Ở những nơi sách giáo khoa mới có muôn kiểu biến hóa

08/12/2022 07:15 GMT+7

Tại các cơ sở đào tạo chuyên biệt, sách giáo khoa mới được biến hóa nội dung và hình thức phù hợp với khuyết tật và năng lực của học sinh, mang đến cơ hội giáo dục bình đẳng.

“Thay ruột” cho sách mới

Tại Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (Q.10, TP.HCM), Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Huệ cho hay từ tháng 6.2022, các thầy cô đã bắt đầu chuyển đổi sách giáo khoa mới các khối 3, 7, 10 sang dạng chữ nổi Braille dành cho học sinh khiếm thị. Điều này giúp các em có thể tri giác trọn vẹn thông tin bài học. Sách của học kỳ 1 được thực hiện đến tháng 9, còn học kỳ 2 nối tiếp đến tháng 12.

Thầy Quyết Thắng kiểm tra nội dung trong sách giáo khoa chữ nổi môn toán dành cho học sinh khiếm thị

ngọc long

Theo cô Huệ, đây là hoạt động liên kết với Viện Khoa học giáo dục Việt Nam. Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu sẽ cùng các trường chuyên biệt khác trên toàn quốc như Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội), Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng... chia ra làm những môn khác nhau. Sau khi hoàn thành, sách sẽ gửi viện để thẩm định chất lượng trước khi tổng hợp thành bộ hoàn chỉnh, phân bổ về từng trường.

“Ngoài sách giáo khoa, chúng tôi cũng chuyển đổi tài liệu học tập sang chữ nổi cho các em hòa nhập. Đây có thể là sách giáo khoa nhưng giảm bớt hình ảnh, chủ yếu là chữ để học sinh tiếp thu trước khi có bản chính thức. Hoặc là đề cương riêng cho môn học do giáo viên trường hòa nhập tự soạn thảo. Tinh thần là ai cũng sẵn sàng cống hiến”, Hiệu trưởng Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu khẳng định.

Còn nhiều hạn chế

Nằm trong đội ngũ làm sách chữ nổi có thầy Nguyễn Quyết Thắng, giáo viên hỗ trợ hòa nhập môn toán THPT. Theo thầy Thắng, quy trình thực hiện gồm các khâu: chuyển đổi nội dung sách từ tệp PDF sang Word, luân phiên dò lỗi chính tả, tiếp tục chuyển đổi kênh chữ, kênh hình sang chữ nổi nhờ phần mềm quốc tế kết hợp cắt dán thủ công, cuối cùng in thành bản mẫu để kiểm tra trước khi phát hành chính thức.

Sau 2 năm gián đoạn học tập vì Covid-19, các lớp học trực tiếp tại Trung tâm giáo dục người khiếm thính (Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đã đón học sinh trở lại

NGỌC LONG

“Kênh chữ có một số khó khăn như tên nguyên tố hóa học ở sách mới ghi bằng tiếng Anh nên một số chất cần tra cứu mới biết, hay công thức toán bắt buộc chỉnh sửa đúng với quy luật ký hiệu mới của Việt Nam. Còn ở kênh hình, chúng tôi làm nhiều cách để minh họa vì nhìn bằng mắt khác với cảm nhận bằng tay. Phải làm sao khi học sinh sờ vào biết được đâu là ảnh, đồ thị”, nam giáo viên lưu ý, đồng thời cho biết thêm mỗi quyển nặng từ 2-3 kg.

Từ thực tế đứng lớp, thầy Thắng nhận định việc giảng dạy ở chương trình mới còn gặp một số khó khăn. “Kẹt nhất là có quá nhiều sách giáo khoa nhưng không có sách chữ nổi cho học sinh khiếm thị tiếp cận. Trường vẫn đang cố gắng rất nhiều để đáp ứng những môn quan trọng, cần thiết cho các em như môn toán, tiếng Anh, khoa học tự nhiên (THCS) và lý, hóa, sinh (THPT)”, thầy Thắng nói.

Một điểm khó khác là thứ tự bài giữa những bộ sách khác nhau, các trường hòa nhập cũng chọn những bộ sách khác nhau nên mỗi học sinh có một tiến độ riêng. Do đó, việc giảng dạy tập trung vào các vấn đề mà em nào chưa hiểu hoặc còn yếu thay vì chung một tiến độ như trước. Hay việc sách có nhiều hình ảnh để chú trọng dạy học trực quan, nhiều nhất là ở tiểu học, cũng khiến học sinh khiếm thị khó tiếp cận, thậm chí “đuối” khi theo dõi bài.

Học sinh khiếm thính khối tiểu học tập viết trong giờ học tiếng Việt

Ngọc Long

“Điểm đặc sắc của các bộ sách là cùng một tri thức nhưng mỗi quyển có ý tưởng, cách viết riêng, bài giảng nhờ đó cũng phong phú hơn. Hiện tôi đang dựa vào kinh nghiệm sách cũ để dạy, đồng thời tìm hiểu thêm hướng tiếp cận sách mới sao cho tốt nhất với các em”, thầy Thắng chia sẻ và cho hay việc thiếu hội thảo, tập huấn về sách mới cho giáo viên dạy hỗ trợ hòa nhập là một hạn chế trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Trẻ khiếm thính học sách giảm tải

Cô Bùi Thị Ngọc, giáo viên tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục người khiếm thính (Q.Phú Nhuận, TP.HCM), khẳng định để phù hợp với định hướng giáo dục hòa nhập và phát triển nghe nói cho trẻ khiếm thính, trung tâm đã có những điều chỉnh, giảm tải nội dung trong sách giáo khoa mới bộ Chân trời sáng tạo.

Chẳng hạn, sách tiếng Việt lớp 1 được lược bỏ các từ địa phương, khó hiểu như “ngoáp” (tr.23, tập 2), “chả chìa” (tr.55), “rối que” (tr.82), “riềng đỏ” (tr.171), “muỗm leo” (tr.175); hay ngữ văn lớp 7 với bài học “Thơ bốn chữ, năm chữ” đã giảm tải phần gieo vần, nhịp 2/2, 3/2, chỉ chú trọng đọc, hiểu và đặt câu với các từ có trong bài.

Dù bài học chỉ có một nhưng cô Ngọc cho hay, mỗi học trò đều có giáo án riêng và được giảng dạy theo hướng cá thể hóa, phù hợp năng lực từng em. “Do các em có những khuyết tật, mức độ nặng nhẹ khác nhau dẫn đến tâm lý lẫn mức độ tiếp thu bài cũng khác biệt”, cô Ngọc lý giải. Nữ giáo viên chia sẻ thêm học sinh cũng được thực hành STEM/STEAM nhưng không đi sâu vào bản chất, nguyên lý khoa học mà chủ yếu rèn những kỹ năng sống khi hòa nhập cộng đồng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.