha hoa màu đã xuống giống chưa thu hoạch và gần 44.000 ha diện tích trồng cây ăn trái chủ yếu tập trung ở các huyện phía nam của tỉnh như: Cao Lãnh, Lai Vung, Lấp Vò, Châu Thành, Sa Đéc… Đa số các diện tích lúa, hoa màu và cây ăn trái của của tỉnh Đồng Tháp đều trong khu vực đê bao. Tuy nhiên trường hợp lơ là, không chủ động các phương án bảo vệ, thiệt hại là khó tránh nếu xảy ra vỡ đê, gây ngập úng.
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, trong 3 ngày liên tiếp từ 16.9 đến 18.9 mực nước ở các huyện phía nam tỉnh Đồng Tháp đã dâng cao theo đợt triều cường dịp rằm tháng 8 âm lịch. Dự báo của ngành thủy văn, trong các ngày từ 21-23.9 do lũ thượng nguồn về kết hợp kỳ triều cường khu vực các huyện phía nam tỉnh Đồng Tháp sẽ ngập sâu, nhất là khu vực ngoài đê bao, vùng bãi bồi, uy hiếp vùng vùng đê bao thấp, các vùng trồng cây ăn trái...
Ông Nguyễn Văn Vũ Minh, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết: Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo các ngành và các địa phương có phương án chủ động bảo vệ sản xuất, đảm bảo an toàn cho người dân. Các địa phương cần có phương án đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, bơm tiêu úng bảo vệ an toàn sản xuất nông nghiệp. Chủ động kiểm tra và chỉ đạo triển khai phương tiện ứng phó, rà soát các khu dân cư ven sông, khu vực thấp trũng, xác định các vị trí xung yếu trên các tuyến đê bao, bờ bao; gia cố hệ thống đê bao, bờ bao, cống, trạm bơm còn thấp để triển khai khắc phục. Kiểm tra khu vực bờ sông có nguy cơ xảy ra sạt lở để cảnh báo, cắm biển báo để đảm bảo an toàn cho người dân…
Bình luận (0)