Trên dải đất dài như cái đòn tre gánh hai đầu đất nước, sau mốc thời gian đó, người dân tạm yên tâm gieo trồng vụ rau, hoa cho Tết Nguyên Đán.
Những cơn mưa quê mình thường bắt đầu từ tháng cuối thu. Sau những đêm mênh mang trăng vàng, rập rình tiếng trống múa lân, lung linh ánh đèn lồng, trời vần vũ mây xám, và mưa rải rác tháng chín, lê thê tháng mười, dầm dề tháng mười một... nói mộc mạc là “mưa thúi đất thúi cát”. Mưa đi cùng người bạn lạnh giá. Lúc đầu chỉ se se, sau buôn buốt, dần dà “lạnh cắt da cắt thịt”. Người quê mình ăn trong tiếng mưa, ngủ với tiếng mưa, thức giấc cùng tiếng mưa. Sáng áo mưa lướt thướt đi học, đi làm; chiều sùm sụp áo tơi về nhà là chuyện rất quen.
Ấu thời và 12 năm học trò của mình trôi qua trong căn nhà giữa khu vườn rộng, bên ba mẹ và các anh chị em. Nhà thuộc xã ven thị. Đến năm 2005, thị xã lên thành phố, nơi chôn nhau cắt rún của mình trở thành phường – Phường Chánh Lộ, thành phố Quảng Ngãi. Lớn lên đi học, đi làm xa, Tết và hè mình mới được về quê. Đêm ngủ trong căn phòng quen, nghe tiếng gió lùa qua cây lá; sáng ngắm bóng hoa lay bên thềm cũ, lòng rất đỗi bình an.
Nghỉ hưu, mình về ở vườn nhà xưa một năm để thưởng thức lại đủ bốn mùa. nhất là mùa đông, mùa mà khi xa nhà, mình ít về. Có người nói Quảng Ngãi thuộc vùng khí hậu nam đèo Hải Vân, làm gì có đủ bốn mùa. Mình vẫn cảm nhận chút xuân, thu chen trong hai mùa đông hạ ở quê. Tháng giêng quê mình có nắng ấm, óng ả màu mật ong trên vạt cải hoa vàng. Tháng tám, chiều tà, gió se se, hoa chạc chìu nở trắng trên bờ rào quanh vườn có chút hiu hắt rất thu.
Về từ đầu hạ, mình trải qua những ngày nắng gắt. Rồi tháng chín, thiên nhiên như người tình đúng hẹn đem mưa về. Co ro trong áo len, ngắm mảnh sân đầy nước, mình nhớ những cuộc đua thuyền giấy tuổi thơ ... Vườn tươi tốt trong mưa, cỏ dại, chen lẫn rau dền, càng cua, mã đề ... vươn lên non mướt. Ra vườn quơ một lúc, đầy rổ rau tập tàng mà vị ngọt không siêu thị nào sánh bằng.
Mưa đưa mình về những ngày mùa đông học trò. Cổng trường trung học lớn nhất thị xã uy nghi sau màn mưa, nhấp nhô nhiều chiếc dù học trò tỏa về các lớp. Cỏ sân trường xanh mướt ngâm nước mưa trong veo. Những hàng cây long não trong sân đẫm ướt xanh mịt mùng trong hơi nước lẫn sương mù. Từng giờ học trôi qua trong tiếng mưa. Tan học cũng mưa như thơ Phạm Thiên Thư: “Em tan trường về. Đường mưa nho nhỏ”. Có cậu học trò lặng lẽ theo sau chiếc dù xinh xinh của cô bạn học, đang vô tư nhịp guốc, không hay biết một mối tình trẻ thơ.
Mưa trên mái ngói rêu phong nhắc nhở cảnh cả nhà còn đông đủ, ấm áp... Nhưng mùa đông quê nhà không chỉ có mưa êm đềm mà còn có những cơn bão lụt khốn khổ. Mưa nhiều cùng nước nguồn ập về, sông Trà Khúc dâng ngập thị xã. Nghỉ học, đám anh chị em rủ nhau canh nước lụt đang bò vào cuối vườn, lấy que cắm đánh dấu nước đến đâu, chạy vào nhà báo cho ba mẹ tiếp tục đưa đồ đạc lên cao. Chiếc que được nhấc lên nhiều lần, cắm lùi về phía sân trước. Cả bọn reo lên khi nước ngập cả vườn có mấy chú cá nhỏ bơi lội. Nhà xa sông hồ nên cá bơi trong vườn là cảnh thật lạ lẫm. Ông anh nhào xuống nước bắt cá. Cá đâu không thấy người ướt như chuột lột, bị mẹ quất mấy roi. Nền cao, nhà không nước vào nhưng vườn thì ngập bùn non, cây cối héo úa khi nước rút. Hết lụt đến bão. Gió gầm gào, quăng quật khắp nơi. Bão tan, vườn nhà như qua trận bom. Cây lớn cây nhỏ ngã rạp, trái già trái non rụng đầy mặt đất. Đám con theo mẹ tiếc rẻ lượm lặt chút rau trái còn có thể chế biến món ăn cho đỡ uổng.
Tiếng mưa ru mình đến sáng rồi thường được đánh thức bởi tiếng động từ căn nhà cậu em kế, cạnh nhà ba mẹ. Cậu em dắt xe ra đi làm, vừa hát, giọng trầm hòa với tiếng mưa: “Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi” (Đặng Thế Phong). Có hôm là “Phố buồn” của Phạm Duy: “Em bước chân qua thềm, mưa vẫn rơi êm đềm...”, “Bao trưa tóc xanh trốn ngủ cùng vui đùa, nay hai chị em tóc bạc như nhau”. Và đó là người duy nhất trong đàn con ở lại quê, chăm vườn nhà, giữ khói hương ấm thơm trên phần mộ, bàn thờ ông bà, cha mẹ ngày giỗ Tết. Sáng nay chợt nghe một giai điệu vui: “Ô hay mùa đông mà mai đã lên bông” (Lê Uyên Phương). Mình chạy ra hiên. Trời tạnh. Cậu em đang đứng ngắm cây mai ở góc sân. Trên tán lá rậm xanh – mới đầu tháng chạp, đâu đã đến kỳ lặt lá – có một chùm hoa vàng thắm. Vậy là vườn cũ tặng đứa con trở về mái nhà xưa cụm mai nở sớm báo hiệu sắp hết một mùa đông.
|
Bình luận (0)