Sau khi tốt nghiệp THPT, Lê Hữu Như Ý tới TP.Đà Nẵng làm nghề dẫn tour du lịch và gặp chị Lương Thị Mai Hương, quê xã Sơn Hóa, H.Tuyên Hóa, Quảng Bình. Sau khi kết hôn, hai vợ chồng "cày cuốc" ở đất khách được thêm 2 năm thì dịch Covid-19 bùng phát, năm 2020, cả hai thất nghiệp, phải về Quảng Bình.
"Thời điểm dịch thực sự rất khó khăn, phải tạm dừng công việc đang làm. Trong những ngày dài chờ dịch chấm dứt, mình lướt internet thì tình cờ phát hiện nghề nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế là mình bàn với vợ về quê, liều mình thử sức", anh Ý kể.
Sau khi tìm hiểu, anh Ý mua dúi về nuôi thử nghiệm. Ban đầu, anh có ý định nuôi dúi rừng mà người dân săn bắt được, nhưng không hiệu quả bởi việc cho dúi tự nhiên thích nghi với môi trường nuôi nhốt rất khó. Vậy là anh lặn lội ra Thanh Hóa tìm mua 8 cặp dúi giống thương phẩm tiếp tục nuôi thử nghiệm.
Nhờ quá trình tìm hiểu về cách chăn nuôi và chăm sóc kỹ lưỡng, dúi của anh phát triển tốt, sinh sản được. Dần dần, anh mở rộng quy mô trang trại.
Theo anh Ý, ban đầu nuôi thử nghiệm, toàn bộ vốn đều từ tiền tích góp được. Sau khi xác định được nuôi dúi có nhiều cơ hội thành công, anh quyết định vay thêm vốn, mở rộng trang trại.
"Mình mất gần một năm vừa thử nghiệm vừa tìm cách chăm sóc tốt và tìm thị trường. Đến nay trang trại dúi của mình có khoảng 500 con và đã xuất bán không chỉ ở địa phương mà còn đến các tỉnh, thành lân cận như Hà Tĩnh, Quảng Trị", anh Ý cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm sau 3 năm đồng hành với loài "chuột rừng", anh Ý cho biết dúi dễ nuôi, dễ tìm nguồn thức ăn nhưng cũng rất dễ bị bệnh. Khi nuôi dúi cần tạo môi trường sống khô ráo, thoáng mát, thức ăn phải sạch sẽ vì dúi rất dễ bị đau bụng. Nếu đau bụng, chỉ 2-3 ngày sau dúi sẽ chết.
Trang trại của anh Ý đang nuôi chủ yếu 2 loài dúi mốc và dúi má đào. Anh cũng nhân giống được số lượng lớn dúi bán đi các tỉnh, thành phía nam và các trang trại trên địa bàn. Hiện nay dúi thịt có giá khoảng 550.000 đồng/kg, dúi giống từ 1 - 4 triệu đồng/cặp.
"Thu nhập từ trang trại dúi của mình trung bình mỗi năm trên 300 triệu đồng. Sắp tới mình sẽ tiếp tục xây dựng, mở rộng quy mô và hoàn tất hồ sơ để đăng ký thương hiệu cho sản phẩm của mình", anh Ý chia sẻ.
Ông Nguyễn Quyết Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hóa (H.Tuyên Hóa), nhìn nhận: "Trước đây ở xã người dân chỉ nuôi lợn, gà. Trang trại dúi của anh Ý đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân. Nhận thấy mô hình nuôi dúi mang lại hiệu quả kinh tế cao, chính quyền xã đã quan tâm tạo điều kiện cho trang trại của anh Ý và nhiều người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi dúi".
Bình luận (0)