Ồ ạt 'xẻ thịt' lòng hồ, xây dựng trái phép: Cục Thủy lợi kiến nghị chính quyền xử lý nghiêm

29/09/2024 06:20 GMT+7

Sau khi Báo Thanh Niên đăng tải loạt bài 'Ồ ạt "xẻ thịt" lòng hồ, xây dựng trái phép' số ra ngày 25, 26, 27.9, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam (Bộ NN-PTNT) cho biết đã phát hiện 50 trường hợp vi phạm đào đắp, san lấp, xây dựng, trồng cây, làm hàng rào… trong khu vực hành lang bảo vệ an toàn lòng hồ Phước Hòa.

Ngày 28.9, Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Miền Nam (gọi tắt Công ty thủy lợi Miền Nam) đã có văn bản khá chi tiết, gửi Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Phước, Bình Dương… báo cáo về tình hình vi phạm và công tác quản lý các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Phước Hòa mà Báo Thanh Niên phản ánh.

50 trường hợp xâm phạm lòng hồ

Theo đó, hệ thống thủy lợi Phước Hòa có hồ chứa điều tiết ngày với dung tích 21 triệu m3, cấp nước tại chỗ cho tỉnh Bình Dương, Bình Phước và chuyển về hồ Dầu Tiếng để cấp bổ sung cho các tỉnh Tây Ninh, Long An và TP.HCM sử dụng vào các mục đích dân sinh, kinh tế và cải thiện môi trường.

Ồ ạt 'xẻ thịt' lòng hồ, xây dựng trái phép: Cục Thủy lợi kiến nghị chính quyền xử lý nghiêm- Ảnh 1.

Hàng loạt công trình vi phạm tại hồ Phước Hòa

ẢNH: HOÀNG GIÁP

Ồ ạt 'xẻ thịt' lòng hồ, xây dựng trái phép: Cục Thủy lợi kiến nghị chính quyền xử lý nghiêm- Ảnh 2.

Công trình trong lòng hồ gây nguy cơ mất an toàn

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Năm 2011, hệ thống hồ thủy lợi Phước Hòa được Bộ NN-PTNT bàn giao cho Công ty thủy lợi Miền Nam vận hành, khai thác và bảo vệ với diện tích lưu vực chứa nước rộng 5.193 km2. Trong đó, phần diện tích đã được giải phóng mặt bằng khoảng hơn 2.000 ha, giới hạn trong vùng bán ngập tính đến cầu Nha Bích (xã Nha Bích, TX.Chơn Thành, Bình Phước) dài khoảng 17 km.

Cuối năm 2014, Công ty thủy lợi Miền Nam triển khai công tác đo đạc, cắm mốc ranh giới đất vùng bán ngập (đất thủy lợi) phía thượng nguồn hồ Phước Hòa thuộc nhánh Xa Cát (H.Chơn Thành, Bình Phước) và nhánh Sông Bé (H.Phú Giáo, Bình Dương), giao cho các địa phương để phối hợp quản lý.

Ồ ạt 'xẻ thịt' lòng hồ, xây dựng trái phép: Cục Thủy lợi kiến nghị chính quyền xử lý nghiêm- Ảnh 3.

Công ty thừa nhận những công trình vi phạm mà Báo Thanh Niên nêu

ẢNH: HOÀNG GIÁP

Ồ ạt 'xẻ thịt' lòng hồ, xây dựng trái phép: Cục Thủy lợi kiến nghị chính quyền xử lý nghiêm- Ảnh 4.

Cửa xả lũ từ hồ Phước Hòa ra sông Bé

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Tuy nhiên, khu vực vùng bán ngập (đã được đền bù) vẫn xảy ra tình trạng lấn chiếm để trồng cao su, cây ăn trái, cây cảnh quan và hoạt động đào ao, đắp bờ bao, san lấp, tôn nền, trồng cây lâu năm, xây dựng công trình làm nhà ở, homestay nghỉ dưỡng trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi (như phản ánh của Báo Thanh Niên). "Hằng năm, công ty đều lập kế hoạch kiểm tra, bảo vệ với sự tham gia, phối hợp của các đơn vị địa phương kiểm tra, phát hiện nhiều trường hợp vi phạm. Đến nay có 50 trường hợp vi phạm (kèm theo danh sách; ước tính hơn 300.000 m2 - PV) đào đắp, san lấp, xây dựng, trồng cây, làm hàng rào... ", ông Trần Quang Hùng, Giám đốc Công ty thủy lợi Miền Nam, nêu trong báo cáo.

Những tồn tại mà Báo Thanh Niên phản ánh, Công ty thủy lợi Miền Nam cho rằng đã kiểm tra, phát hiện và phối hợp với địa phương để xử lý được một số vụ. "Tuy nhiên, trước tình hình phát triển KT-XH các địa phương, tình trạng lấn chiếm sử dụng đất đai trong phạm vi bảo vệ hồ chứa không đúng mục đích rất phức tạp, ảnh hưởng đến nhiệm vụ của hồ, gây mất an ninh trật tự, nguy cơ mất an toàn khi hồ tích nước", báo cáo nêu.

Đùn đẩy trách nhiệm?

Giải thích về nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm lòng hồ, phía Công ty thủy lợi Miền Nam cho hay một số cọc mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi hồ Phước Hòa đã cắm trước đây bị mất do hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân trong hồ, vị trí cắm quá thưa (300 m/mốc).

Ồ ạt 'xẻ thịt' lòng hồ, xây dựng trái phép: Cục Thủy lợi kiến nghị chính quyền xử lý nghiêm- Ảnh 5.

Hồ Phước Hòa tích 21 triệu mét khối nước phục vụ công nghiệp, dân sinh

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Ồ ạt 'xẻ thịt' lòng hồ, xây dựng trái phép: Cục Thủy lợi kiến nghị chính quyền xử lý nghiêm- Ảnh 6.

Kênh thủy lợi dẫn nước từ hồ Phước Hòa về cung cấp cho hồ Dầu Tiếng

ẢNH: ĐỖ TRƯỜNG

Phía công ty cũng "đổ lỗi" cho lòng hồ vào mùa cạn, nước xuống thấp, lục bình dày đặc, ca nô không thể hoạt động; phía trên người dân bao chiếm đất, dựng hàng rào gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện kịp thời vi phạm. Nhiều diện tích vi phạm được bán cho người từ nơi khác đến nên khó khăn trong việc liên hệ, làm việc trực tiếp với chủ đất.

Ngoài ra, hồ Phước Hòa hình thành do ngăn dòng Sông Bé, việc quản lý hành lang bảo vệ công trình, nguồn nước phức tạp, chu vi lòng hồ lớn, nhiều nhánh sông, suối, địa bàn quản lý rộng trong khi nguồn lực công ty còn hạn chế về lực lượng kiểm tra, giám sát còn mỏng và không có chức năng, thẩm quyền xử phạt, cưỡng chế xử lý vi phạm, công tác phối hợp với các địa phương còn chưa thực sự chặt chẽ, hiệu quả.

Để quản lý tốt phạm vi vùng lòng hồ Phước Hòa theo các mốc chỉ giới đã được cắm, đảm bảo dung tích, nhiệm vụ hồ chứa, an ninh trật tự, an toàn tính mạng về người và tài sản khi hồ tích nước trong mùa mưa lũ, Công ty thủy lợi Miền Nam đề nghị UBND tỉnh Bình Dương và Bình Phước chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tăng cường xử lý vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi theo quy chế phối hợp đã ký.

Đồng thời, công ty cũng đề nghị Bộ NN-PTNT, UBND tỉnh Bình Dương, Bình Phước quan tâm, hỗ trợ kinh phí triển khai phương án khôi phục, cắm bổ sung, tăng dày mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi ở cao trình +42,9 m, +44 m và +47,2 m theo hiện trạng lòng hồ, khu vực đông dân cư để xác định rõ phạm vi, làm cơ sở quản lý.

Cán bộ Phòng TN-MT "ký giùm" biên bản vi phạm cho người nhà

Trong danh sách vi phạm lấn chiếm đất lòng hồ, xây dựng trái phép do Công ty thủy lợi Miền Nam cung cấp, có tên của một cán bộ Phòng TN-MT TX.Chơn Thành (Bình Phước) và tên người phụ nữ (lấn chiếm 2.100 m2 đất bán ngập lòng hồ, trồng cây, làm đường lát gạch trái phép 200 m2). Trả lời câu hỏi của PV Thanh Niên sáng 28.9, vị cán bộ Phòng TN-MT giải thích: "Người có tên trong danh sách vi phạm là cô bên vợ". Vậy tại sao lại có tên của cán bộ trong danh sách vi phạm? Vị cán bộ này tiếp tục giải thích: "Do lúc cơ quan chức năng kiểm tra, người cô nhà ở xa, không có mặt kịp thời và tôi ở gần đó nên chỉ ký biên bản giùm".

Cục Thủy lợi yêu cầu xử lý vi phạm

Sau khi Báo Thanh Niên đăng loạt bài Ồ ạt "xẻ thịt" lòng hồ, xây dựng trái phép, Cục Thủy lợi (Bộ NN-PTNT) đã ban hành văn bản yêu cầu Công ty thủy lợi Miền Nam phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra xác minh, báo cáo thực trạng vi phạm nêu trên; kịp thời ngăn chặn những vi phạm đang tiếp diễn và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.