Chúng tôi được cô Đỗ Thị Hồng Diệp, Hiệu phó Trường mầm non xã Trà Thủy, H.Trà Bồng dẫn đến điểm trường thôn 4, xã Trà Thủy. Qua hết con đường bê tông dốc ngược, chúng tôi đi xe máy vào con đường đất đỏ, bụi mịt mù. Bụi bám vào xe, quần áo như nhuộm đỏ. Mười mấy cây số đường dốc đến điểm trường mầm non thôn 4 in hằn vết xe tải chở gỗ keo. Ở giữa là con lươn, hai bên là vết xe lún sâu vào lòng đất.
Gần một giờ sau, chúng tôi đến đầu thôn 4. Từng mái nhà hiện ra đỏ tươi giữa rừng cây keo nguyên liệu. Nơi này là vùng tái định cư của thủy điện Hà Nang, xã Trà Thủy cho đồng bào Kor. Kiểu nhà giống nhau, nhỏ và lô nhô hai bên đường bê tông đã bị tróc đi lớp mặt, trơ ra đá dăm nhỏ trên mặt đường. Nắng khô khốc chảy dài khắp thôn xóm, hiện ra cái nghèo nàn nơi vùng núi xa này.
NHIỀU TRẺ KHÔNG ĂN SÁNG TRƯỚC KHI ĐẾN LỚP
Lớp học mầm non của trẻ 3 lứa tuổi 3, 4 và 5 ở gần cuối thôn 4, nằm thu mình bên những dãy nhà dân im ắng. Chúng tôi vào lớp giữa lúc cô giáo Nguyễn Thị Hà (34 tuổi) đang cho các cháu chơi trò xây dựng. Những mô hình được mô phỏng như dãy phố với nhà xây cao tầng, công viên cây xanh có nhiều trò chơi, xe ô tô… mà có lẽ nhiều đứa trẻ ở đây chưa chắc đã thấy dù là ngoài đời thật hay qua ti vi, sách báo…
Cả lớp có 35 cháu, chỉ có một cháu mập mạp, còn lại là những gương mặt hốc hác, do thiếu ăn, uống, áo quần lam lũ và ánh mắt thơ ngây. "Bị suy dinh dưỡng là cái chắc, vì các cháu mang cà mèn đến trường ăn trưa chỉ có cơm trắng. Thỉnh thoảng có chút ít thịt, cá muối và trứng", cô giáo Hà nói về bữa ăn bán trú ở trường của các cháu không khỏi mủi lòng mặc dù đã mười mấy năm dạy các cháu mầm non ở những vùng hẻo lánh của H.Trà Bồng.
Khoảng hơn 10 giờ trưa hôm ấy, cô Hà và cô Hồ Thị Nhung dọn bàn cho học sinh ăn trưa. Hỏi sao ăn sớm vậy, cô giáo Nhung bảo: "Rất nhiều cháu buổi sáng trước khi đến lớp không có ăn, nên ngày nào cũng cho các cháu ăn sớm so với bình thường".
Hôm ấy, thay vì cơm mang từ cà mèn đến trường, 35 cháu được ăn bánh mì và súp có trứng thịt. Nhìn các cháu xì xụp nhai bánh mì, húp nước súp, ai cũng động lòng. Với trẻ miền xuôi và thành phố, thịt và trứng có lẽ đã quá quen thuộc. Còn các cháu ở đây, lấy bánh mì chấm cho sạch nước súp rồi mới "thưởng thức" thịt và trứng. Nhiều cháu dùng thìa múc ăn, lỡ tay múc lên trứng, thịt đã phải thả lại vào tô.
Trong khi các cháu ăn, cô giáo Hà liên tục chụp ảnh, từ tô súp đến bánh mì, chụp xa, chụp gần, cảnh các cháu ăn và chụp cận cảnh cả thịt và trứng trong tô. "Tụi em còn phải chụp cả gia vị nữa để gửi liền cho nhà từ thiện hỗ trợ 2 bữa ăn có thịt trong một tuần này. Có bữa lo cho các cháu, không kịp chụp ảnh là lo lắm, vì không có ảnh gửi đi, sợ lỡ nhà từ thiện không hỗ trợ cho các cháu thì tiếc", một cô giáo thanh minh.
Chúng tôi hỏi bé Hồ Gia Toàn (4 tuổi) ăn ngon không, cháu cười: "Ngon hơn ở nhà. Ước gì ngày nào cũng có thịt, trứng để ăn". Nói xong, cháu cười hồn nhiên rồi cắm cúi ăn hết suất ăn của mình.
NHỮNG ĐỨA TRẺ LÚC NÀO CŨNG BUỒN RƯỜI RƯỢI
Dù đói hay no, trẻ em được ở gần bố mẹ, nằm trong vòng tay ba mẹ mỗi ngày là sung sướng nhất. Thế nhưng, những đứa trẻ ở làng tái định cư thủy điện Hà Nang này lại khác, rất nhiều cháu trong lớp mầm non chưa hề biết mặt cha. Đó là kết quả những mối tình không mong đợi của những nàng Kor xứ núi. Nhiều phụ nữ sau đó đành gửi con cho bố mẹ đi về phố làm công nhân kiếm sống.
Chỉ tay vào bé H.T.N, dù 5 tuổi nhưng nhỏ thó như 3 tuổi, cô giáo Hà cho biết cháu ở cùng ông bà ngoại, ngày ngày thui thủi đến trường, ít được chăm sóc nên lúc nào cũng buồn rười rượi. "Còn rất nhiều cháu khác, bố mẹ phải vượt qua hồ thủy điện làm rẫy, có khi 3 ngày mới về. Chiều đến, các cháu về nhà ở với anh chị học lớp 4, lớp 5 hoặc cấp 2 nên đói no nào ai có biết", cô Hà kể thêm.
ƯỚC MƠ CỦA CÔ GIÁO
13 năm dạy học thì hai lần cô giáo Hà dạy ở điểm trường thôn 4, xã Trà Thủy. "Hơn 10 năm qua mà bữa ăn trưa ở trường các cháu mang theo vẫn là cơm trắng và muối", cô Hà nói, xao xác cả lòng.
"Đặc sản" của nhà trường
Bà Đỗ Thị Cẩm Nhung, Phó phòng GD-ĐT H.Trà Bồng, cho biết chỉ trừ TT.Trà Xuân và hai xã Trà Phú và Trà Bình, còn lại các xã trong huyện đều có điểm trường lẻ. Theo đó, chỉ riêng mầm non, toàn huyện có 83 điểm lẻ, trong đó nhiều nhất là xã Trà Thủy và xã Trà Sơn, có từ 5 - 7 điểm lẻ. Ở tất cả các điểm lẻ này, rất nhiều nơi học sinh mầm non bán trú dân nuôi đến trường đều có "đặc sản" cơm trắng, muối. Nhiều trường tổ chức nấu ăn tại trường chính, hoặc nấu tại điểm trường này rồi vận chuyển đến điểm trường khác cho các em ăn. Tuy nhiên, cơ quan chức năng khi kiểm tra thì có ý kiến rằng, việc vận chuyển thức ăn để trong hộp nhựa chưa đảm bảo an toàn vệ sinh.
Bà Nhung chia sẻ, nhiều trường cũng đã tính đến việc làm bếp ăn nơi điểm lẻ. Thế nhưng, chỉ riêng việc thuê cấp dưỡng và xây phòng đủ quy định phải mất 500 - 700 triệu đồng. "Đây là số tiền lớn, đơn vị không biết tìm đâu ra", bà Nhung nói.
Thấy thương học trò, ngày nào có trái bí, trái bầu, rau xanh… các cô đều mang theo lên xe để nấu cho các cháu bữa canh cho dễ ăn hơn. Vài năm nay, nhà trường họp nói về bữa ăn. Hai cô phân công nhau: cô đi chợ mua rau, thì cô kia lên sớm hơn để đón cháu vào lớp. "Hôm nào bị công việc đột xuất, hay mưa lớn không thể lên được, cứ nghĩ cảnh các cháu nuốt cơm không, mà đau cả lòng", cô Hà nói.
Hỏi bây giờ cần nhất là gì, các cô giáo cười khổ nói cái gì cũng cần cho các cháu, có điều làm sao ngày nào các cháu ăn cũng có thịt là mừng nhất. Còn mùa mưa lạnh, nhiều em tái tê, quần áo phong phanh, chân không giày dép, chỉ mong có quần áo ấm cho các cháu. "Có được hai cái này là điều ước của các cô giáo bọn em", cô giáo Hà chia sẻ.
Từ biệt thôn 4, xã Trà Thủy, chúng tôi đi về khu dân cư Gò Nổi, thôn Tây, xã Trà Sơn, H.Trà Bồng. Ở đây, bữa cơm bán trú dân nuôi của học sinh cũng không khác gì hơn, cũng cơm trắng, lâu thật lâu mới có trứng, thịt và cá.
Cô giáo Hồ Thị Thanh Thủy (43 tuổi) cho biết ở khu tái định cư Gò Nổi, ngoài tổ 1 và 2 thôn Tây ở gần, còn các cháu ở tổ 3 cao tít tắp phía trên, đến điểm trường đi học mẫu giáo, lớp 1 và 2, phải đi từ tờ mờ sáng, khi sương núi mùa này còn phủ kín lối đi qua rừng, con dốc. Đó là chưa kể học sinh từ lớp 3 trở lên phải xuống trường chính ở trung tâm xã Trà Sơn học, các cháu phải đi từ 3 giờ 30 sáng. Nhiều cháu được bố mẹ đưa hết đoạn rừng, còn lại tự đi, mang theo đèn pin, cầm đuốc để soi đường. Đến được mái trường khi trời còn tối đen như mực, quần áo các cháu ướt nhẹp, nhem nhuốc, lạnh run, mặt mũi lấm lem bùn đất. Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa lạnh về, nhìn các em co ro trong manh áo cũ, thân làm cô giáo xót xa lắm, mà lực bất tòng tâm. Hằng ngày, ngoài việc dạy, cô Thủy còn đi hỏi xin quần áo cũ, áo ấm mang lên trường cho các em.
Bình luận (0)