Dân tự chuyển đổi
Xã Tam Hòa (H.Núi Thành, Quảng Nam) được xem là vựa muối lớn nhất Quảng Nam. Khi muối còn được giá, nghề này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân địa phương. Nhưng từ năm 2016, giá muối không còn ổn định và thậm chí rớt giá thê thảm, cộng với khí hậu thất thường khiến các diêm hộ gặp khó. Nhiều hộ quyết định cải tạo ruộng muối, bỏ thêm tiền để đầu tư ao nuôi, máy móc, trang thiết bị rồi thả nuôi tôm thẻ chân trắng lót bạt.
Ông Bùi Ngọc Tiên (ở thôn Đông An, xã Tam Hòa) cho biết, trước đây khi còn làm muối, nếu thời tiết thuận lợi thì mỗi ngày ông thu được từ 200.000 - 300.000 đồng. Nhưng chỉ cần xuất hiện một trận mưa giông là toàn bộ ruộng muối “tiêu tan”. Làm muối quá lệ thuộc vào thời tiết. Năm 2019, gia đình ông đầu tư 200 triệu đồng để cải tạo, biến ruộng muối rộng 1.800 m2 thành ao nuôi tôm. Vụ tôm đầu tiên, ông thả nuôi 210.000 con tôm thẻ chân trắng. Sau hơn 3 tháng thì tôm đạt đủ kích cỡ để cho thu hoạch với sản lượng trên 3 tấn. “So với làm muối, số tiền đầu tư cho một ao nuôi tôm cao gấp nhiều lần nhưng hiệu quả mang lại cũng tương xứng với số tiền bỏ ra. Nếu gặp điều kiện thuận lợi, sau 3 tháng thả nuôi thì một ao tôm rộng khoảng 1.800 m2 của gia đình chúng tôi có thể cho nguồn lãi cả trăm triệu đồng”, ông Tiên nói.
Ông Nguyễn Văn Bình (ở thôn Đông An) cũng đã sớm chuyển từ muối qua tôm, đến nay là vụ thứ 2. Với hồ rộng 1.200 m2, vụ đầu tiên gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. “Nghề muối nếu thời tiết thuận lợi có thể sản xuất được từ tháng 2 đến tháng 7 âm lịch. Giá muối ổn định thì không nói, những lúc giá bấp bênh thì cũng chỉ lấy công bù lỗ. Vì không muốn bỏ hoang đồng ruộng và chưa có hướng đi phù hợp nên chúng tôi chuyển đổi nghề. Hầu hết những hộ trước đây làm muối đều đã chuyển qua nuôi tôm”, ông Bình chia sẻ.
Khuyến khích nhưng cần kiểm soát môi trường
Ông Trương Công Bình, Phó chủ tịch UBND xã Tam Hòa, cho biết tính đến thời điểm hiện tại, người dân địa phương đã chuyển đổi khoảng 15 ha ruộng sản xuất muối sang nuôi tôm. Các chân ruộng chuyển đổi đều nuôi rất hiệu quả, tăng được nguồn thu nhập cho người dân trong vùng, gấp hàng chục lần so với làm muối. “Chính quyền địa phương khuyến khích người dân chuyển đổi sang hướng đi hiệu quả hơn. Dù không có chính sách hỗ trợ về vật chất nhưng xã cũng giúp người dân về mặt pháp lý, thực hiện các thủ tục chuyển đổi cũng như hướng dẫn kỹ thuật nuôi”, ông Bình nói. Cũng theo ông Bình, vấn đề quan trọng nhất của hồ tôm chính là môi trường và bước đầu địa phương khuyến cáo người dân xử lý nước thải, ao nuôi đúng quy định, tránh gây ô nhiễm và gia tăng nguy cơ dịch bệnh.
Ông Lê Văn Hiệp, cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản của Phòng NN-PTNT H.Núi Thành, cho hay việc chuyển đổi nghề làm muối sang nuôi tôm đã cho thấy tính năng động của người dân. Phòng khuyến khích người dân chọn mua tôm giống chất lượng, có kiểm dịch, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Các loại thức ăn, vật tư, thuốc thú y nuôi tôm cũng cần được chọn lựa kỹ càng. Hộ nuôi tôm cũng cần tiếp cận các quy trình kỹ thuật tiến bộ, nhất là nuôi tôm VietGAP, vừa đạt năng suất cao vừa có thị trường ổn định.
Bình luận (0)