Anh Nhâm kể, đầu năm 2015, khi đang làm công nhân ở tỉnh Bắc Giang, anh được công ty cho đi tham quan một số mô hình kinh tế rất hiệu quả tại địa phương. Khi vào xem một trại nuôi dúi, anh Nhâm lập tức bị thu hút bởi loài động vật hoang dã thuần chủng này. Bởi theo giới thiệu của chủ trang trại thì dúi rất dễ nuôi, ít bệnh tật và không cần bỏ ra chi phí lớn nhưng vẫn mang lại nguồn thu nhập ổn định.
“Đó cũng là ngày mà tôi tận mắt chứng kiến việc nuôi dúi, cách người ta chăm sóc nó. Khi ấy, tôi chỉ muốn về quê ngay lập tức để làm theo mô hình này”, anh Nhâm nhớ lại.
Mô hình nuôi dúi của anh Nhâm đang cho thu nhập khá |
PHẠM ĐỨC |
Lúc trở lại công ty làm việc, suy nghĩ của anh Nhâm vẫn cứ luẩn quẩn xoay quanh việc có từ bỏ công việc hiện tại để về quê khởi nghiệp hay không. Cuối cùng, anh vẫn quyết tâm theo đuổi dự định này sau nhiều lần đắn đo. Nhưng để ý tưởng đó thành hiện thực, anh biết phải trang bị cho mình những kiến thức cơ bản trước. Vì thế, cứ đến ngày cuối tuần được nghỉ việc là anh Nhâm lại chạy xe máy xuống trại dúi để nhờ “chỉ việc”.
Sau 1 năm tích lũy quy trình và kỹ thuật chăm sóc, anh quyết định xin nghỉ việc ở công ty để trở về quê làm lại từ đầu.
Ban đầu, anh Nhâm ra Nghệ An mua 3 cặp dúi giống về nuôi thử nghiệm. Vì mới nuôi lần đầu nên anh không dám mạo hiểm nuôi nhiều, chuồng trại cũng chưa dám bỏ tiền đầu tư xây dựng lớn.
“Nuôi được thời gian thì một cặp dúi chết do bị tiêu chảy. Sau khi tìm hiểu mới biết ngoài thức ăn chính của dúi như tre nứa, mía thì cần phải bổ sung thêm sắn, cỏ voi để giúp chúng cải thiện được đường ruột”, an Nhâm nói.
Với cách chăm sóc này, 2 cặp dúi “sống sót” đã bắt đầu sinh sản, mỗi cặp đẻ được từ 4 con. Đến năm 2018, nhận thấy có tín hiệu khả quan, anh Nhâm đầu tư 100 triệu đồng, xây chuồng trại rộng 150 m2 và mua thêm 20 cặp dúi giống để mở rộng mô hình.
Mô hình cho thanh niên học hỏi
Chia sẻ về tập tính của dúi, anh Nhâm nói rằng một con dúi cái trưởng thành mỗi năm đẻ khoảng từ 3 - 4 lứa, mỗi đợt từ 3 - 5 con. Dúi mẹ mang bầu thường đúng 48 ngày là đẻ con. Dúi con nuôi được vài tháng thì tách mẹ, nuôi theo cặp đực cái để bán cho khách hàng tiếp tục nuôi. Dúi mẹ sau khi tách con khoảng 1 tuần thì được ghép đôi để tiếp tục phối giống.
“Một cặp dúi giống hiện nay đang được bán từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, còn dúi thương phẩm nuôi lấy thịt thì có giá 500.000 đồng/kg. Suốt 3 năm nay, mỗi năm tôi thu về hơn 300 triệu đồng từ tiền bán dúi giống và thương phẩm, trừ hết chi phí thì được khoảng 200 triệu đồng”, anh Nhâm phấn khởi cho biết.
Hiện, anh Nhâm sở hữu trại dúi quy mô 200 con, chủ yếu là dúi bố mẹ phục vụ sinh sản. Anh dự định năm nay sẽ mở rộng chuồng trại lên gấp đôi vì nhu cầu dúi thương phẩm đang được thị trường ưa chuộng.
Anh Phan Tiến Cường, Bí thư Đoàn xã Sơn Hồng, cho hay mô hình nuôi dúi của anh Nhâm đang thu hút đoàn viên thanh niên trong tỉnh đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm. Thời gian tới, Đoàn xã Sơn Hồng sẽ tích cực tìm nguồn hỗ trợ để khuyến khích các bạn trẻ địa phương học tập, làm theo mô hình này.
Bình luận (0)